Mỗi lần có dịp về quê, tôi cứ đứng tần ngần trước cổng trường cấp 2 xã nhà. Với tôi, ngôi trường Trung học cơ sở xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh ấy thật nhiều kỷ niệm. Đi qua nửa đời người, bóng mẹ, bóng cô vẫn thấp thoáng đâu đây.
Ngày ấy, bọn trẻ con quê tôi, một buổi chăn trâu cắt cỏ, buổi cắp sách đến trường. Thầy cô giáo dạy chúng tôi đa phần là người địa phương. Vì vậy, hoàn cảnh, tính cách của học sinh thầy cô nắm rất rõ.
Năm 1992, tôi học cấp 2. Trường cách nhà một con sông và một cánh đồng. Cô giáo chủ nhiệm tôi dạy toán, cô ở cùng làng. Đến trường, tôi gọi cô chủ nhiệm là cô, về nhà, mỗi lần có đám giỗ trong họ, mẹ tôi bắt tôi gọi cô bằng bác (nhà tôi và cô giáo có quan hệ họ hàng xa). Thời ấy, những đứa trẻ ở làng lớn lên trong đói nghèo rơm rạ. Nhà nào có điều kiện, buổi sáng trẻ con đến trường còn có bát cơm với cà muối mặn, nhà nào nghèo thì con cái nhịn ăn đi học. Áo quần thường may thật rộng để mặc 2, 3 năm, hoặc là chuyền từ chị sang em, còn giày dép thì rất ít nhà có điều kiện để mua cho con. Đến trường, chúng tôi vẫn chân đất, đầu trần.
Ngày nay, khi xã hội phát triển, trẻ em có điều kiện học hành đầy đủ, tôi bùi ngùi nhớ lại tuổi thơ mình, nhớ những đứa bạn cùng xóm, nhớ cô giáo chủ nhiệm ngày xưa.
Buổi sáng chợ quê họp từ rất sớm để bà con tranh thủ về làm đồng. Cô giáo chúng tôi tranh thủ đi chợ để kịp giờ lên lớp. Sáng mùa hè trời xanh ngát, tôi đến trường rất sớm với cái bụng đói meo. Mẹ tôi bảo: cố nhịn ăn sáng mấy hôm, vài tuần nữa có cơm gạo mới. Chỉ cần tưởng tượng đến mùi cơm gạo mới, tôi đã ứa nước miếng. Sáng nào cũng vậy, xe đạp của cô giáo đã dựng ở góc cây bàng (ngày ấy, trường tôi học chưa có nhà để xe. Đa số thầy cô đi bộ đến trường). Chúng tôi thường mượn xe cô để tập, bọn con trai chạy theo giữ chắc xe cho con gái tập đi. Có lúc, ngã lăn kềnh cả xe lẫn người. Những tiếng cười giòn tan sau hàng phượng vĩ.
Bao năm tháng trôi qua, giữa bộn bề cuộc sống, có đôi khi ngày hôm qua gặp ai, chưa chắc mình đã nhớ, vậy mà có những chuyện hơn 30 năm cứ vẹn nguyên trong lòng. Tôi nhớ rất rõ, giờ ra chơi hôm ấy, chúng tôi kéo nhau ra chơi đánh thẻ, đánh ù dưới tán cây. Xe đạp cô vẫn để đấy như thường lệ, chỉ khác là trước ghi đông có treo một chiếc làn, trong ấy có đựng khoai lang. Tôi là đứa bày trò ra cho chúng bạn. Tôi rủ nhóm bạn đến, chia cho mỗi đứa một củ khoai lang. Chúng tôi vui mừng vội phủi cát, có đứa chà vào thân cây sao cho hết lớp đất bám ngoài rồi ngấu nghiến ăn. Sau mấy phút ra chơi, giỏ khoai của cô giáo đã bị tôi phân phát hết. Tất nhiên, tôi cũng dành một củ to nhất về mình. Chúng tôi không biết rằng, những củ khoai ấy có thể là bữa ăn thay cơm hoặc độn vào cơm của gia đình cô giáo trong những năm tháng đói nghèo cơ cực. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy rưng rưng.
Lớn lên từ làng, tôi được cha mẹ nuôi ăn học và rồi công tác xa quê. Mỗi lần về quê, tôi có thói quen chạy ra cánh đồng trước ngõ, hít hà mùi hương của đất quê. Tháng mười, mùi của thân rạ, mùi của ngai ngái bùn, thân thương vô cùng. Thả chân trần lên búi cỏ ven đê, tôi thấy những ưu phiền tan biến. Trả tôi về với tuổi thơ, với tiếng dế gù ẩn mình trong đám cỏ mật. Nhìn về phía đồng Khu Vàng, đồng Ổ Gà (tên đất ông cha đã đặt từ bao đời) tôi nhớ những buổi lao động tập thể.
Những năm tôi học cấp 2, tập thể giáo viên được xã giao cho một thửa đất để tăng gia sản xuất gây quỹ. Việc cày bừa thường có phụ huynh giúp đỡ. Việc cấy gặt, mỗi năm thầy cô và học sinh tham gia. Chúng tôi được thầy cô dạy cách cấy, cách gặt… đứa nào cũng thích đi làm tập thể hơn làm việc nhà. Một thời vất vả mà ấm áp tình thầy trò, trong tôi bỗng có chút nuối tiếc… Ngày nay khi xã hội phát triển, có đôi lúc nhiều khái niệm bị đánh tráo, đã làm hoen ố những giá trị nhân văn. Chính vì vậy, đâu đó tình cảm trong sáng hồn nhiên dần nhạt đi.
Cô giáo của chúng tôi là thế. Giản dị mà yêu thương. Trên bục giảng, cô truyền đạt kiến thức. Về làng, cô là người chị, người mẹ gần gũi, thấu hiểu. Cô dạy chúng tôi không chỉ kiến thức sách vở mà cả trong cuộc sống. Tôi còn nhớ, cứ mỗi lần ra chơi, cô hay gọi mấy bạn đến để cắt tóc. Những mái tóc xơ rối, để dài ngoằn ngoèo được cô tư vấn cắt gọn gàng sạch sẽ. Chúng tôi đến lớp đầy ắp tình yêu thương. Chúng tôi luôn ngưỡng mộ thầy cô, vì thế lớn lên không ít bạn đã chọn nghề giáo.
Giữa những cuồng quay đảo lộn, tình cảm thầy cô thuở hàn vi vẫn luôn được cất giữ. Bóng cô giáo cũ của tôi nhập nhòa trong bóng mẹ. Biết ơn và yêu thương cô giáo làng tôi!