tran-thi-thu-nga-6-13562

Cậu ruột cầu xin giúp cháu gái bị cha mẹ bỏ rơi, mắc bệnh hiếm dẫn tới bại liệt

Thu Nga bị cha mẹ bỏ rơi khi mới 4 tháng tuổi. Con từng có thời gian hạnh phúc bên bà ngoại và cậu. Đáng tiếc năm con 3 tuổi, sau lần sốt kéo dài, co giật, con trở thành một đứa trẻ bại não, vô tri.

Căn nhà lụp xụp của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng (34 tuổi) nằm sâu trong con hẻm ở ấp Bàu Điều Thượng, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Hiện anh đang sống cùng bà Chung Kim Lý (mẹ ruột anh Dũng) và cháu gái Trần Thị Thu Nga (5 tuổi, gọi anh Dũng là cậu). Người dân trong xóm ai cũng biết hoàn cảnh của một thanh niên nghèo chưa vợ con nhưng có tấm lòng lương thiện, nhận nuôi đứa cháu gái bị chính cha mẹ đẻ bỏ rơi.

Anh Dũng không kìm được xúc động khi kể về hoàn cảnh của cháu gái. Thu Nga là đứa trẻ bị sinh non khi bào thai mới được 7 tháng. Những tưởng con có sức sống mạnh mẽ đã là điều hạnh phúc nhất của gia đình, không ngờ chỉ 4 tháng sau, cha mẹ con ly hôn, sau đó lần lượt đi tìm hạnh phúc mới. Bé Nga còn có 1 anh trai đã được nhà nội nuôi, còn con thì gửi nhà ngoại.

Trần Thị Thu Nga (7).jpg
Khi chúng tôi đến, Nga đang nằm trên manh chiếu kê tạm phía dưới bằng chiếc pallet cũ. (Ảnh: Lê Nhung)
Trần Thị Thu Nga (1).jpg
Em bé vốn trắng trẻo, xinh xắn và hoạt bát, nay chỉ nằm một chỗ, thỉnh thoảng lại co giật. (Ảnh: Lê Nhung)

Lúc chưa bị bệnh, bé Nga lanh lợi hơn nhiều đứa trẻ cùng trang lứa. Nhiều hôm tôi đi làm về mệt, con chạy lại tươi cười, ôm ấp khiến mọi cảm xúc tiêu cực tan hết. Từ ngày có con, gia đình tôi vui vẻ hẳn. Thế mà chưa được bao lâu thì con đổ bệnh, giờ nằm bại liệt, không còn nhận biết được gì”, anh Dũng chua xót.

Khoảng tháng 11 năm 2022, Nga bị sốt. Anh Dũng đưa con đi khám và mua thuốc ở cơ sở y tế tại địa phương những không khỏi. 5 ngày sau con lên cơn gồng giật, cả người co quắp lại. Dù đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 nhưng bác sĩ nói đã bỏ lỡ mất giai đoạn vàng. Hai bán cầu não đã bị tổn thương.

Theo chẩn đoán, Nga mắc phải căn bệnh Moyamoya (bệnh lý rối loạn mạch máu tiến triển hiếm gặp). Con đã trải qua nhiều đợt phẫu thuật nhưng không thể hồi phục như trước. Gần 2 năm nay, cô bé sống như người thực vật. Nằm một chỗ kéo dài, con bị di chứng não, viêm phổi, trào ngược dạ dày – thực quản… Anh Dũng phải bỏ hết mọi việc để đưa cháu gái đi viện điều trị.

Trần Thị Thu Nga (6).jpg
Bà Lý và anh Dũng lo lắng cho cháu gái bệnh tật, bởi trong nhà đã cạn sạch tiền. (Ảnh: Lê Nhung)

Trước đây, Nga phải ăn qua đường ống. Mỗi lần con lên cơn gồng giật là lại rớt ống, sau đó anh Dũng tự đảm nhận xay thức ăn để đút bằng thìa. Đứa nhỏ không biết gì, nên cứ khoảng 3-4 tiếng hoặc nhìn bụng cháu lép là anh lại cho ăn. Anh Dũng và bà Lý cũng thường phải thay phiên túc trực, xoa bóp chân tay cho Nga. Cứ hễ đặt nằm xuống là con lại gồng mình, chân tay co quắp. Có khi lên cơn, Nga tự cắn vào lưỡi hoặc anh Dũng phải vội đưa tay cho cháu cắn.

Quanh quẩn lo cho cháu gái nhỏ, anh Dũng không còn đi làm thường xuyên như trước. Công việc thợ hồ vốn đã bấp bênh, nay thời gian anh thất nghiệp lại càng kéo dài. Từ ngày bé Nga bệnh, số tiền tích cóp sớm hết sạch, gia đình còn phải vay mượn thêm hơn 100 triệu đồng. Đến nay họ đã kiệt quệ.

Anh Dũng buồn bã nhìn cháu gái nhỏ: “Có hôm con bé bị sốt mà nhà hết sạch tiền, phải đợi tôi đi làm mấy hôm rồi mới đưa đi cấp cứu. Bác sĩ nói giờ cứ vào thuốc để theo dõi, đợi sức khỏe con ổn định mới tiếp tục phẫu thuật tiếp hoặc tiến hành ghép tế bào gốc. Thế nhưng giờ tiền mua thuốc cho con tôi cũng không lo nổi nữa rồi”.

Trần Thị Thu Nga (4).jpg
Giấy xuất viện và giấy chứng nhận phẫu thuật của bé Nga xếp lại đã dày.
Trần Thị Thu Nga (5).jpg
Căn nhà tuềnh toàng xây từ 6 năm trước nhưng không đủ tiền hoàn thiện. (Ảnh: GĐCC)

Ngôi nhà nhỏ của gia đình họ được xây cất hơn 6 năm nay nhưng chỉ đủ tiền hoàn thiện phần thô. Bức tường chắp vá những miếng xốp mỏng để che đi lớp gạch mốc đen. Phía trước nhà vẫn ngổn ngang những đống gạch, sỏi, cát… Bà Lý bảo đó là do con trai tích cóp lại trong nhiều năm, dự định sẽ xây cho bà một căn bếp tử tế. Nhưng giờ đây, có lẽ 1 cái bếp đàng hoàng không còn quá quan trọng với gia đình bà.

Ông Nguyễn Chánh Tính, Trưởng ấp Bàu Điều Thượng cho biết, gia đình anh Dũng trước đây ở Đồng Nai, sau khi bị cháy nhà thì chuyển về ấp Bàu Điều Thượng sinh sống. Giấy tờ của anh Dũng đã bị cháy, nhưng do mải lo cho cuộc sống nên chưa đi làm lại. Chỉ đến khi cháu Nga bị bệnh, cần đi bệnh viện thì anh mới làm giấy xác nhận quan hệ thân nhân.

Địa phương thỉnh thoảng cũng tặng gạo, mì tôm, bánh… nhưng không giúp được tiền bạc chữa bệnh cho cháu Nga. Mong Báo VietNamNet và quý bạn đọc hảo tâm giúp đỡ gia đình. Tôi xin thay mặt gia đình và địa phương chân thành cảm ơn”, ông Tính bày tỏ.