Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ông Hiếu vẫn kiên trì theo đuổi việc nuôi chuột tre.
Từng nuôi heo nhưng lão nông Nguyễn Văn Hiếu (69 tuổi ở TP. Cần Thơ) lâm vào cảnh thua lỗ vì giá xuống thấp, phải bán hết đất. Tình cờ ông tìm hiểu và quyết định nuôi loài chuột khổng lồ ăn tre, ăn mía. Thời gian đầu nhiều người phản đối, cho rằng ông sẽ thất bại. Nhưng nhờ kiên trì áp dụng các bước kỹ thuật nên ông đã thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm từ vật nuôi này.
Nuôi dúi lãi tiền tỷ mua đất làm nhà
Ở tuổi xế chiều, nhưng lão nông Nguyễn Văn Hiếu khiến nhiều người nể phục bởi cơ ngơi khủng sau 18 năm nuôi loài chuột khổng lồ. Hiện ông đang sở hữu 2 trại nuôi dúi ở TP.Cần Thơ và TP.Hồ Chí Minh có tổng quy mô hơn 1.000 m2 với khoảng 1.200 con mang về thu nhập cho ông Hiếu trên 1 tỉ đồng mỗi năm.
Ông Hiếu chia sẻ, trước khi bén duyên với nghề nuôi dúi, ông nuôi heo và thua lỗ nên phải bán hơn 1 hecta đất vườn để trả nợ. Khi đó, ông đang ở tuổi 54 phải chuyển sang làm nhân viên cho siêu thị.
Trong một lần tình cờ được công ty tổ chức cho đi du lịch ở miền Bắc, vô tình nếm được món thịt dúi thơm ngon, giá lại cao. Nhận thấy đây là loài vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, vốn có máu đam mê chăn nuôi sẵn trong người, lão nông này không chần chừ, gom góp hết số tiền mang theo mua 18 con dúi giống về nuôi.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ông Hiếu vẫn kiên trì theo đuổi việc nuôi chuột tre. Thị trường cung cấp sản phẩm của ông Hiếu dần mở rộng ra tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Năm 2010, ông Hiếu phối hợp với người con mở một trang trại dúi thịt và dúi sinh sản tại Củ Chi (TPHCM) với quy mô trên 4.000 con (trong đó có hơn 1.000 con dúi sinh sản).
Hiện cơ sở đang nuôi 2 giống dúi chính là dúi mốc và dúi má đào. Dúi nuôi từ 9 tháng có thể sinh sản. Dúi tự phối giống, nếu chăm sóc tốt, dúi cái có thể sinh được tối đa 4 lứa/năm, với 3 dúi con/lần.
Dúi thịt được ông giao cho nhà hàng, quán ăn với giá 1 triệu đồng/kg, dúi giống giá 1,2-2 triệu đồng/con (tùy kích cỡ), trừ hết chi phí, ước tính thu nhập mỗi tháng của lão nông lên đến hơn 100 triệu đồng.
Cũng từ nghề nuôi dúi mà ông Hiếu có tiền mua được 1 mảnh đất xây 50 căn nhà trọ, đầu tư mở thêm trại giống nên người xung quanh gọi ông là “tỉ phú nuôi dúi”.
Cũng theo ông Hiếu những năm đầu, ông gặp không ít khó khăn từ áp lực gia đình can ngăn, chuồng trại cũng chưa có chỉ làm đơn sơ tạm bợ. Lúc bấy giờ, kinh tế cũng còn hạn chế, nên lão nông này đến những vựa mía xin ngọn về làm thức ăn cho dúi, phân dúi ông Hiếu dùng để bón cho vườn nha đam để bán kiếm thêm thu nhập.
Nuôi dúi dễ không lo hao hụt
Theo chia sẻ của ông Hiếu, dúi là loài dễ nuôi, không lo hao hụt, bởi cơ thể chúng có sức đề kháng cao. Thức ăn của dúi là tre, bắp, mía. Mỗi ngày ông Hiếu chỉ cho dúi ăn một lần, nên đỡ công chăm sóc lại ít tốn kém. Mỗi năm dúi sinh sản từ 2-3 lần, mỗi lần đẻ 2-3 con.
Theo ông Hiếu, dúi có đặc tính như loài chuột, còn gọi là “chuột tre” nên có tập tính ngủ ngày, ăn đêm. Nơi ở của dúi cần phải khô ráo, thoáng mát và ít ánh sáng. Do đây là loài gặm nhấm nên thức ăn chủ yếu là tre, thân mía, hạt bắp…
Để đảm bảo nguồn thức ăn, lão nông tận dụng mía vụn, mía loại bỏ ở các vựa và thu mua tre của người dân ở địa phương. Mỗi ngày chỉ cần cho dúi ăn một lần vào chiều tối, không nên cho ăn quá nhiều khiến con vật tích lũy mỡ. Bình quân 100 con dúi ông Hiếu chỉ tốn 30.000 đồng tiền thức ăn mỗi ngày.
“Dúi không cần uống nước nên khá sạch sẽ, nếu nuôi loại dúi thuần, con giống khoảng 7-8 tháng tuổi trở lên là sức đề kháng rất tốt, ít dịch bệnh nên rất nhẹ công chăm sóc, mỗi sáng chỉ dọn phân dúi, không cần dội rửa gì cả”, ông Hiếu nói thêm.
Từ khi phối giống đến 60 ngày sau thì dúi mẹ sinh con. Dúi con nuôi tầm 10 tháng đạt trọng lượng từ 1,5 kg trở lên là có thể xuất bán. Giá bán dúi giống dao động từ 700.000 – 1, triệu đồng/con tùy loại. Dúi có da dày, thịt thơm ngon giàu chất đạm nên được thu mua với giá cao từ 800.000 – 1 triệu đồng/kg.
“Một con dúi ăn một ngày từ 5-10 hạt bắp, trung bình, tiền thức ăn cho một con dúi chưa tới 50.000 đồng/năm. Quan trọng giữ chuồng trại khô thoáng, sạch sẽ mỗi tuần làm vệ sinh một lần. Phân dúi có thể đem bán hoặc tận dụng để bón cây rất tốt”- ông Hiếu tiết lộ.
Anh Phan Minh Hùng (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) thổ lộ: “Tôi nghĩ dúi là loài dễ nuôi, giá thị trường lại cao. Nên hôm nay tôi đến trại dúi của chú Hiếu để học hỏi kinh nghiệm và sau đó mua 3 con dúi đực với 7 con cái về làm giống, mong thành công như chú Hiếu”.
Ông Phạm Văn Thịnh – Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ – cho biết: Mô hình nuôi dúi của hộ ông Nguyễn Văn Hiếu được hình thành và phát triển hơn 10 năm nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội Nông dân TP.Cần Thơ cũng đã hỗ trợ giới thiệu mô hình nuôi dúi của ông Hiếu trên trang thông tin điện tử nên có nhiều đoàn từ các tỉnh: Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… đến thăm quan và học hỏi, mua giống.
Bằng sự năng động và kiên trì, lão nông Nguyễn Văn Hiếu đã trở thành “vua dúi” ở miền Tây. Không ngại khó ngại khổ, ông đã tiên phong nuôi loài chuột tre khi đó vẫn còn xa lạ. Tới nay, nghề nuôi dúi đã phát triển khắp cả nước. Nhiều người nhờ học hỏi kinh nghiệm nuôi chuột dúi của lão nông Cần Thơ mà có sự nghiệp, làm giàu./.