Anh Ngọc đầu tư tiền tỷ mua lan, cắm tận 3 sổ đỏ cho ngân hàng, có những mầm giá nửa tỷ đồng nhưng hiện thanh lý vài trăm nghìn đồng cũng không có người mua. Bây giờ, anh phải đi bốc vác để có tiền trả nợ.
Sau một ngày bốc hàng, anh Thế Ngọc (Phú Thọ) vẫn miệt mài tưới nước cho hơn 500 giỏ lan đang ế khách vì dù đã được đại hạ giá nhưng không có người mua. Sau gần 4 năm rót tiền trồng lan đột b̴iến theo phong trào, anh vẫn nợ ngân hàng hơn 1 tỷ đồng với lãi suất 11%/năm mà chưa rõ ngày nào mới hết nợ.
Chi nửa tỷ đồng mua một mầm lan đột b̴iến
Anh Ngọc rót tiền vào lan năm 2018, bắt đầu từ dòng lan 5 cánh trắng Phú Thọ, sau đó “cơn sốt” lan tiếp tục lan sang những dòng lan cánh trắng Hiển Oanh (HO), lan Bạch tuyết…
Trong đó, dòng lan 5 cánh trắng Phú Thọ có nguồn gốc từ chính quê anh sống. “Trước đây dòng này hiếm, trong xã chỉ 1-2 nhà có. Họ thổi giá và gọi đây là dòng đột b̴iến. Ban đầu, giá chênh cao hơn các dòng khác nhưng không quá nhiều, sau đó mới bị hét giá lên”, anh kể.
Anh Ngọc là một trong nhiều người đã tham gia vào trào lưu trồng lan. Để gây được lan, anh phải mua mầm. “Tôi mua mầm của tất cả các loại lan hiếm thời điểm đó để gây cho đa dạng. Có những mầm vài triệu, có mầm vài chục triệu nhưng cũng có những mầm lên tới 500 triệu đồng. Mỗi mầm chỉ dài 1-2 cm”, anh cho hay.
Số tiền lớn nên anh Ngọc phải vay mượn thêm họ hàng để đầu tư. Ngoài ra, anh “cắm” 3 sổ đỏ ở ngân hàng để vay hơn 2 tỷ đồng, với hy vọng những giỏ lan sau vài năm sẽ giúp anh đổi đời.
Thực tế, thời điểm bắt đầu “sốt” lan, giao dịch dễ vì có nhiều người mua bán. “Năm 2021 là thời điểm lan đột b̴iến có giá đỉnh điểm, nhưng đỉnh diễn ra không lâu. Lan lên giá nhanh nhưng xuống giá cũng nhanh hơn nhiều lần”, anh bộc bạch.
“Cả khu cùng đua nhau trồng lan đột b̴iến khiến nó không còn hiếm nữa. Vào vườn nhà ai cũng thấy lan đột b̴iến. Sau 2-3 năm, họ cũng giống tôi, nhận ra những chậu cây tiền tỷ không còn giá trị gì nữa”, anh Ngọc nói.
Tá hỏa phát hiện ra lan đột b̴iến tiền tỷ chỉ là giao dịch ảo
Trong gần 3 năm từ lúc trồng lan cho đến khi diễn ra “cơn sốt” lan năm 2021, anh Ngọc có tổng hơn 500 giỏ lan. Ban đầu, anh có vài mầm, sau mua thêm và khi lan lớn lại tiếp tục gây thêm lan.
Sở hữu nhiều song lan không còn “đột b̴iến”. Anh Ngọc cũng từng chốt lời nhiều giỏ lan nhưng niềm vui diễn ra không lâu. Giá lan bất ngờ lao dốc mà theo anh Ngọc là “không kịp chống đỡ”.
“Tôi đã chứng kiến một thời cây cảnh cũng bị đẩy giá và lao dốc. Cũng biết lan rồi sẽ có ngày giảm, nhưng tôi nghĩ sẽ giảm từ từ chứ không ngờ đẩy lên cao vút như vậy xong rồi sập luôn. Chỉ trong vòng vài tháng, giá lan sập, tôi không kịp trở tay”, anh chua chát nói.
Bất ngờ nhất với anh Ngọc là các thông tin giao dịch lan tiền tỷ trên mạng xã hội chỉ là ảo. Anh kể: “Lúc đó không chỉ tôi, tất cả người xung quanh trồng lan đều tá hỏa. Anh em không phải ai cũng có tiền, đều đi cắm sổ đỏ vay nợ như tôi cả. Thời điểm phát hiện ra và lan xuống giá không còn người mua nữa, tôi vẫn nợ gần 2 tỷ đồng ở ngân hàng”.
Chưa kể, trồng lan, theo anh Ngọc, không hề đơn giản. Suốt một thời gian dài, anh Ngọc không đi làm gì, chỉ ở nhà nghiên cứu cách chăm lan, dồn bao tâm huyết. Vậy nhưng mấy chậu lan đột b̴iến tưởng được định giá vài tỷ đồng giờ nằm chỏng chơ, chẳng ai mua. Mức giá chênh nhau giữa giá hiện tại và trước đó lên tới hàng nghìn lần.
Bốc vác để trả nợ “nghiệp chơi lan”
Sau này, khi lan xuống giá cũng là lúc hàng loạt cảnh báo về lan đột b̴iến và nguy cơ vỡ nợ khi đầu tư vào loại này. Các nguyên nhân gồm thổi giá quá cao so với giá trị thực sự của lan, nguy cơ mua phải lan giả mạo, nhân giống đại trà…
Biết sẽ không bao giờ quay trở lại thời kỳ “đột b̴iến” như trước nên thay vì tiếp tục chăm sóc lan, anh Ngọc giao cho người nhà làm và đi bốc vác kiếm tiền trả nợ. Lan đột b̴iến một thời “đắt hơn vàng”, giờ lâm cảnh để đó cho đỡ trống vườn.
Anh Ngọc từng hạ giá với 20.000 đồng/cm lan để thanh lý nhưng không có người mua. “Quanh đây các nhà cũng diễn ra tình trạng tương tự. Có nhà nợ vài tỷ đồng, tôi thì vẫn nợ hơn 1 tỷ đồng”, anh nói.
Thất thu vì cơn sốt lan đột b̴iến thoái trào, anh Ngọc đi làm bốc vác với mức thu nhập 300.000 đồng/ngày để trả dần nợ. “Nhưng làm còn phải nuôi sống gia đình, lãi ngân hàng còn không trả đủ thì biết bao giờ mới hết nợ. Chắc chỉ còn nước bán nhà”, anh Ngọc chua chát nói.
Theo Dân trí