Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
247 lượt xem

“Con gái là người tình kiếp trước của cha” – thể hiện tư duy lệch lạc?

Con gái là người tình kiếp trước của cha? Tốt hơn hết là nên nói câu này bớt đi, giữa cha và con gái nên có ranh giới.

Sáng nay lướt cõi mạng thấy ông bạn em share cái status của một nhân vật với lời cảm thán “Tội cho đứa con gái kiếp này” mà cứ thấy sai sai ý các mẹ. Mối quan hệ giữa cha và con gái là tình phụ tử sâu nặng, sao có thể có những ví von bịnh hoạn như thế?

Cũng chẳng xa xôi gì, mới nay em đọc trên thanhnien, có thấy bài viết về một nữ diễn viên đang bị phản ứng bởi một phát ngôn của mình. Cụ thể, mạng xã hội bất ngờ chia sẻ lại đoạn video nữ diễn viên này nhắc về người cha quá cố. Trong video, cô tâm sự giữa cô và đấng sinh thành đã mất có một sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Nữ diễn viên kể thêm: “Đến ngày ba sắp t.ắt thở, tôi cầm tay ba nói chuyện tỉnh queo rằng: Ba ơi, chắc có lẽ kiếp trước con với ba là người yêu, chắc yêu dữ lắm nên kiếp này mới thương yêu nhau như vậy. Nên kiếp sau mình lại tiếp tục yêu nhau nữa. Con mong kiếp sau mình đừng làm ba con nữa, mình làm vợ chồng đi”.

Nhiều ý kiến tranh cãi nổ ra xoay quanh phát ngôn này. Một số ý kiến không đồng tình, cho rằng nữ diễn viên nói như vậy là lệch lạc. Một số khác thì bênh vực, cho rằng cần xét đến ngữ cảnh phát ngôn bởi khi ấy nữ diễn viên xuất phát từ tình cảm sâu sắc dành cho cha. Cũng theo thanhnien, nữ diễn viên cho biết cô chưa hay những phản ứng trái chiều của dân mạng nhưng về phát ngôn này, người đẹp nói: “Suy nghĩ của mình mà, tại sao lại thay đổi. Tôi có nói với ba như vậy thật. Tôi cũng có những suy nghĩ không theo số đông nên phải chấp nhận thôi”. Tuy vậy chỉ vài giờ sau đó, trước làn sóng mỗi lúc một dữ dội từ phía dư luận, nữ diễn viên đã lên tiếng xin lỗi.

Trong một diễn biến khác, khi mạng xã hội vẫn chưa nguôi với phát ngôn gây tranh cãi về mối quan hệ giữa cha ruột và con gái của nữ diễn viên này thì một nhân vật lại tiếp tục đăng ảnh kèm caption na ná với câu nói đó. Trên trang cá nhân, một doanh nhân vừa kết hôn chia sẻ hình ảnh nắm tay vợ mới, kèm theo đó là dòng mô tả: “Con gái kiếp trước”. Nhiều câu hỏi đặt ra thế vợ cũ của ông là người tình kiếp nào? Và nếu nói vậy chẳng lẽ đứa con ở kiếp hiện tại lại tái ngộ cha mình một cách oái oăm ở kiếp sau chăng?

Trước nay, nhiều người cho rằng cha thương yêu con gái vô điều kiện và gần gũi với con gái nhiều hơn, còn mẹ thì thương con trai và chăm lo cho tương lai của con trai nhiều hơn. Từ lẽ đó, người ta cứ luôn muốn tìm một hình ảnh thật đích xác để diễn tả cho thứ tình cảm đặc biệt và có phần riêng biệt ấy.

Câu nói “con gái là người tình khiếp trước của cha” được cho là bắt nguồn từ lý thuyết “phức hợp Electra” do Freud đề xuất. Ông tin rằng trong quá trình phát triển tâm lý của một đứa trẻ, điều đầu tiên làm hài lòng chúng là từ một người cha, người mẹ khác giới thân thiết: một đứa con gái sẽ yêu cha và hay cãi lời mẹ, và ngược lại. Phức hợp Electra dùng để chỉ một xu hướng tâm lý của cô con gái là thích cảm giác được ở bên cha mình. Khi tìm người yêu, cô ấy sẽ vô tình chọn người có đặc điểm, tính cách giống bố mình. Sự thật là Freud chưa bao giờ nói câu “con gái là người kiếp trước của cha”, nhưng sự sánh ví này bỗng dưng lại

Đã có bao nhiêu vụ việc đau lòng xuất phát từ tâm lý so sánh này? Dư luận đã từng rất đau xót khi một người cha, người được cho là người thân yêu nhất của con gái mình, cuối cùng lại sử dụng “danh tính của người cha” để hủy hoại cuộc đời con gái ruột của mình. Còn đó những câu chuyện trong bóng tối chưa kể, liệu có ai dám can đảm nói sâu thêm???

Vậy mà, có không ít cha mẹ chỉ bởi muốn đùa cho vui miệng một chút hay “không muốn nghĩ chi cho sâu” vẫn lấy câu nói này để khoe trên mạng xã hội, kèm theo những bức ảnh minh họa được cho là thể hiện tình cảm với con mình.

Số đông những người không thể đồng quan điểm nổi, bởi thế mới phản đối:

“Người tình gì ở đây. Một câu nói bệnh hoạn quá. Sự thiêng liêng của tình cảm cha con không thể lấy cái thứ tình cảm nam nữ đem ra so sánh. Thậm chí gần đây rất nhiều vụ án mà xuất phát ngay từ người thân trong gia đình đó thôi!”

“Mình ghét câu đó cực, mấy mẹ cứ hay nói đầy trên facebook á. Gọi con gái là tri kỷ kiếp trước của cha nghe hợp lý hơn.”

“Khiếp nghe sợ thật, cũng đừng ai tuyên truyền cái câu con gái là người tình kiếp trước của bố nữa đi. Bố con là bố con, vợ chồng là vợ chồng. Chú kia bảo thế thì kiếp trước mẹ vợ bây giờ của chú là… vợ chú à?”

“Tình cha con là tình máu mủ ruột thịt và thiêng liêng. Ông bà từng nói “Công cha như núi Thái Sơn” mà. Chồng, vợ có thể bỏ và thay thế được. Tình vợ chồng sao so sánh với tình cha. Ngộ thiệt.”

“Cha con là cha con. Người tình là người tình. Kiếp trước, kiếp này, kiếp sau hay kiếp nào đi nữa thì cũng phải rõ ràng tách biệt ra như vậy (nếu ai thực sự tin là có kiếp). Không thể chấp nhận cái suy nghĩ lệch lạc loạn luân như vậy được. Đạo đức văn hoá không cho phép ví von kiểu “kiếp trước yêu nhau chưa đã, rồi kéo nhau sang kiếp sau lừa mẹ lừa vợ, núp vỏ bọc cha con.”

“Mình nhớ lúc ông ngoại mình mất, mẹ mình cứ ôm tì áo quan mà khóc “Nếu có kiếp sau con vẫn xin làm con gái của cha.” Nghe câu này mình rớt nước mắt, trái tim muốn khóc theo mẹ. Thiêng liêng thế kia sao lại không giữ mà suốt ngày ví von vớ vẩn.”

Có luồng quan điểm cho rằng, xét ở góc độ nào đó, ví von “Con gái là người yêu của cha kiếp trước, con trai là kẻ thù của kiếp trước của cha” rất dễ hiểu: Đối với con gái, cha chỉ mong con kiếp này được chiều chuộng, hạnh phúc, vui vẻ; đối với con trai, người cha hy vọng rằng khi lớn lên con có thể đảm đương nhiều trách nhiệm hơn, giống một người đàn ông thực thụ. Chúng ta thường nói rằng con gái lớn lên sớm muộn cũng sẽ lấy chồng, thời gian cha có thể đồng hành cùng con gái là có hạn. Mỗi ngày khi con gái còn ở bên, bố sẽ dành mọi thứ và làm hết sức để chiều chuộng con gái. Những sự ưu ái khác nhau của người cha dành cho con gái được vợ và người ngoài coi như người tình của mình, vì vậy có câu nói rằng con gái là người tình bé bỏng của cha. Trên thực tế, một người cha chỉ có một yêu cầu duy nhất đối với con gái mình: hạnh phúc suốt đời. Còn tình cảm, sự yêu thương người cha dành cho con gái và con trai là như nhau, chỉ có cách thể hiện là khác.

Nhưng dù lý giải nghe hợp lý là vậy, số đông vẫn không thể chấp nhận nổi sự ví von này.

Sau cùng, đừng suy đoán kiếp trước, đừng mong đợi kiếp sau, chúng ta chỉ có một kiếp này thì hãy biết trân trọng tình cảm gia đình. Cha nhân hậu thì con hiếu thuận, mẹ có đức thì gia đình vui vẻ và hạnh phúc. Đừng nói con gái là người tình kiếp trước của bố, hãy đặt ranh giới giữa tình cảm gia đình và tình yêu, đừng nhầm lẫn càng không được phép vượt quá. Khi mọi ranh giới bị xóa nhòa, đổi lại là bi kịch đau thương nhất trên đời. Giữa cha và con gái chỉ có tình cảm máu mủ thiêng liêng, các bà mẹ hãy luôn nhớ kỹ điều này.

Bài viết cùng chủ đề: