Làng Ước Lễ (Thanh Oai, Hà Nội) là ngôi làng cổ tại Việt Nam còn lưu giữ nét văn hóa làng từ ngàn đời xưa.
Ước Lễ, tên nôm là làng Chảy (thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội), là một trong những ngôi làng cổ của xứ Đoài, nằm ở phía Tây Nam, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 30km.
Nhắc đến Ước Lễ, nhiều người nhớ ngay tới đặc sản giò chả nức tiếng. Nhưng không chỉ có vậy, Ước Lễ còn là một làng quê giàu truyền thống văn hóa – một “bảo tàng sống” về lối sống nông nghiệp điển hình của nông thôn Bắc Bộ.
Cổng làng cổ mang đậm dấu ấn vùng quê Bắc Bộ
Đối lập với sự náo nhiệt, cùng các công trình hiện đại của Thủ đô, làng cổ Ước Lễ vẫn giữ được nét cổ kính dân dã điển hình của một vùng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình. Làng cổ Ước Lễ gây ấn tượng đặc biệt ngay từ cổng làng – một công trình kiến trúc bề thế, có hình dáng như cổng thành với những nét đặc trưng mang phong cách nghệ thuật thời Mạc (thế kỷ XVI).
Ngay từ đầu làng, chiếc cầu gạch cong cong duyên dáng bắc qua con sông nhỏ và cổng làng bề thế với dòng chữ Hán “Ước Lễ thôn” đưa chúng tôi vào không gian của làng cổ.
Cổng làng có vòm tròn, cao 2,2m, chiều rộng 1,5m. Trên cổng đề ba chữ: “Ước Lễ môn”, nghĩa là “Cổng Ước Lễ”. Ảnh: Kim Duyên
Theo lời của cụ Nguyễn Văn Mùi, Hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Ước Lễ, làng có 2 cổng ở đầu và cuối làng. “Trong đó cổng trước là cổng chính, có giá trị lịch sử và kiến trúc cao hơn. Cổng sau được xây từ năm 1998”, cụ Mùi khẳng định.
Chợ truyền thống làng Ước Lễ thường chỉ bán vào sáng sớm. Ảnh: Kim Duyên.
Từ xa nhìn lại, cổng làng Ước Lễ sừng sững, bề thế như một bức tường thành vững chắc. Công trình kiến trúc gồm 2 tầng, cao 6m, rộng hơn 10m bằng gạch chỉ không trát. Phía trên cổng có vọng lâu, phía dưới là tường gạch để mộc, ở giữa có một cổng vòm rộng.
Mặt trong của cổng có ba chữ “Thiểu cao đại” mang hàm ý rằng các thế hệ trước của làng đã làm nhiều việc nhân đức, nên thế hệ sau nhất định sẽ hưng vượng; đó cũng là lời nhắc nhở dân làng dù đi đâu, làm gì cũng nên sống có đạo đức, biết làm việc thiện, để lại phúc đức cho con cháu.
Bên trên vọng lâu có tấm biển đề 4 chữ “Mỹ tục khả phong”, nghĩa là “Phong tục hay nên theo” do nhà Vua ban cho làng Ước Lễ vào năm Tự Đức thứ tư (1851). Cổng làng mang đậm kiến trúc Việt với kết cấu vòm truyền thống. Đó là sự gắn kết những viên gạch đỏ vững chãi cùng vòm mái cong vút giống như các mái đình chùa cổ ở Việt Nam.
Giếng cổ giữa làng Ước Lễ. Ảnh Kim Duyên.
Cổng có vòm tròn, cao 2,2m, chiều rộng 1,5m. Trên cổng đề ba chữ: “Ước Lễ môn”, nghĩa là “Cổng Ước Lễ”, với hàm ý: Người quân tử dù học hành cao rộng vẫn phải tôn trọng lễ giáo… Hai bên cổng có đôi câu đối bằng chữ Hán, thể hiện niềm mong cầu cho những người con của làng ra ngoài làm ăn luôn thuận lợi, công thành danh toại.
Xuôi từ cổng làng xuống là khu chợ cổ truyền thống. Gần 20 năm theo nghề làm giò chả truyền thống, cứ 5-6 giờ sáng, vợ chồng anh Nguyễn Đình Đương lại mang “đặc sản” ra chợ để phục vụ người dân tại địa phương. “Hằng ngày, chợ chỉ họp 2 tiếng buổi sáng sớm, bán các loại thực phẩm phục vụ người dân làng Ước Lễ”, anh Đường cho hay.
Làng Ước Lễ vẫn còn giữ được nét nguyên sơ, cổ kính
Cây đa, giếng nước, sân đình là những hình ảnh gắn liền với nét văn hóa làng của đồng bằng Bắc Bộ. Theo lời của Hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Ước Lễ, hiện nay làng vẫn còn giữ đầy đủ những nét đặc trưng của làng cổ: cổng làng, chợ truyền thống, đình, giếng, …
Hệ thống liếp trước nhà đặc trưng tại làng Ước Lễ. Ảnh: Kim Duyên.
Làng Ước Lễ có 6 cái giếng, phần lớn đều gắn với các công trình tôn giáo tín ngưỡng: 1 giếng nằm trong đình, 1 giếng trong chùa Súng Phúc, 1 giếng trong khuôn viên chùa Hậu, 1 giếng trước nhà thờ, 1 giếng trước lối vào chùa Sổ; chỉ có duy nhất 1 giếng nằm giữa làng, giữa khu vực nhà ở.
Giếng làng Ước Lễ đều có hình tròn, giếng trong đình nhỏ nhất có đường kính khoảng 7m, còn lại các giếng đều có đường kính từ 12m – 18m. Các giếng đều có bậc thang rộng khoảng 50cm dẫn xuống lấy nước. Xung quanh giếng là thành được xây cao khoảng 40cm.
Ngôi nhà cổ của gia đình bà Hương, là một trong những ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi. Ảnh: Kim Duyên.
Đi sâu vào trong làng, qua từng con ngõ, nhiều gia đình tại Ước Lễ còn lưu giữ khá nhiều các công trình nhà, cổng cổ có niên đại trên dưới 100 năm. Tuy nhiên, khuôn viên nhà đa phần đã bị biến đổi. Vẫn cố gắng giữ lại chiếc cổng nhà xưa, bởi với ông Nguyễn Đình Phong (70 tuổi), “giữ lại cổng là giữ lại một phần nét văn hóa của cha ông”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hương (75 tuổi) là một trong những gia đình giữ được ngôi nhà cổ nhất làng. “Trải qua nhiều năm, ngôi nhà đã xuống cấp. Cũng qua nhiều lần sửa chữa, nhưng gia đình vẫn cố giữ vì đây không chỉ là niềm tự hào của gia đình, còn là niềm tự hào của cả làng”, bà Hương niềm nở nói.
Cổng nhà cổ tại Ước Lễ vẫn được nhiều gia đình gìn giữ. Ảnh: Kim Duyên.
Không khó để nhận ra nét đặc trưng của đa số công trình ở làng Ước Lễ nói chung cũng như của các nhà cổ tại đây là hệ thống các tấm dài (tấm liếp) ở mặt tiền nhà.
Giải đáp thắc mắc của phóng viên, cụ Mùi cho biết: “Xưa các cụ quan niệm hệ thống các tấm liếp trước nhà để tránh tránh mọi người nhìn thẳng và đi thẳng vào chính giữa nhà – vị trí thường đặt ban thờ. Và một phần là ở các nhà hướng Tây, do đó bố trí hệ thống liếp để che nắng”.
Bà Hương, ông Phong và tất cả người dân Ước Lễ vẫn luôn tự hào về những công trình cổ mà họ đang gìn giữ. “Thấy vui khi thấy hình ảnh của Ước Lễ trên truyền hình, trên mạng, thấy tự hào và hạnh phúc khi được nhiều người biết đến với hình ảnh làng cổ mang nét đặc trưng của Đồng bằng Bắc bộ”.