Từ cuộc điện thoại nhờ bán đất giá 18 triệu đồng/m2 đến cuộc điện thoại của người mua đất, giá đất đã bị “cò” Toan đẩy lên lên 22 triệu đồng/m2.

Trong vai người cần mua đất, PV liên hệ với môi giới bất động sản. Sau khi đưa ra tiêu chí, chỉ gần một tuần, họ giới thiệu hàng chục lô đất ở các khu vực khác nhau trên địa bàn huyện Thanh Trì, Chương Mỹ, Mê Linh (Hà Nội), TP Phủ Lý, huyện Kim Bảng, thị xã Duy Tiên (Hà Nam).

Phóng viên cùng “cò” Trần Thị Toan đến một khu đất dịch vụ (đất được giao cho người bị thu hồi đất nông nghiệp để ở và kinh doanh) thuộc thôn Mạc, xã Tiên Tân, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Trên đường đi, Toan không ngừng giới thiệu tiềm năng và những dự án trong tương lai của khu đất.

Trong chuyến đi, Toan có cuộc điện thoại nhờ gửi bán lô đất ở xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng rộng 100 m2, mặt tiền 5m, giá 1,8 tỷ đồng, Nếu giao dịch thành công, môi giới sẽ được hưởng 2% hoa hồng tổng giá trị lô đất.

Toan nhanh chóng đăng thông tin lên Zalo, Facebook giới thiệu. Gần tiếng sau, một cuộc điện thoại khác gọi tới hỏi mua. Dù chưa đến khảo sát, chưa biết lô đất đó dọc ngang thế nào nhưng Toan đã liến thoắng giới thiệu mảnh đất, đồng thời không quên đẩy giá bán là 22 triệu đồng/m2.

Như vậy, lô đất 100m2, được chủ sở hữu rao bán 1,8 tỷ đồng, chỉ qua cú điện thoại của cò đã bị đẩy giá lên 2,2 tỷ đồng. Nếu giao dịch thành công, ngoài 2% hoa hồng, cò đất nghiễm nhiên “xơi” thêm 400 triệu tiền chênh lệch.

PV lại đi cùng “cò” khác tên Nguyễn Văn Nhất đến xóm 10 thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội). “Đất ở đây đang sốt từ ngày, giao dịch rất sôi động, chỉ cần anh mua sang tay là có thể lãi từ 5 -10 giá mỗi m2 (tương đương từ 500 nghìn – 1 triệu đồng/m2). Dự án này có 45 lô, nhưng đã bán được 37 lô, chỉ còn lại 8 lô, giá 30 triệu/m2, nếu anh không chốt nhanh sẽ hết cơ hội”, Nhất khẳng định.

Mặc dù Nhất nói “giao dịch sôi động” nhưng hơn 1 giờ đồng hồ ở khu vực này, ngoài PV, tịnh không thấy bóng dáng một người dân nào tới đây mua đất.

Một người dân cho biết, diện tích đất này là của gia đình trồng rau muống, không có giấy tờ, sổ sách gì. Năm 2019, một vài người liên tục đến hỏi mua với giá 2,5 tỷ đồng cho hơn 5.000m2. Đang còng lưng kiếm vài trăm nghìn mỗi ngày, nay có người đến trả tiền tỷ, trong khi các con đang cần tiền xây nhà để ra ở riêng, vậy là gia đình đồng ý bán.

“Năm 2020, khu đất này được giao bán 14 triệu/m2 nhưng cũng không mấy người hỏi mua. Nay đất sốt, các cò mua đi bán lại đã đẩy giá lên đến 30 triệu/m2. Hầu hết người mua bán đều từ nơi khác đến, chưa có ai xây dựng nhà cửa cả, còn người dân địa phương không ai quan tâm, vì đất của họ ở không hết”, ông Nghĩa nói.

Người mua và bán cùng bất lực

Hơn một tháng nay, ông Nguyễn Ổi lặn lội từ Nghệ An ra Hà Nam mua đất làm nhà cho con trai mới lập gia đình. Hai bố con ông Ổi có tổng số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng. Người đàn ông này ý định mua một lô đất ở khu vực thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) khoảng 1,5-1,7 tỷ đồng. Số tiền còn lại sẽ dựng tạm ngôi nhà.

“Đã hơn 1 tháng nhưng tôi vẫn chưa mua được lô đất ưng ý vì cò hét giá quá cao, còn giá mua được thì đất ở trong hẻm hoặc đang vướng vấn đề pháp lý”, ông Ổi kể.

Không chỉ người mua khó mua mà việc cò thổi giá còn khiến người bán đất cũng khó bán.

Ông Trần Thế Hiệp, một chủ đất trên địa bàn thành phố Phủ Lý cho biết, nhà còn hơn 750 m2 đất ở. Sau khi chia cho 2 con, ông định bán khoảng 100 m2 đất để có vốn làm ăn.

“Tôi rao bán 1 tỷ đồng. Người mua đến xem rồi đi chứ chưa chốt được”, ông Hiệp kể.

Sau khi tìm hiểu, ông Hiệp biết được lô đất của mình đang bị một số cò đẩy giá lên đến 1,6 tỷ đồng. “Cách đây một tuần có người đến hỏi mua đất, tôi chụp ảnh sổ đỏ gửi họ. Sau đó, những người này đăng ảnh sổ đỏ của tôi lên mạng xã hội, kèm nội dung bán đất với giá 1,6 tỷ đồng. Môi giới hét giá ăn chênh đến 600 triệu đồng nên người mua chê đắt, còn tôi muốn bán cũng không được”, ông Hiệp bức xúc.

Rơi vào hoàn cảnh tương tự là bà Phạm Thị Nhuần, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bà Nhuần cho biết, bà rao bán 150 m2 đất ở nhưng hơn 3 tháng nay chưa ai mua. Theo lời bà, lô đất của gia đình nằm ở cạnh đường liên xã rộng 8,5m, sâu hơn 17m. Sau khi khảo sát giá thị trường, bà treo biển rao bán với giá 3 tỷ đồng, tương đương 20 triệu/m2. Tuy nhiên, tấm biển gỗ tạp ghi số điện thoại bà cắm trên đất hôm trước, hôm sau ra đã mất tích.

Được một số người cho biết không muốn chủ giao dịch trực tiếp nên các cò đất nhổ vứt đi, để việc mua bán thuận lợi thì phải gửi vào văn phòng giao dịch bất động sản. Vậy là bà Nhuần đã ký gửi ở một văn phòng môi giới bất động sản tại thị trấn Văn Điển nhờ bán. Nếu giao dịch thành công, gia đình sẽ trích 2% tiền hoa hồng bán đất cho sàn.

“Lô đất tôi rao bán 3 tỷ, nhưng cò đất và sàn giao dịch muốn ăn dày, rao bán với giá 3,8 tỷ đồng, chênh lên 800 triệu đồng. Cò dẫn khách đến cũng không cho tôi gặp mặt, không cho tôi báo giá trực tiếp với khách nên nhiều người đến xem rồi bỏ đi chứ không một câu mặc cả”, bà Nhuần than thở./.