Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
4 lượt xem

Cô gái Mông “vươn mình từ sỏi đá” trở thành nữ sinh viên đại học đầu tiên của buôn Plao Siêng

Bằng nghị lực kiên cường, cô gái Mông – Vừ Thị Sanh quyết tâm chinh phục bằng được con chữ, lấy được tấm bằng đại học để thay đổi cuộc đời, có một tương lai tốt đẹp hơn.

Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chị Lý Thị Pà (40 tuổi, mẹ Sanh) mất chồng khi còn rất trẻ, một mình quần quật làm lụng nuôi 3 đứa con. Trong xóm khi ấy cũng có một người đàn ông mất vợ. Thấy chị Pà khổ nên thường qua giúp đỡ việc nặng nhọc. Có lẽ vì cả hai đều phải chịu cảnh mất mát nên dễ đồng cảm, thấu hiểu nhau hơn. Sau một thời gian, cả hai người tái hôn. “Chị em mình rất vui, bố kế là người hiền lành, siêng năng và thương tụi mình như con ruột. Bố vất vả mấy cũng cố cho anh chị em mình đủ ăn, đủ mặc và được đến trường học con chữ”, Sanh kể.

Nhắc đến bố dượng, Sanh lại rưng rưng nước mắt, bởi ông là người ủng hộ việc con gái tiếp tục học cao lên, khác với quan niệm của phần lớn người Mông ở buôn Plao Siêng: con gái học nhiều làm gì, chỉ nên ở nhà lấy chồng sinh con thôi.

Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu, bố Páo của Sanh mắc bệnh ruột thừa nhưng vẫn âm thầm chịu đựng làm việc mỗi ngày. Năm 2019, vào một chiều mưa, bố Páo đang lên cơn đau nhưng vẫn gắng lên sửa mái tôn để tránh cơn bão sắp tới. Mái tôn vẫn chưa sửa xong thì anh Páo đã đau không còn chút sức lực. Tối đó mọi người trong nhà quây quần bên giường bố lo lắng. Nhưng phép màu đã không xảy ra. Lại một lần nữa Vừ Thị Sanh mất đi người bố yêu thương mình hết mực.

co-gai-mongro-thanh-nu-sinh-vien-dai-hoc-dau-tien-cua-buon-plao-sieng (1)

Bố mất, một mình mẹ Sanh với 3 sào ruộng gồng gánh nuôi 6 đứa con nheo nhóc. Khổ quá, mẹ khuyên Sanh nên nghỉ học đi làm thuê để phụ mẹ nuôi 3 em còn quá nhỏ. “Lúc đó mình khóc rất nhiều. Mình lên lớp kể, chia tay với các bạn và cô chủ nhiệm. Nhưng cô đã khuyên mình nỗ lực vượt khó để học tiếp”, Sanh kể lại.

Cô Phạm Thị Hồng (33 tuổi, giáo viên Trường THCS Trần Quốc Toản) nghe tin Sanh nghỉ học đã đến tận nhà động viên chị Pà để Sanh được tiếp tục đi học. Về chi phí học tập cô sẽ nhờ các nhà hảo tâm giúp đỡ. Nhờ cô khuyên nhủ nên mẹ đồng ý cho Sanh đi học tiếp.

“Đến năm học cấp 3, trường cách nhà hơn 40km, nên việc được đi học tiếp của mình là vô vọng. Lúc đó cô Hồng lại đến nhà lần nữa xin mẹ để mình tiếp tục được đến trường. Cô gọi điện cho đồng nghiệp ở Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (xã Krông Nô, huyện Lắk) xin cho mình được ở nội trú trong ký túc xá. Tiền học phí cũng được miễn giảm, còn cô sẽ hỗ trợ thêm những chi phí khác. Nhờ sự động viên của cô Hồng mà mình đã hoàn thành chương trình cấp 3, quyết tâm học đại học để thay đổi cuộc đời”, Sanh tâm sự.

Những năm cấp 3 học xa nhà, Sanh đã xin làm phụ bếp ở căn tin trường để được lo ăn ngày 3 bữa. Không phải lo cái ăn, Sanh chỉ tập trung hoàn thành việc học để thực hiện ước mơ của mình.

Sau nhiều cố gắng nỗ lực, Sanh đã đậu vào ngành sư phạm tiếng Jrai ở Trường đại học Tây Nguyên. “Mình muốn học xong sẽ trở về làm cô giáo để thay đổi nhận thức của các bậc cha mẹ về việc học và giúp thế hệ đàn em nghèo khó giống như mình, vượt qua được hoàn cảnh để học, để thay đổi và có tương lai tốt đẹp hơn”, cô gái Mông nói.

co-gai-mongro-thanh-nu-sinh-vien-dai-hoc-dau-tien-cua-buon-plao-sieng

“Vào đại học là niềm mơ ước lớn lao của mình. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, thiếu thốn nên những ngày qua mẹ đã rất lo lắng”, Sanh tâm sự.

Ngày 25-8 vừa qua, cô Hồng đã đến nhà đưa cô gái Mông – Vừ Thị Sanh đi làm thủ tục nhập học. Biết cô học trò nhỏ không có tiền, cô Hồng đã chủ động đăng ký cho Sanh ở ký túc xá, ứng nộp các chi phí trước qua mạng.

“May mắn là mình quen nhiều bạn đồng nghiệp hồi học chung Trường đại học Tây Nguyên và được hỗ trợ nên các thủ tục cũng thuận lợi. Giờ quan trọng nhất là bản thân Sanh phải mạnh mẽ, nỗ lực để hoàn thành ước mơ của mình”, cô Hồng tâm sự.

Nói về hoàn cảnh của cô tân sinh viên này, ông Đặng Xuân Kiên – chủ tịch UBND xã Ea R’bin – xác nhận gia đình của Sanh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi cha mất, nhà đông anh em, ruộng vườn ít. “Cháu Sanh cũng là 1 trong 2 học sinh ở buôn Plao Siêng hoàn thành chương trình THPT và là người duy nhất đậu đại học. Cháu là tấm gương cho nhiều gia đình, bạn trẻ còn nhiều khó khăn ở địa phương”, ông Kiên nói.

Bài viết cùng chủ đề: