Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
105 lượt xem

Chuyện làng Việt: Ký ức "lần đầu" xem tivi những năm 1970

Đầu năm 1971, lúc ấy truyền hình Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu thử nghiệm ở khu vực Hà Nội, không phải chỗ nào cũng bắt được sóng. Chiếc máy vô tuyến truyền hình do Ba Lan tặng trường, cất vào trong kho, thỉnh thoảng lại phải đem ra lau chùi, phủi bụi.

Sau nhiều tháng im tiếng bom rơi đạn nổ, tháng 4/1972, Hà Nội lại bị bom đạn của không lực Hoa Kỳ dội xuống. Tôi nhớ mãi ngày 17/4/1972 nhiều địa điểm ở Hà Nội bị bom và rốc két từ máy bay của không quân Hoa Kỳ oanh tạc, trong đó có quán bia ở đầu phố Đội Cấn chỗ cửa chợ Ngọc Hà nhìn sang.

Ấn tượng nhất với chúng tôi ngày ấy là lần đầu tiên được nhìn thấy cái tivi. Số là đầu năm 1971, khi trường chuyển về địa điểm cũ ở Pháp Vân, phía Ba Lan có giúp đỡ cho trường một số thiết bị phòng thí nghiệm, văn phòng phẩm. Trong số hiện vật Ba Lan giúp đỡ trường ngày ấy nổi bật lên là cái tivi. Thời ấy gọi là “máy vô tuyến truyền hình” vô tuyến to như cái tủ gỗ có ba chân. Nhìn thấy ai cũng trầm trồ. Hình như chiếc vô tuyến ấy mang nhãn hiệu Neptun.

Nhưng đầu năm 1971, lúc ấy truyền hình Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu thử nghiệm ở khu vực Hà Nội, không phải chỗ nào cũng bắt được sóng. Thế là cái máy vô tuyến truyền hình ấy được cất vào trong kho, thỉnh thoảng lại phải đem ra lau chùi, phủi bụi… Xong công đoạn ấy lại bọc kỹ rồi khiêng cất vào trong kho.

Đến cuối năm 1971, mọi người kháo nhau: tại trường đã có thể bắt được sóng truyền hình, từ trường Việt – Ba ở Pháp Vân tới số 58 phố Quán Sứ, Hà Nội, nơi đặt trạm phát sóng truyền hình VN khi ấy khoảng cách chỉ độ 4 km theo đường chim bay. Thế là vào một ngày đẹp trời tháng 10/1971, một “ưu ái” có thể nói là ngoài sức tưởng tượng đã đến với chúng tôi.

Nhà trường thông báo: một số học sinh lớp 10 cuối cấp được vinh dự tập trung đến trường buổi tối hôm ấy để xem truyền hình. Các “em” lớp dưới nhìn các anh chị lớp 10 chúng tôi có vẻ “ghen tỵ” lắm! Khỏi phải nói, ai cũng háo hức chờ mong. Hôm ấy ai cũng ăn cơm sớm ở nhà để còn đến trường kịp giờ xem vô tuyến. Có bạn nhà cách trường cả chục cây số cũng không quản ngại trời tối, đường xa…

Có thể nói đây là “sự kiện trọng đại” trong đời mà tôi và rất nhiều người mới lần đầu tiên được chứng kiến.

Tối hôm ấy, máy vô tuyến để trên cái bàn giáo viên, đặt ở giữa sân trường, xung quanh tề tựu đầy đủ các thầy cô giáo của trường và số học sinh lớp 10 cuối cấp, (cả trường lúc ấy chỉ có 2 lớp 10). Một thầy giáo dạy vật lý phụ trách việc mở vô tuyến. Mọi người chỉ được ngắm nhìn, không ai được “sờ tay vào hiện vật’.

Đúng giờ đài phát sóng, thầy giáo bật vô tuyến lên, đợi đến mấy phút sau các âm thanh từ “ò…ò” rồi “xào… xào” kéo dài thì màn hình bắt đầu sáng. Đợi mãi, trên màn hình cũng chỉ thấy các chấm đen trắng li ti dày đặc như đàn muỗi bay cùng tiếng réo sùng sục như thùng nước sôi réo lúc sắp sôi. Thầy hiệu trưởng động viên mọi người cố chờ, thầy giáo vật lý thì hết chỉnh ăng ten rồi chỉnh mấy nút điều khiển… 15 phút… 30 phút… rồi gần cả giờ trôi qua… vẫn thế! Chương trình vô tuyến phát thử nghiệm chỉ có 1 tiếng đã hết. Thầy giáo vật lý tắt máy, rút điện.

Buổi xem vô tuyến không nhìn thấy gì trên màn hình nhưng chẳng ai buồn, ngược lại rất vui là khác, vì dẫu sao đây là lần đầu tiên trong đời biết cái vô tuyến truyền hình là như thế nào.