Việc cho bạn bè, người thân mượn xe ô tô vẫn là một vấn đề khá tế nhị mà cả người mượn lẫn người cho mượn cần cân nhắc để tránh những rắc rối và đôi khi có thể dẫn đến sứt mẻ tình cảm.

Cho mượn ô tô, vợ chồng lục đục

Anh N.V.N (Bạc Liêu) cho biết, vợ chồng cùng là công chức, thu nhập cũng đủ xài hàng tháng và gửi về cha mẹ lo cho con nhỏ 3 tuổi. Thế nhưng, do quê vợ ở xa, mỗi lần về quê thăm con nhỏ (do gửi cho ông bà ngoại trông giữ) hơn 130km. Vậy là 2 vợ chồng thống nhất dành tiền cưới trước đây cùng với ngân hàng hỗ trợ một phần để mua chiếc ô tô hạng A, chủ yếu để về quê, hoặc khi cần đi xa.

Xe mới mua chưa đầy 6 tháng thì 1 người bạn mượn để chở vợ con đi đám cưới. Do biết tính bạn cũng mê nhậu nên khi trao chìa khóa xe, anh căn dặn có nhậu thì ngủ, tỉnh rượu hãy lái xe về để vừa an toàn, vừa không bị phạt.

Ảnh minh họa

Thế nhưng, chiều muộn hôm đó tan sở, chuẩn bị đi rước vợ thì anh N nhận được điện thoại gọi đến hiện trường giải quyết vụ va chạm do người bạn có men trong người nên thiếu quan sát đã xảy ra va chạm giao thông.

Đến nơi, anh vừa phải năn nỉ bồi thường phí sửa chữa cho chủ xe bên kia, vừa phải nhờ cảnh sát giao thông lập biên bản xác nhận va chạm để thanh toán với bảo hiểm. Mệt mỏi đã đành, sau đó về nhà lại lục đục vì vợ cằn nhằn vì chiếc xe đã sơn, sửa lại nhưng vẫn không được như trước.

“Qua trường hợp của tôi cũng như những vụ việc không hay, rắc rối từ chuyện cho mượn xe được chia sẻ trên mạng xã hội, tôi nghĩ, đa số các chủ xe cũng rất ngại cho mượn. Tuy nhiên, vì cái tình, cái nghĩa, vì sợ ảnh hưởng đến mối QH,… nên họ đành bấm bụng”, anh N nói thêm.

Cho mượn ô tô, mất gần 10 triệu cho lần đăng kiểm ô tô

Anh T.V.S (Hậu Giang) chia sẻ, lần đăng kiểm cuối tháng 2.2023 vừa qua là một bất ngờ khiến anh phải đắn đo, suy nghĩ.

Theo anh S, trong năm 2022 và cả những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, anh đều cho một vài người quen mượn xe. Trong đó, có trường hợp hỏi mượn đi khám bệnh ở TP Hồ Chí Minh, có người thì mượn đi đám cưới, người thì mượn để đi du lịch,…

Ảnh minh họa

Là một người dễ tính và ít lo xa, nên anh S cũng thoải mái cho những người quen mượn xe để làm phương tiện và cũng không dặn dò, nhắc nhở nhiều. Không chỉ vậy, khi người mượn trả xe, anh chỉ nhìn qua chứ không kiểm tra toàn thân xe. Bởi anh nghĩ: “Là người quen, bạn bè, nếu có va chạm, hay cọ quẹt, trầy xước gì thì chắc người mượn cũng nói cho mình biết”.

Thế nhưng, chính vì sự dễ dãi, tin người này đã khiến cho anh phải tốn một khoản chi phí không nhỏ. Cụ thể, lần đăng kiểm vào cuối tháng 2, anh S mang xe đi đăng kiểm xe thì nhận được thông báo phải giải quyết 2 lần “phạt nguội” do camera ghi lại mới đăng kiểm được.

“Nếu không giải quyết vụ vi phạm giao thông thì xe tôi chỉ được cấp tem đăng kiểm thời hạn 15 ngày.

Trong đó, một lần chạy vượt quá tốc độ 72/60km/h, một lần bị lỗi vượt đèn đỏ. Với lỗi chạy quá tốc độ, chủ xe phải nộp phạt 4.000.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng. Còn lỗi vượt đèn đỏ phải đóng phạt 4.000.000 đồng và bị giữ Giấy phép lái xe 1 tháng”, anh S cho hay.

“Phải nói, hôm đó, tôi tái mặt khi nghe nhân viên đăng kiểm thông báo tình hình. Tốn tiền là một chuyện, song, bị tước Giấy phép lái xe 1 tháng thì tôi không thể lái ô tô đi công tác. Vì muốn giữ tình cảm, tôi cũng không báo lại với người mượn mà tự mình âm thầm chịu phạt. Thật sự, sau lần đó, tôi nghĩ, sắp tới phải từ chối cho mượn xe để tránh những rắc rối cho mình”, anh S cho biết.

Báo Lao động