Anh nông dân 8X Lưu Chí Đông ở bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) nuôi đủ loại gia súc, từ lợn đen, gà, bò…mỗi năm lời vài trăm triệu đồng. Đến thăm mô hình nuôi lợn đen lẫn những con lợn lông vàng của nhà anh Đông, ai cũng trầm trồ khen anh mát tay chăm bẵm…
Nuôi lợn đen, nuôi gà nổi tiếng trong vùng
Chúng tôi có chuyến công tác đến xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), vùng đất phía Tây Bắc còn nhiều khó khăn. Tới đầu xã, hỏi anh Lưu Chí Đông người dân hồ hởi cho biết, anh Đông không chỉ là người làm giàu từ chăn nuôi lợn, gà mà thất bại từ nuôi lợn và gà cũng kha khá.
Trang trại chăn nuôi của chàng trai 8x nằm ngay đầu con đường trải nhựa sạch bong ngược lên UBND xã Nậm Hàng. Bà con nơi đây đang phấn đấu về đích NTM vào năm 2025, anh Đông là một trong số những điển hình trong phát triển kinh tế, góp sức xây dựng NTM của địa phương.
Gặp anh, ấn tượng đầu tiên về anh là người thanh niên rắn giỏi, nhanh nhẹn, cởi mở và chân thành. Trong câu chuyện với anh, chúng tôi được biết, để có được thành công như ngày hôm nay, anh trải qua không ít thăng trầm, thành công có, thất bại cũng không ít.
Đưa chúng tôi vào khu nuôi lợn, Anh Đông kể: Từ ngày bắt đầu lập nghiệp, tôi trải qua không ít bước ngoặt. Mốc gần nhất là năm 2015, tôi đầu tư 200 triệu nuôi gà thương phẩm, gà chọi và lợn đen nhưng rồi thất bại cay đắng.
Một phần do tôi thiếu kinh nghiệm chăn nuôi nên đàn gà thương phẩm mắc bệnh lăn ra chết số lượng lớn. Số còn lại tôi “đấu” không lại với gà giá rẻ từ dưới xuôi đưa lên.
Ngậm ngùi bỏ đi đàn gà, tôi trông mong vào đàn lợn. Nào ngờ… ngừng một lúc, anh mới nói tiếp: Không may là đàn lợn cũng mắc dịch tả lợn rồi lăn quay ra chết. Đau lắm ! năm đó, gia đình tôi thiệt hại mất mấy trăm triệu đồng.
Chỉ tay vào đàn lợn gần 100 con, to nhỏ đủ cả, con nào con nấy béo tròn, đen trùi trũi, kêu ủn a ủn ỉn, anh Đông chia sẻ: Thất bại đau nhưng quyết tâm làm giàu trong tôi không hề lung lay. Sẵn máu đam mê chăn nuôi, được sự động viên của gia đình, tôi thêm quyết tâm làm lại từ đầu.
Năm 2018, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể địa phương, tôi mạnh dạn vay được gần trăm triệu từ ngân hàng. Tôi đầu tư xây dựng lại hệ thống chuồng trại với quy mô hơn 300m2, tập trung nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt và lợn giống.
Chuồng nuôi lợn tôi tính toán thiết kế thoáng mát và thuận tiện vệ sinh. Tôi xây các ô nuôi tách biệt thành từng khu, để tiện cho việc chăm sóc.
Để có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, một mặt tôi đăng ký tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi do xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức. Một mặt, cứ lúc rảnh, tôi lại tìm đọc những sách, báo, tài liệu để có thêm kiến thức chăn nuôi.
Đổ xong chậu thức ăn đã nấu chín có ngô xay trộn cây chuối thái nhỏ cho đàn lợn, anh Đông nói chắc nịch với chúng tôi: Nhờ đó, kinh nghiệm chăm sóc đàn gia súc của tôi cứ ngày một lớn. Chứ nghề chăn nuôi mà thiếu kiến thức và kinh nghiệm thì chắc chắn thất bại”.
Muốn đàn vật nuôi khoẻ mạnh, ngoài chủ động thực hiện các giải pháp trong phòng chống dịch bệnh như làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin định kỳ, tôi chú trọng đảm bảo lượng dinh dưỡng cho mỗi thời kỳ sinh trưởng của vật nuôi. Việc lựa chọn và phối trộn thức ăn chăn nuôi rất quan trọng.
Theo anh Đông, trong chăn nuôi, dịch bệnh rất thất thường. Nếu chú trọng vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, đảm bảo chất dinh dưỡng thì vật nuôi sẽ có sức đề kháng tốt hơn, kịp thời phòng tránh dịch bệnh.
“Thất bại vài lần, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm. 4 năm nay đàn gà, lợn và bò của gia đình tôi không hề “dính” bệnh, lớn nhanh và tăng đàn ổn định. Thi thoảng lại có người đến hỏi tôi cách chăm sóc, thấu hiểu khó khăn của họ, tôi biết gì là chia sẻ hết”, anh Đông hồ hởi nói.
Ngắm đàn lợn đẹp như tranh
Những năm gần đây, khi một số hộ trong xã Nậm Hàng và các xã bên bị thiệt hại do dịch bệnh nhưng đàn lợn đen của gia đình anh Đông vẫn phát triển tốt. Nhờ chịu khó học hỏi, thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật, chăm sóc đàn lợn cẩn thận, chủ động phòng dịch bệnh nên lứa lợn nào anh Đông cũng thắng lớn.
Đến nay, đàn gia súc của gia đình tôi duy trì thường xuyên với 4 con lợn nái sinh sản, 25 – 30 con lợn thịt, 40 – 50 con lợn giống/lứa nuôi. Đàn gà mấy chục con, trong đó hơn chục con gà chọi và đàn bò gần chục con.
“Mỗi năm trừ chi phí, đàn gia súc mang về cho gia đình tôi từ 250 – 300 triệu đồng, tôi đã trả hết nợ ngân hàng. Sắp tới tôi dự định mở rộng chuồng trại, đầu tư nuôi thêm lợn đen. Lợn đen luôn là mặt hàng có giá, thịt thơm ngon nên được người dùng ưa chuộng”.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi lợn của gia đình anh Đông, nhiều hộ dân quanh vùng đã đến tìm hiểu và được anh Đông giúp đỡ nhiệt tình về kỹ thuật chọn giống, cách chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.
Nhận xét về mô hình chăn nuôi của gia đình anh Đông, ông Khoàng Văn Chung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, chia sẻ: Anh Đông là người dám nghĩ, dám làm, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Mấy năm nay, anh ấy là nông dân điển hình ở xã, đi đầu trong phát triển mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, xứng đáng là tấm gương phát triển kinh tế giỏi để mọi người học tập và noi theo.
“Không chỉ dám nghĩ, dám làm, anh ấy còn là người dám đối diện với thất bại và tìm giải pháp vượt qua khó khăn. Nhờ đó anh Đông đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi được nhiều người biết đến”, ông Chung nhấn mạnh.
- An Giang: Ông nông dân phát tài nhờ chặt tre thành miếng nhỏ rồi “đút” cho loài thú nhìn như chuột ăn mỗi ngày
- Nút giao hơn trăm tỷ cao tốc Bắc – Nam từng ‘lỡ hẹn’ về đích hiện ra sao?
- Đường Láng sẽ được mở rộng gấp đôi
- Nhà 3,8 tỷ đồng rao bán nửa năm không ai mua
- Các mức phạt lỗi đè vạch kẻ đường, CSGT có cần chứng minh bằng hình ảnh khi xử phạt không?