“Sao bây giờ mấy đứa con nít không còn mừng mẹ đi chợ về nữa ha! Không giống như hồi xưa, mấy đứa con thấy má đi chợ về là nhảy nhót mừng rối mừng rít”.

Đó là lời cảm thán của má trong một bữa túc tắc kể chuyện xưa. Nghe má nói mà tôi cũng ngớ người ra, ngẫm nghĩ: ờ ha, sao mấy đứa nhỏ bây giờ thờ ơ vậy. Làm như chuyện chợ búa mua sắm đồ ăn thức uống nằm ngoài đời sống tụi nó. Dẫn một đứa trẻ đi chợ thì như là để đi chỉ vì đi, chớ không còn thấy bản thân nó mong cầu khám phá, chờ đợi và sung s***.

Ngày xưa, thế giới chợ là một thế giới khác quá khác với tôi: đầy sắc màu, kỳ ngộ và thần diệu. Lâu lâu được má cho đi chợ là hồi hộp vui sướng. Cái ngày xưa đó, má tôi hay đi đến chợ bằng chiếc xuồng nhỏ. Là vì thời ấy ngoài chiếc xuồng để chở đồ đạc đến nơi này nơi kia thì đâu còn gì khác, và đường thủy cũng thông thương tiện lợi hơn bây giờ. Dùng tới xuồng là lúc má đem đến chợ bán một ít sản vật của vườn và cần mua những thứ nặng mang về như lúa, bao phân bón… Còn không thì má đi bộ, đường bộ từ nhà đến chợ cỡ một cây số hơn.

Khuya, lọc cọc thắp chiếc đèn dầu nhỏ đưa những thúng những mủng, những rau những quả nhà vườn xuống xuồng, má ngồi đằng lái, nhắm hướng và soi đường nhờ sao trời, cục kịt bơi. Tôi có đi theo sẽ ngồi đằng trước chống mũi, giữ cho mũi xuồng không lủi vô bờ. Chừng nào qua khỏi con rạch nhỏ xíu cong ngoằn cong ngoèo thì thảnh thơi hơn. Lúc đó buồn ngủ có thể nằm xuống vạt xuồng, ngủ thêm một giấc rồi tới chợ.

Tôi có biết bao nhiêu là giấc ngủ thơ dại, nằm co ro trên xuồng, có khi nằm nghiêng, áp tai xuống sát lườn xuồng, nghe rõ cả tiếng nước chảy rào rạt, hay ngửa mặt nhìn trời đêm, cảm thấy sương rơi ướt mặt, chẳng nhớ. Chỉ nhớ có khi má úp cho cái nón lá lên mặt, hay đắp chiếc khăn rằn lên ngang bụng tôi. Chiếc xuồng nặng nề lắc lư theo nhịp bơi đều đặn của má. Và khi tới chợ, cũng là lúc trời vừa hửng sáng.

Không nhớ nhiều chuyện, mà lại nhớ như in chuyện con ngựa gỗ ai dựng trước cửa một nhà ở chợ. Món đồ chơi quý thuở xưa ấy. Con ngựa gỗ đã tróc lở nước sơn màu vàng mà vẫn khiến tôi mê mẩn. Mong được theo mẹ đi chợ để len lén leo lên con ngựa gỗ, khi nhà ai chưa mở cửa. Cho đến cái lần con ngựa gỗ biến mất thì buồn hết bấy nhiêu ngày.

Chuyện con ngựa gỗ cũng là câu chuyện trong tuổi thơ của anh người yêu. Anh kể anh nhớ năm anh ba tuổi, sấp ngửa vừa khóc vừa chạy theo má anh trên đường bờ ruộng để chỉ được đi chợ cùng má, và cũng chỉ vì có con ngựa gỗ ai để trước nhà.

Cái thời khó ấy, mỗi lần má đi chợ về là mỗi lần vui. Hoặc thế nào cũng có cái bánh cam ngọt lịm với đường và mè bao quanh, hay gói xôi bắp lá chuối, gói bánh bò ngập nước cốt dừa. Hoặc thể nào, hôm má bán hàng xông xênh, sẽ có đôi dép nhựa mới cho anh, cái nón cái cặp cho tôi đi học. Con gái như tôi thỉnh thoảng được má sắm cho đôi bông tòng teng bằng bạc giả, chiếc vòng cẩm thạch cũng giả, cái kẹp tóc có con bướm nhựa đủ màu là vui hết bao nhiêu lần.

Kỳ diệu hơn, cuốn sách đầu đời của tôi là cuốn sách má mua được từ một hàng bán linh tinh đồ phế liệu còn xài được trong chợ, đó là một cuốn ca dao – dân ca đã cũ kỹ. Cuốn sách giấy đen ấy có rất nhiều bài ca dao, mà tôi nhớ mãi một bài đến bây giờ, dù lúc ấy đọc chẳng hiểu gì: Anh thương em / thương quấn thương quýt / Bồng ra gốc mít / Bồng xít gốc xoài… Kể từ khi em đau ban cua lưỡi trắng / Tiếc công anh đỡ đứng bồng ngồi / Bây giờ em vinh hiển, em bắt anh bán nồi làm chi. Nhớ lâu cũng vì hồi đó má hay kêu tôi đọc đi đọc lại bài ca dao đó, những trưa những chiều má nghỉ ngơi, lúc cùng nằm với tôi trên chiếc võng.

Lần nọ, đã đủ lớn để má sai đi chợ một mình, trên đường quẹo vô xóm lúc gần tới nhà, tôi bắt gặp một người thím quen trong xóm. Thím đi trước tôi, rồi dừng lại, hạ cái thúng đi chợ, mỏn mẻn ngồi bên vệ cỏ và lấy một gói bánh ra ăn. Nhìn thấy tôi đi tới và cất lời chào, người thím không cười, mà có vẻ xấu hổ. Về kể với má, má nghe xong dặn: “Con đừng kể với ai nữa nghen, tội thím, nhà con đông, mua ít đồng bánh về chia cho con không đủ thì có đâu tới thím nữa. Mà có khi thím mệt và đói. Một buổi chợ, người phụ nữ vật lộn với nhiều thứ để mua được thứ cả nhà mình cần. Lớn lên con sẽ hiểu”.

Và lớn lên, có lẽ tôi cũng đã hiểu cái lẽ của má. Cái lẽ của chuyện mua chuyện sắm, chuyện đắn chuyện đo. Thời bây giờ mua bán dễ dàng hơn, nhưng mua được sản vật ngon lành sạch sẽ thì cũng động não dữ lắm.

Rồi vì cái lẽ má nhắc, mà dù có thể dễ dàng mua đồ cần dùng ở siêu thị hay các nơi bán online, tôi vẫn giữ thói quen đi chợ. Có lúc rủ con bày biện các thứ rau củ quả từ chợ về, trong sự lơ là của đứa trẻ. Nhưng tôi biết rằng đâu có ai nghĩ được những câu chuyện lúc mình năm, bảy, mười hai tuổi rồi sẽ thành ký ức. Mình không giữ chúng, không giữ những mảng nhỏ nhoi đời sống thì ai đâu sẽ làm thay!■