Với tốc độ khoảng 30 giây, anh Tài Minh Tới ở xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang thoắt cái đã trèo lên tới ngọn cây cau cao hơn 10 m và cắt buồng cau đem xuống tới mặt đất. Tốc độ này giúp anh dễ dàng “bỏ túi” 4 triệu đồng/ngày.
Anh Tài Minh Tới ở xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cho hay, hiện nay ngày nào anh cũng đi trèo cau và kiếm được thu nhập khoảng 4 triệu đồng.
“Từ 6 giờ sáng, tôi đã đi trèo cau, đến 11 giờ là nghỉ. Mỗi ngày, tôi cắt được từ 1,3 – 1,5 tấn cau, tùy thuộc vào vườn cau có nhiều trái hay ít trái. Theo đó, mỗi kg cau, tôi được thương lái trả cho 3.000 đồng/kg, tính ra cũng được khoảng 4 triệu đồng” – anh Tới nói.
Theo anh Tới, anh đã có từ 6-7 năm kinh nghiệm trèo cau. Đối với cây cau từ 7-15m, anh hoàn toàn có thể trèo bình thường, đặc biệt là trong thời gian rất nhanh. Việc trèo cau nhanh sẽ giúp thu nhập của anh càng tăng.
Theo ghi nhận của phóng viên, anh Tới trèo 1 cây cau cao từ 11-12m và đem buồng cau xuống đất chỉ trong 30 giây.
Anh Tới cho hay, việc trèo cau của anh hiện nay là tự học rồi “trèo đại”, nhờ vậy mà “làm riết sẽ quen”. Đây là công việc khá mạo hiểm, bởi cây cau khá giòn, có thể gãy ngang thân bất cứ lúc nào.
“Tôi đã từng trèo cau và bị rơi xuống đất khi cây cau bị gãy ngang thân. Lúc đó, rất may tôi không sao, không bị tổn thương gì nặng” – anh Tới chia sẻ với phóng viên.
Không riêng gì anh Tới, nhiều thanh niên có sức khỏe tốt ở xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cũng có thu nhập cao từ nghề trèo cau. “Có người thu nhập còn hơn tôi, tức là từ 5-6 triệu đồng/ngày từ nghề trèo cau” – anh Tới cho biết.
Đối với những người lớn tuổi không trèo mà dùng dụng cụ để cắt buồng rồi đưa xuống đất, tốn nhiều thời gian hơn, thu nhập ít hơn.