Concert Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra tối 14/12 tại Hưng Yên để lại nhiều cảm xúc nhưng cũng bất ổn về khâu tổ chức và gặp nhiều sự cố âm thanh.
Minh HạoThế BằngViệt Hà Chủ nhật, 15/12/2024 06:52 (GMT+7)
3 concert diễn ra liên tiếp trong một tuần với mỗi show diễn đều thu hút ít nhất 20.000 khán giả. Anh trai “say hi” vào ngày 7/12, 9/12 tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình và mới nhất là Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra thành công ở Hưng Yên vào tối 14/12. Các anh trai đã làm nên hiện tượng chưa từng có ở thị trường nhạc Việt.
Đêm nhạc nhiều cung bậc cảm xúc và những dấu ấn văn hóa
Điều ấn tượng đầu tiên ở Anh trai vượt ngàn chông gai là thiết kế sân khấu, hệ thống ánh sáng, bối cảnh, kỹ xảo 3D rất đầu tư và hoành tráng. Ngoài sân khấu chính rộng tới 70 m, concert còn có sân khấu phụ ở phía trước kèm theo bàn nâng có thể di chuyển, chạy dọc qua khu vực Cá lớn. BTC bố trí 11 đèn LED lớn khắp các góc giúp khán giả ở khu vực nào cũng có thể dễ dàng theo dõi chương trình. Ê-kíp Anh trai vượt ngàn chông gai cho thấy họ nỗ lực, chỉn chu trong việc đưa người hâm mộ tới trải nghiệm một concert đẳng cấp quốc tế và đây là điều rất đáng ghi nhận.
Phần dàn dựng sân khấu, bối cảnh cũng đầu tư với rất nhiều hiệu ứng đẹp, chẳng hạn dòng lúa đổ như thác từ trên cao trong phần mở màn tiết mục Mẹ yêu con của Tự Long hay tuyết rơi ở phần trình diễn Dẫu có lỗi lầm của Bằng Kiều. Chúng không đơn thuần kích thích mặt thị giác mà còn bổ trợ cho tiết mục, để khán giả hòa mình vào cảm xúc lẫn không gian bên trong mỗi ca khúc.
Concert được mở màn lúc 18h45 bằng ca khúc chủ đề của chương trình là Hỏa ca với sự hòa giọng của 31 anh tài. Hệ thống ánh sáng hoành tráng kết hợp pháo hoa cùng tiếng nhạc hào hùng, sôi động mang đến khoảnh khắc mở màn ấn tượng cho đêm concert. Trong khoảng 5 tiếng đồng hồ sau đó, chương trình được lần lượt chia thành các phần Hype – Chặng lửa, Trào phúng, Lắng đọng, Văn hóa, Hit, Kịch trần và cuối cùng là phần Kết. Cách sắp xếp này khá phù hợp, cân đối về mặt năng lượng, cảm xúc để khán giả có những khoảng lắng đọng, chiêm nghiệm cần thiết giữa những tiết mục sôi động.
Cụ thể sau 2 phần đầu tiên là Hype – Chặng lửa, Trào phúng với hầu hết tiết mục mạnh mẽ, thiên về trình diễn và phần nhiều là EDM như Hỏa ca, Super Star, Tình anh bán chiếu, Những kẻ mộng mơ… âm nhạc được chuyển dần sang giai điệu nhẹ nhàng, cảm xúc của những bản ballad Cánh hoa vụt mất, If, Bao tiền một mớ bình yên… Sự đặt để các phần và các tiết mục cho thấy dụng ý rõ ràng về mặt ý nghĩa. Bao tiền một mớ mình yên, Thu hoài sang Mẹ yêu con, Áo mùa đông rồi tới Trống cơm, Dạ cổ hoài lang… như tái hiện hành trình lớn lên của cảm xúc, bắt đầu từ tình yêu đôi lứa rồi rộng lớn hơn là tình yêu gia đình và tình yêu quê hương đất nước.
Không phải anh tài nào cũng hát tốt, thậm chí không ít người bị chênh phô nhưng đổi lại cảm xúc họ truyền tải đã chạm tới trái tim người nghe. Nhiều khán giả thậm chí đã cùng S.T Sơn Thạch, Binz rơi nước mắt khi nhà Xuân hạ thu đông tự sự về người cha qua ca khúc Tỉnh thức sau giấc ngủ đông.
Anh trai vượt ngàn chông gai một lần nữa làm tốt trong việc quảng bá giá trị truyền thống, văn hóa tới khán giả trẻ. Trống cơm, bản hit lớn nhất trong chương trình một lần nữa vang lên và gắn kết hàng chục nghìn khán giả ở mọi độ tuổi. Tiết mục không đơn thuần là làm mới một bài hát dân ca Bắc Bộ mà có sự lồng ghép khéo léo của âm thanh từ đàn tranh, trống đế, chập cheng, đàn bầu…
Sau 2 phần tiếp theo là Hit và Kịch trần trở về mảng màu trẻ trung, hiện đại, năng lượng cao, concert được khép lại bằng liên tiếp 3 ca khúc Dòng thời gian, Niềm tin chiến thắng và Hỏa ca của các anh tài. Các tiết mục âm nhạc được kết nối nhau liên tục và có rất ít thời gian để các anh tài giao lưu với khán giả.
Thanh Duy, Quốc Thiên, Hà Lê, Soobin Hoàng Sơn hay BB Trần là điểm sáng so với dàn anh tài. Soobin sáng bởi tổng thể hài hòa, hát tương đối tốt kết hợp khả năng trình diễn vũ đạo, làm chủ sân khấu, biết chơi nhạc cụ và đặc biệt ngoại hình sáng khiến đám đông reo hò mỗi khi xuất hiện. Trong khi đó, Quốc Thiên, Hà Lê hay đặc biệt Thanh Duy tận dụng tốt mọi khoảnh khắc họ được xuất hiện để chinh phục khán giả bằng giọng hát đẹp.
Chất giọng thiên phú, với quãng rộng và những nốt cao chót vót mà vẫn sáng, tròn trịa, Thanh Duy thực sự chiếm spotlight mỗi lần anh cất giọng. Về phần BB Trần, anh có thời lượng xuất hiện khá dày lại đầu tư kỹ càng, sáng tạo về mặt trang phục, concept. Do đó, không lợi thế về giọng hát, trình diễn nhưng sự xuất hiện của anh luôn kéo theo tiếng reo hò không ngớt.
Chương trình còn có sự tham gia của các khách mời, lần lượt là Ngô Kiến Huy, Lunas, Trúc Nhân và Đan Trường. Ngoài Trúc Nhân biến sân khấu thành sân chơi của chính anh với giọng hát nội lực, sự quái và lạ trong trình diễn thì các tiết mục của khách mời còn lại khá mờ nhạt. Đặc biệt, ca khúc Kiếp ve sầu được remix của Đan Trường lạc lõng giữa tổng thể chương trình. Phần bè phối giữa Đan Trường với Trúc Nhân và Jun Phạm ở ca khúc này cũng bất ổn, thiếu sự ăn ý.
Nhiều điều gây tiếc nuối
Vấn đề gây bức xúc nhiều nhất sau đêm concert 3 chính là khâu tổ chức. Số lượng khán giả lên tới hàng chục nghìn người nhưng ban tổ chức chỉ sắp xếp một cổng check-in, dẫn đến người hâm mộ phải xếp hàng cả trăm mét trong nhiều giờ liền mới được vào phía trong sân khấu. Ở cửa check-in, ban tổ chức cũng bố trí quá ít nhân viên hoặc đội ngũ an ninh để có thể kiểm soát hết khán giả. Nhiều người xem thậm chí ồ ạt vào sân mà không có vòng tay hoặc không bị kiểm tra vật dụng cầm theo để đảm bảo an ninh như những concert khác.
Tiếp đó, do chỉ có lối đi nhỏ dẫn tới các khu, trong khi lượng khán giả quá đông mà số nhân viên, bảo vệ chưa được bố trí cân đối nên khi ngay cả khi chương trình đã diễn ra, rất đông người xem vẫn đứng tràn lan lối đi vì chưa tìm được vị trí đúng. Khu vực truyền thông gần như vỡ trận, nhiều khán giả nháo nhác tìm khu vực của mình nhưng chưa được nhân viên hỗ trợ kịp thời. Một số khán giả thậm chí bức xúc vì đi lòng vòng các khu khác nhau mà không có người hướng dẫn.
Một số khu đứng, điển hình Chín muồi 2 chật kín người khiến khán giả tràn cả ra phía sau hàng rào. Khán giả T.Huyền, đến từ Hà Nội mua vé Chín muồi. Cô tới sân lúc 17h thì thấy khu Chín muồi gần như không còn chỗ đứng. Vì quá chen chúc và khó thở nên Huyền quyết định ra ngoài đứng ở khu media.
Gần một tiếng sau đó, tình hình náo loạn mới hoàn toàn được giải quyết.
Khâu tổ chức nhiều bất cập khiến khán giả hỗn loạn, đứng nhầm lẫn sang các khu khác nhau.
Ngoài khâu tổ chức, phần âm thanh ở concert cũng gây thất vọng. Mic của một số anh trai quá bé khiến giọng hát của họ gần như chìm nghỉm hoàn toàn trong tiếng nhạc. Ở phần rap của BB Trần trong Tình anh bán chiếu, HuyR trong Vợ người ta hoặc rất nhiều tiết mục khác, khán giả gần như không thể nghe được các anh tài đang hát gì. Trong phần trình diễn Nét, in-ear gặp sự cố khiến một số anh tài hát bị lệch nhịp so với nhạc.
Binz có lẽ là nạn nhân lớn nhất của hệ thống âm thanh. Anh vốn có chất giọng khá mỏng và yếu thì nay càng gặp bất lợi. Nhiều tiết mục, giọng Binz bị lấn át bởi tiếng nhạc. Tới Dẫu có lỗi lầm, Binz tiếp tục lộ rõ việc sử dụng hát đè và giọng live yếu ớt.
Concert Anh trai vượt ngàn chông gai diễn ra tối 14/12 chưa thực sự trọn vẹn. Còn nhiều điều đáng để tiếc nuối từ khâu tổ chức tới âm thanh. Tuy nhiên, xét tổng thể chương trình, đặc biệt sự nhiệt huyết của 31 anh tài, đây vẫn là show diễn xứng đáng với công sức và số tiền hàng chục nghìn người hâm mộ bỏ ra.