Theo anh Quyền, do là giống lan đột biến nên cách nhân giống chỉ có thể lai trực tiếp từ cây mẹ
Một kỹ sư ở Cần Thơ đã sáng tạo với vườn lan đặc biệt. Làm nên sự độc đáo là vườn lan được thiết kế trên mái nhà. Tận dụng nắng gió tự nhiên để lan phát triển vừa tiết kiệm chi phí lan lại ít sâu bệnh nhờ đó thu về lợi nhuận gần nửa tỷ đồng mỗi năm.
Chủ vườn lan khủng trên mái nhà là anh Lâm Khương Quyền (35 tuổi, ngụ tại Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Anh Quyền cho biết đặc tính của lan là ưa nắng, chịu gió. Nắm được đặc tính này, anh mạnh dạn tận dụng không gian lập trại trồng lan trên mái nhà.
“Mô hình trồng lan trên mái nhà rất phù hợp với những người yêu thích hoa lan ở phố thị, vì nếu nhà không nhiều diện tích đất thì vẫn có thể thực hiện được sở thích và phát triển kinh tế từ cây lan”, anh Quyền chia sẻ.
Nghề chính của anh Quyền là xây dựng, nhưng vì đam mê hoa lan nên năm 2016 anh bắt đầu trồng và gặt hái nhiều thành công bất ngờ với nghề “tay ngang” này. “Đây là nghề phụ của tôi nhưng thu nhập khá cao. Việc xây dựng và phát triển mô hình trồng lan trên mái nhà không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo dựng thương hiệu hoa lan riêng cho mình trong giới chơi lan”, anh Quyền nói.
Anh Quyền chủ yếu trồng lan Dendro chớp, đây là lan đột biến của dòng Dendro nhưng có giá trị cao. Hiện tại, anh đã nhân giống số lượng hơn 3.000 cây hoa lan Dendro chớp với các dòng hiếm như: lửa rồng, vàng đỏ xưa, thiên long, cam lửa… cùng một số dòng phổ biến như đỏ tím. Trong đó, dòng làn Dendro chớp vàng đỏ có giá trị cao nhất, nhưng số lượng ngoài thị trường vẫn còn ít.
Với lòng đam mê, không ngừng học hỏi kinh nghiệm để áp dụng trong việc chăm sóc nên hoa của anh Quyền phát triển tốt, trổ bông nhiều quanh năm và đẹp. Chia sẻ kỹ thuật chăm sóc lan, anh cho biết phải tưới nước mỗi ngày 2 lần, thường xuyên bổ sung đạm, kali hợp lý để giữ được bộ lá, thân đẹp và ra hoa đạt.
Theo anh Quyền, do là giống lan đột biến nên cách nhân giống chỉ có thể lai trực tiếp từ cây mẹ. Tuy nhiên, số lượng nhân giống đạt được rất ít, chỉ từ 5 – 6 cây con. Hiện, lan Dendro chớp có giá dao động từ 100.000 đồng đến hơn 30 triệu đồng mỗi chậu (tùy loại). Nhờ đó, anh có thu nhập trên 30 triệu đồng mỗi tháng.
“Sắp tới, tôi sẽ mở thêm trại trồng lan trên mái nhà, tăng quy mô lên khoảng 8.000 – 10.000 chậu để cung ứng số lượng lớn ra thị trường”, anh Quyền chia sẻ.
Mô hình này vừa tiết kiệm diện tích, vừa giúp lan hứng được nắng, gió nhiều hơn và giảm bớt lượng côn trùng gây hại. Vườn lan trên mái nhà của anh Quyền rộng 500 m2, được xây dựng kiên cố và trang bị hệ thống hiện đại, như quạt gió làm mát gắn tứ phía, hệ thống tưới tự động… điều khiển thông qua điện thoại./.
****
Chán cảnh “được mùa, mất giá”, lão nông Cần Thơ phá vườn mít Thái trồng tre kiếm bộn tiền
Những ngày này gia đình ông Nguyễn Văn Giao (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) đang phá vườn mít Thái, dọn thêm đất trồng để nhân rộng vườn tre tứ quý.
Ông Giao chia sẻ, nhiều năm nay gia đình ông không ít lần thất bại với điệp khúc “được mùa, mất giá”. Trồng hết cây này đến cây khác, được giá vài hôm rồi lại bấp bênh. Nhận thấy không thể trụ nổi, ông Giao quyết định tìm kiếm loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn để thay thế vườn mít Thái nhà mình.
Vốn là người kỹ tính, phải trăn trở nhiều ngày, tìm hiểu nhiều loại cây trồng, nhưng chỉ có loại tre tứ quý mới thuyết phục được ông Giao. Loại cây này có đặc tính dễ trồng, cho măng quanh năm, đỡ công chăm sóc lại ít nhiễm bệnh nên đỡ tốn chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Vì lẽ đó, ông Giao mạnh dạn phá bỏ 1 công đất (1.000m2) vườn mít Thái của mình để trồng 200 gốc tre tứ quý. Trong năm đầu tiên, vườn tre tứ quý mang về cho gia đình ông hơn 100 triệu đồng từ tiền bán măng và cây giống.
“Ngoài việc bán măng tre hàng ngày, tôi còn tuyển bớt những thân tre già cỗi đốn bán cho bà con có nhu cầu làm nhà hay làm giàn để trồng hoa màu. Còn lá tre người ta mua để gói bánh. Thời gian gần đây, một số người chăn nuôi dúi cũng liên hệ để mua tre về làm thức ăn”, ông Giao tiết lộ.
Theo ông Giao, mỗi bụi tre trồng cách nhau khoảng 3m. Từ lúc trồng đến cho vụ măng đầu tiên chỉ mất 8 tháng. Tầm 2 tháng bón phân một lần, mùa nắng cách 2 ngày tưới nước 1 lần. Một bụi tre cho từ 7 đến 10 mục măng mỗi tháng, trọng lượng mỗi mục từ 1,5kg trở lên. Với giá bán dao động từ 30 đến 45 nghìn/kg, người trồng cũng có thể chủ động về giá bán.
Cũng theo lão nông này, ban đầu, khi quyết định phá vườn mít trồng tre, bản thân gặp không ít áp lực vì gia đình không đồng thuận, bán tín bán nghi do tre tứ quý là loại cây còn khá mới. Sau một thời gian trồng, nhận thấy hiệu quả từ giống tre này mang lại. Thời gian gần đây thường xuyên có khách hàng từ những tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long… đến đặt mua tre giống. Gia đình ông quyết định mở rộng thêm 3 công đất nữa để trồng tre tứ quý nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Huỳnh Thanh Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ – thông tin: “Hiện nay, trên địa bàn phường Tân Phú có 4 hộ trồng tre tứ quý. Theo đánh giá của chúng tôi, mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới, Hội Nông dân sẽ tham mưu cho Đảng ủy địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ bà con mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng kém hiệu quả. Hội Nông dân cũng tiếp tục kết hợp với UBND phường chuyển giao kỹ thuật trồng tre tứ quý, để cho bà con nắm được và nhân rộng mô hình này”.