Từ số lượng đà điểu ban đầu đến nay, trang trại đà điểu Thủy Ngọ đã có 100 con bố mẹ và duy trì hơn 100 con thương phẩm hàng năm.
Từng nuôi lợn, gà, trâu, bò nhưng luẩn quẩn với khó khăn, một nông dân ở Thanh Hóa đã ‘làm liều’ nuôi loài chim khổng lồ. Thời điểm đó, giống vật nuôi đặc biệt này chưa xuất hiện ở địa phương, nhưng bằng sự quyết tâm, tới nay, một trang trại nuôi loài chim như ‘khủng long’ có quy mô lớn tại tỉnh Thanh Hóa đang đem lại nguồn thu nhập nửa tỷ đồng/năm và thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người.
Làm liều bỏ gà nuôi đà điểu
Năm 2016, người dân thị trấn Vạn Hà (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bất ngờ bởi vợ chồng bà Phùng Thị Ngọ chuyển từ mô hình nuôi gà sang nuôi loài chim khổng lồ đà điểu. Thế nhưng, vợ chồng bà đã cho thấy, đây là một lựa chọn có tiềm năng.
Ông Đào Đức Thủy (chồng bà Ngọ) lặn lội ra các tỉnh miền Bắc tham quan nhiều mô hình và học tập kinh nghiệm nuôi đà điểu. Qua quá trình tìm hiểu, ông Thủy thấy, đà điểu là loài vật có sức đề kháng tốt, lượng thức ăn chỉ bằng khoảng 1/5 so với nuôi bò, đầu ra rộng, lợi nhuận cao.
Cuối năm 2016, vợ chồng ông “làm liều” mua 150 con đà điểu châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) về nuôi. Năm đầu, do chưa có kinh nghiệm, con giống bị hao hụt không ít. Tuy nhiên, nhờ kiên trì theo dõi đặc tính sinh hoạt, thức ăn của đà điều, dần dần vợ chồng ông đã giảm tỷ lệ hao hụt.
Đến nay, tổng đàn đà điểu trong trại đà điểu Thủy Ngọ đã lên đến 160 con, trong đó có 60 con được gắn thẻ nuôi giống, 100 con đà điểu nuôi thương phẩm. Các dãy chuồng được ông Thủy bố trí xa khu vực cổng ra vào, máng ăn được phân làm 2 ngăn, một ngăn cho ăn thức ăn công nghiệp, một ngăn đựng thức ăn xơ. Nước uống cho đà điểu phải được cung cấp thường xuyên vì nhu cầu của chúng rất lớn.
“Bây giờ nghĩ lại cũng thấy mình mạo hiểm quá. Dù mới nuôi lần đầu nhưng mua đến 150 con. Nhưng cũng may, nuôi đà điểu không quá phức tạp, chúng có sức đề kháng tốt nên cũng làm quen kỹ thuật nuôi nhanh” – ông Thủy cho biết.
Nhờ khéo chăm sóc, mỗi lần ra Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, thay vì mua con giống cỡ lớn, để giảm chi phí đầu vào ông Thủy thường mua loại giống nhỏ có trọng lượng 1,2kg/con với giá 1,5 triệu đồng/con. Theo ông Thủy, đà điểu thương phẩm sau 10 tháng có thể xuất chuồng và đạt trọng lượng từ 90-100 kg/con.
“Giai đoạn đầu rất quan trọng vì phải úm tốt, tiêm các loại vắc xin gia cầm. Giai đoạn này có thể cho ăn cám công nghiệp hoàn toàn trong vòng 2 tháng, đạt trọng lượng 10-15 kg/con. Giai đoạn sau đó giảm dần lượng thức ăn công nghiệp, cho ăn thêm ngô bột, lúa, ngô hạt, các phụ phẩm nông nghiệp, đậu xanh, cỏ voi…”, ông Thủy cho hay.
Cũng theo ông Thủy, đà điểu có sức đề kháng rất tốt nhưng chúng rất dễ bị kích động trước màu sắc sặc sỡ. Vì vậy, khu vực nuôi đà điểu tốt nhất cần cách ly với khu vực ồn ào bên ngoài; địa hình cần rộng, bằng phẳng để chúng tự do đi lại không bị gãy chân; nếu vây bằng thép B40 thì phải đảm bảo để chúng không bị vướng vào thép gây rách da, chảy máu.
Thứ gì của đà điểu cũng ra tiền
Từ số lượng đà điểu ban đầu đến nay, trang trại đà điểu Thủy Ngọ đã có 100 con bố mẹ và duy trì hơn 100 con thương phẩm hàng năm. Tuy nhiên, mong muốn của ông Thủy không chỉ dừng lại ở việc nuôi thành công đà điểu thương phẩm.
“Tôi hiện có 60 con đà điểu đủ tiêu chuẩn sản xuất con giống. Tôi quyết tâm sẽ cho chúng đẻ và ấp thành công để không những phục vụ nhu cầu con giống của trại mình mà còn cấp cho những hộ có nhu cầu” – ông Thủy cho biết.
Nói về hiệu quả từ nuôi loài chim khổng lồ này, bà Phùng Thị Ngọ cho biết: Đà điểu giống 1 tháng tuổi đã có thể xuất bán với giá từ 2 – 2,5 triệu đồng/con. Đặc biệt, trứng đà điểu được xem là một loại thực phẩm bổ dưỡng, rất tốt cho phụ nữ mang thai, trẻ em nên được rất nhiều người lùng mua làm thực phẩm. Hiện trứng đà điểu có giá khoảng 150.000 đồng/quả.
Một con đà điểu sau khi nuôi khoảng 1 năm, đạt trọng lượng 80 – 120 kg là có thể xuất bán. Hiện với giá 80.000 – 100.000 đồng/kg hơi, mỗi con đà điểu thương phẩm có giá từ 6,5 – 10 triệu đồng.
Ngoài việc xuất đà điểu thương phẩm nguyên con, thi thoảng gia đình bà Ngọ cũng tự mổ thịt bán tại địa phương với giá 200-240 nghìn đồng/kg. Ngoài thịt, lông, da đà điểu cũng được thương lái thu mua với giá 1,2-1,5 triệu đồng/bộ
Ngoài ra, đà điểu thương phẩm cũng được chế biến và cung cấp ra thị trường thành nhiều món đặc sản như giò, thịt, dạ dày… xuất bán đi các tỉnh, thành phía Bắc, các đơn hàng chủ yếu được đặt từ trước. Với các đơn hàng lớn, thương lái sẽ đánh xe về tận trại để thu mua.
Theo bà Ngọ, thịt đà điểu là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Đà điểu thuộc họ gia cầm, nhưng thịt có vị ngon, ngọt đặc trưng, không bở cũng không dai, mềm hơn thịt bò, rất ít cholesterol nên tốt cho sức khỏe người ăn. Thịt đà điểu được chế biến làm giò cũng được rất nhiều người ưa chuộng.
Ngay cả da, xương, lông, vỏ trứng của đà điểu còn có giá trị kinh tế cao trong ngành sản xuất đồ trang sức, mỹ nghệ. Nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi đà điểu, mỗi năm, gia đình bà Ngọ thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Hiện trang trại của gia đình bà đang tạo công việc cho 6 lao động địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi, đi trước đón đầu nuôi loài chim khổng lồ đã giúp gia đình bà Ngọ tạo lập thành công trang trại nuôi đà điểu lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Biết khai thác lợi thế, cùng với sự tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi đà điểu đã đem lại thành công cho gia đình. Không chỉ là nơi cung cấp đà điểu giống, thịt đà điểu… trang trại đà điểu Thủy Ngọ còn là địa chỉ để nhiều người dân tới học hỏi làm giàu./.