Cứ 3 buổi tối mỗi tuần, bà Thành Thị Thiên (56 tuổi, ở Ninh Thuận) lại cùng con gái 31 tuổi bị khuyết tật vượt quãng đường 1km đến lớp học xóa mù chữ.
Đều đặn 3 buổi tối mỗi tuần, các lớp học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học dành cho bà con đồng bào Chăm ở xã Xuân Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) lại sáng đèn.
Đồng hồ điểm 18h30 cũng là lúc bà Thành Thị Thiên đẩy xe lăn cùng con là Lý Thị Hương (31 tuổi) bị khuyết tật, vượt quãng đường hơn 1 km đến lớp học xóa mù chữ tại điểm trường TH – THCS Mai Thúc Loan.
Khi đến lớp, chị Hương không thể tự mình đi lại, mọi sinh hoạt phải nhờ vào sự giúp đỡ của mẹ và cô giáo.
Cô giáo của lớp xóa mù chữ này là cô Phú Thị Tốt – hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 1, đang ân cần hướng dẫn cho hai mẹ con chị Hương.
Chị Hương bị khuyết tật bẩm sinh đang cần mẫn tập viết từng nét chữ.
Bà Thành Thị Thiên cho biết, hơn 50 tuổi bà mới biết tới con chữ nhờ có lớp phổ cập giáo dục này, vì thế bà rủ con gái cùng đi học chung. “Mới vô học viết từ từ, chịu khó đọc, cố học cho biết chữ. Ngày trước hai mẹ con không biết viết chữ đâu, giờ hai mẹ con đã biết rồi nên mừng lắm”, bà Thiên nói.
Học cùng lớp với 2 mẹ con chị Hương có bà Lý Thị Đào đã hơn 62 tuổi, ở thôn Phước Nhơn 2, xã Xuân Hải, hăng say tập đánh vần từng chữ.
Lớp học đa số là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi nên khó rèn chữ viết nhưng tinh thần, thái độ học tập rất nghiêm túc.
Mỗi lớp học được bố trí hai giáo viên đứng lớp để hỗ trợ, hướng dẫn cho học viên tiếp thu dễ hơn.
Cô Thành Thị Kim Trang – Phó hiệu trưởng trường TH và THCS Mai Thúc Loan cho biết, năm nay, nhà trường mở 4 lớp học xóa mù chữ đợt 1 vào tháng 5, với 49 học viên đăng ký tham gia. “Các lớp học bắt đầu từ 19h đến 20h30 các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần. Nhà trường phân công 6 giáo viên là người địa phương để giúp bà con biết đọc, biết viết, biết tính toán”, cô Trang nói thêm.
Ông Nguyễn Minh Hảo – Phó Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Ninh Hải cho biết, ngoài 4 lớp xóa mù chữ ở Trường TH-THCS Mai Thúc Loan, hiện nay huyện Ninh Hải còn tổ chức 7 lớp xóa mù chữ đợt 1 cho đồng bào Raglai ở thôn Cầu Gãy và Đá Hang (xã Vĩnh Hải) với 76 học viên học chương trình lớp 1 đến lớp 5. “Việc tổ chức các lớp xóa mù chữ được địa phương, học viên hưởng ứng, mang lại kết quả tích cực, giúp nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết để tự tin hơn trong cuộc sống”, ông Hảo nói,
- Bỏ 150 triệu đồng mua “lạc”, người dùng bán lại Hyundai Tucson Diesel với giá ngỡ ngàng
- Sau “Mai” của Trấn Thành: Điện ảnh Việt ảm đạm, chờ Lý Hải “Lật mặt”?
- 10 tư duy dạy con đỉnh nhất mọi thời đại: "Giúp con thành tài, tránh đi đường vòng"
- “Hà Nội xưa” cổ kính trên phố bích họa Phan Đình Phùng
- Phương Trinh Jolie: Nỗi xót xa không có chỗ đặt quan tài cho mẹ ruột