Chiêm ngưỡng Đền Chín Gian giữa thượng nguồn sông Chu
(PLO)- Đền Chín Gian nằm trên đồi Pú Pỏm là biểu tượng của sự đoàn kết với bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng người Thái vùng đất nam Thanh – bắc Nghệ.
Đền Chín Gian ở huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) là một công trình văn hóa – tâm linh mang đậm nét đặc trưng của người Thái phía tây Thanh Hóa. Đền không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng mà còn là điểm đến hấp dẫn bởi vẻ đẹp từ kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Đền Chín Gian mang đậm dấu ấn kiến trúc truyền thống của người Thái với 9 gian nhà sàn gỗ được dựng trên nền cao ráo, thể hiện sự vững chãi và linh thiêng. Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương tạo nên nét cổ kính, hài hòa với thiên nhiên núi rừng nơi đây. Đền Chín Gian chính là sự hòa quyện giữa kiến trúc linh thiêng và thiên nhiên kỳ vĩ, như một chốn bồng lai giữa đại ngàn. Không chỉ đẹp về kiến trúc và cảnh quan mà Đền Chín Gian còn có giá trị to lớn về mặt tâm linh, là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng của người Thái, đặc biệt là lễ hội Xăng Khan – một lễ hội đặc sắc tạ ơn trời đất và cầu mong sự bình an, mùa màng bội thu. Khi ghé thăm Đền Chín Gian vào dịp lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không khí tưng bừng của những điệu múa sạp, múa xòe cùng tiếng chiêng, tiếng khèn vang vọng khắp núi rừng. Đền Chín Gian là một điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai yêu thích khám phá văn hóa dân gian và trải nghiệm không gian tâm linh huyền bí. Những ngày vừa qua, tại Đền Chín Gian có hàng ngàn người dân địa phương và du khách đến chiêm bái, tham gia vào các hoạt động văn hóa. Đặc biệt là Lễ hội dâng trâu tế trời Đền Chín Gian diễn ra vào ngày 21 và 22-2 được tổ chức long trọng tại đền, thu hút đông đảo người dân và du khách. Theo người dân địa phương, Lễ hội dâng trâu tế trời là dịp để cộng đồng tưởng nhớ công ơn của các vị thần linh và những người có công khai phá đất đai. Điểm đặc biệt là trong lễ hội dâng trâu, dân làng dắt trâu đến để cúng tế xong rồi đưa trâu về lại nhà, trâu không bị giết. Chị Sầm Thị Bích (thôn Thanh Tân, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân” chia sẻ: “Tôi và bà con rất phấn khởi tham gia tập luyện văn nghệ phục vụ cho dịp lễ. Tôi mong muốn qua lễ hội này, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh sẽ biết đến nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái”.
Lễ hội Đền Chín Gian gồm 2 phần, phần lễ bao gồm các nghi thức như khai quang, yết cáo, tắm trâu, rước lễ và đại tế. Đặc biệt, nghi thức dâng trâu được thực hiện trang trọng, thể hiện lòng thành kính của người dân đối với thần linh.
Phần hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động văn hóa, thể thao và trò chơi dân gian như nhảy sạp, ném còn, kéo co, bắn nỏ, thi gói bánh chưng và các tiết mục văn nghệ đặc sắc của người dân tộc Thái.
Đền Chín Gian không chỉ là một di sản văn hóa độc đáo mà còn mang vẻ đẹp cổ kính, huyền bí giữa núi rừng hoang sơ, kỳ vĩ, ngày nay đền đã trở thành một điểm đến của du khách thập phương. Không gian huyền ảo, tĩnh lặng trong mây với ruộng bậc thang của bản làng người Thái nhìn từ Đền Chín Gian mang lại cảm giác bình yên cho du khách khi tham quan nơi đây. Du khách khi đến với Đền Chín Gian được trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc, hiểu thêm về lịch sử và truyền thống của cộng đồng người Thái ở vùng đất nam Thanh – bắc Nghệ.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cho biết Lễ hội Đền Chín Gian đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư và khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Hiện địa phương và các bộ, ngành liên quan đang xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội dâng trâu tế trời Đền Chín Gian là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đền Chín Gian được xây dựng vào thế kỷ XIV để thờ Thẻn Phà (Trời), Náng Xỉ Đả (con gái Trời) và Tạo Ló Ỳ – người có công khai mường, lập đất.
Tên gọi “Chín Gian” xuất phát từ cấu trúc của đền với 9 gian tượng trưng cho chín mường: Mường Tôn, Mường Pắn, Mường Chừn, Mường Hin, Mường Puộc, Mường Xang, Mường Xo, Mường Khoòng và Mường Lự.