Dự án thành phần 2 “Cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông – Văn Điển – nút giao Tứ Hiệp” được chi hơn 2.500 tỉ để thực hiện.
Chi hơn 2.500 tỉ nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông – Văn Điển
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang công khai tham vấn cộng đồng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án thành phần 2 “Cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông – Văn Điển – nút giao Tứ Hiệp”
Tuyến đường 70 đoạn Hà Đông – Văn Điển được thực hiện trên địa bàn phường Văn Quán, Phúc La, Kiến Hưng (thuộc địa phận quận Hà Đông) và các xã Tân Triều, Tả Thanh Oai, Thanh Liệt, Vĩnh Quỳnh, thị trấn Văn Điển, xã Tứ Hiệp (thuộc địa phận huyện Thanh Trì).
Tuyến đường 70 (đoạn Hà Đông – Văn Điển) có vai trò quan trọng về kinh tế và xã hội của thành phố Hà Nội nói chung và khu vực phía Nam thành phố nói riêng. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, tốc độ phát triển đô thị tăng nhanh, nhiều khu nhà ở mới, cùng hệ thống bệnh viện, trường học khiến đoạn đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Một số điểm ùn tắc giao thông trầm trọng vào các giờ cao điểm như trước cổng Bệnh viện K (cơ sở 3 Tân Triều), nút giao giữa đường 70 và đường Chu Văn An, nút giao với Quốc lộ 1A… Gần đây có thêm đoạn qua cầu Tó (nút giao ngã tư Kim Giang – Phan Trọng Tuệ),… Tuyến đường 70 (đoạn Hà Đông – Văn Điển) ngoài nhiệm vụ phục vụ giao thông liên khu vực, cũng đồng thời đóng vai trò là một hành lang giao thông đô thị, nối liền các trung tâm đô thị của thành phố, như Thanh Xuân, Hà Đông, Đại Thanh, Xa La, Văn Điển,… phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên một khu vực rộng lớn phía Nam và Tây Nam Hà Nội.
Các hạng mục công trình của dự án gồm cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông – Văn Điển – nút giao Tứ Hiệp với tổng chiều dài khoảng 7,08 km, mặt cắt ngang B=50m; Xây dựng đồng bộ các hạng mục công trình nền, mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, các dải phân cách, hè đường, tường chắn…
Tổng diện tích đất thu hồi của dự án khoảng 355.828m2, trong đó: Đất nông nghiệp khoảng 205.352m2 ; Đất ở khoảng 47.537m2 với khoảng 788 hộ bị ảnh hưởng; Đất trụ sở cơ quan, đơn vị, đường giao thông và đất lưu không khoảng 102.939m2.
Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham vấn, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án giao thông sẽ được tách thành tiểu Dự án độc lập và được tiến hành bởi địa phương. Tuy nhiên, để có cái nhìn tổng quát về các tác động môi trường do Dự án, các tác động do chiếm dụng đất, phá dỡ nhà cửa, di dân, di dời công trình hạ tầng được đánh giá trên cơ sở số liệu thuyết minh Dự án. Chi tiết số liệu giải phóng mặt bằng, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sẽ được các địa phương chi tiết hóa trong các bước sau trong quá trình địa phương tổ chức lập, tổ chức thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Dự án nhóm A có cấu phần xây dựng được phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có các yếu tố nhạy cảm về môi trường như sau: Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đất đai; Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư và pháp luật xây dựng.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 2.500 tỉ, được thực hiện trong giai đoạn 2024-2026.