Vì từ chối việc chăm các cháu, người bà trong câu chuyện dưới đây đã nhận về sự ghẻ lạnh của các thành viên trong gia đình.

Ở nhiều gia đình hiện nay, người mẹ sau 6 tháng sinh con sẽ quay trở lại công việc. Lúc này, do em bé còn quá nhỏ vẫn cần người chăm sóc nên các bậc phụ huynh thường nhờ đến ông bà nội ngoại. Tuy nhiên, không phải lúc nào ông bà cũng có khả năng ở nhà trông cháu, cũng bởi vì thế mà nhiều câu chuyện phức tạp trong gia đình đã diễn ra.

Người bà trong tình huống dưới đây đã 60 tuổi. Bà chỉ giúp được vợ chồng con trai trông cháu đầu tiên, nhưng đến cháu thứ 2 và 3 do sức khoẻ và cụ ngoại bị ốm nên bà không thể nhận việc trông cháu được. Cũng vì thế mà vợ chồng con trai, đặc biệt là người con dâu tỏ ra khó chịu, cho rằng bà ích kỷ. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình dần dần đi xuống.

“Tôi 60, con dâu tôi sinh đứa đầu tôi vừa đi làm vừa chăm cháu, sau bỏ tiền thuê giúp việc. Khi nó đẻ đứa thứ 2, phải nhờ bên ngoại vì trước tôi bị ốm, rồi mẹ đẻ của tôi bị tai biến đi viện. Tôi phải nói nhờ nhà ngoại bên nhà nó giúp. Đến giờ mẹ tôi không đi lại được, tôi phải chăm hàng ngày. Chúng đi về coi như không.

Nay nó sắp sinh đứa thứ 3, nó bảo đứa thứ 2 nhờ nhà ngoại, bà nội không giúp được gì rồi nên giờ đứa thứ 3 nhờ bà. Tôi bảo: giờ mẹ già, mẹ không giúp được gì đâu. Vậy là nó nói nhà nó tốt này nọ còn tôi chỉ là giả dối, không giúp con cháu. Tôi bảo: Thôi mẹ không tốt cũng chịu, mẹ lo cho con mẹ xong rồi, giờ các con tự lo cho con của các con đi.

Vậy là từ đó trong cùng một nhà, nhưng chỉ khi nào cần nhờ đón cháu, nấu cơm, bán hàng cho nó thì nó mới gọi và nói với tôi, còn không chỉ đi về chào, xong toàn im lặng. Sống trong nhà mình xây mà nó coi mình như không. Buồn quá không ngờ về già, con cái lại có yêu cầu thế này”, bà mẹ tâm sự.

Con cái trách móc, ghẻ lạnh vì mẹ chồng không trông cháu giúp: Từ khi nào việc chăm cháu lại trở thành nghĩa vụ của ông bà? - Ảnh 1.

Tâm sự của người bà nội không trông được cháu.

Theo quan điểm của người bà trên, con ai người ấy chăm. Bên cạnh đó, vì sức khoẻ không cho phép, bà không thể trông cháu được. Thế nhưng thay vì nhận về sự thông cảm thì người bà này lại bị gia đình con trai ghẻ lạnh, thờ ơ trong chính gia đình của mình. Điều này khiến bà cảm thấy buồn rầu, nhất là đang ở độ tuổi cần được nghỉ ngơi.

Dưới phần bình luận, đa số mọi người không đồng tình với cách cư xử của vợ chồng người con trai. Thứ 1 họ đã quyết định sinh con thì phải chắc chắn rằng có khả năng chăm sóc và nuôi dưỡng. Thứ 2 mẹ đã già rồi, tự lo cho mình đã vất vả, việc bà không trông cháu cũng không thể trách hay tỏ ra khó chịu như vậy.

– Thật nực cười khi cặp vợ chồng này liên tục sinh khi còn không đủ khả năng tự chăm lấy con của mình. Đối với đứa nhỏ, nó cũng rất cần sự quan tâm đầy đủ của bố mẹ. Đối với ông bà, họ đã vất vả nuôi con cả đời, họ cũng chẳng ép mình phải đẻ, đã không lo lắng cho họ thì thôi. Không có luật hay quy chuẩn đạo đức nào nêu rằng nghĩa vụ của ông bà là phải chăm cháu cả. Con ai người nấy chăm nhé. Ai cũng nên tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình.

– Mẹ chồng mình thì cứ muốn chăm cháu vì quan niệm con cháu là tất cả tài sản quý giá nhất, trong khi sức khoẻ không đủ, kêu gửi cháu thì cứ sợ người ta chăm không tốt, mình gửi luôn, chứ bà mà đổ bệnh thì không biết thế nào. Hơn nữa quan điểm chăm con cũng khác nhau nên tốt nhất là tự lo cho con mình đi.

– Bởi vậy, sinh con đã khó, nuôi dạy một đứa con còn khó hơn. Quan điểm của mình là đủ kinh tế và thật sự sẵn sàng thì mới có con, hoặc có thể lấy chồng không đẻ con khi chưa sẵn sàng, hoặc độc thân cả đời nuôi thú cưng. Cha mẹ già rồi, không nên bắt chăm con giùm mình, không thể ích kỷ nghĩ cho bản thân mà làm khổ cha mẹ thêm, họ già rồi họ phải được an nhàn, được hưởng phúc. 

Cuối cùng, đa số cho rằng nếu may mắn được ông bà trông cho thì rất vui, nhưng nếu ông bà từ chối thì những người con cũng phải tự tìm cách khác như thuê giúp việc, gửi tư… tuỳ hoàn cảnh gia đình. Tuyệt đối không nên tỏ ra khó chịu hay cư xử thờ ơ, lạnh nhạt với cha mẹ mình.