Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
89 lượt xem

Cuộc sống tạm bợ dưới chân đồi sạt lở

Hơn một tháng sau trận sạt lở khiến nhà cửa bị vùi lấp, hàng chục hộ dân tổ 2, phường Yên Ninh phải tá túc nhà họ hàng, mỗi ngày trở về tìm kiếm tài sản.

Phường Yên Ninh là một trong những khu vực ngập sớm, sâu và nặng nề nhất TP Yên Bái sau bão Yagi. Toàn bộ 14 tổ dân phố của phường xảy ra sạt lở với 400.000 m3 đất tại 98 điểm taluy khiến 894 hộ bị ảnh hưởng.

Tổ dân phố 2 nằm dọc trục đường Điện Biên chịu thiệt hại lớn nhất. Sau trận mưa 350 mm đêm 9/9, một phần quả đồi phía sau lở xuống, kéo sập 9 ngôi nhà, làm 6 nhà khác hư hỏng nặng không thể ở.

Đường Điện Biên là cửa ngõ dẫn vào TP Yên Bái, nơi buôn bán sầm uất bậc nhất thành phố. Người dân kinh doanh thời trang, mở xưởng cơ khí, cho thuê mặt bằng. Hơn một tháng qua, những hộ mất nhà đi ở nhờ họ hàng, tìm thuê nhà ở khu vực khác an toàn hơn.

Việc san gạt, thông đường mới hoàn thành cách đây một tuần. Nhiều vị trí đất sạt cao ngang ngôi nhà hai tầng, đã khô cứng. Các chủ hộ thường quay về nhặt nhạnh những gì còn sót lại.

Đeo đèn pin trên trán, ông Nguyễn Văn Bái len lỏi mót đồ đạc giữa đống đất tràn vào nửa ngôi nhà hai tầng một tum làm sập phần tường. Ngày nào ông cũng quay lại đào bới tìm kiếm tài sản.

Bà Tống Thị Hòa, 70 tuổi, khóc khi kể về đêm lũ dâng, đất ập xuống chôn vùi xưởng cơ khí hơn 200 m2 ở 116 đường Điện Biên. Đêm chạy lụt, bà chỉ kịp vớ được điện thoại cùng chiếc nón mê đội tránh mưa. Bà cùng chồng Cao Văn Thiệu ban đầu ở nhờ thông gia, sau qua nhà bạn.

Một tháng qua, bà không biết làm gì ngoài trở lại móng nhà cũ chờ đợi động thái từ chính quyền. Bà buồn rầu sau thông tin “dân phải tự bỏ tiền san gạt đồi”. “Giờ chỉ mong các cấp hỗ trợ hạ bớt độ cao của đồi để giảm bớt nguy cơ sạt lở, người dân còn tiếp tục sinh sống”, bà Hòa nói.

“Chẳng bao giờ nghĩ nhà mình sập. Mưa lũ, sạt lở năm nay vượt qua tất cả mọi tính toán của con người”, ông Đỗ Việt Bắc, 59 tuổi, đứng trên nền đất từng là xưởng cơ khí rộng 250 m2 tại số 87 đường Điện Biên, nói.

Định cư ở đây từ những năm 1960, ông Bắc từng trải qua nhiều trận lũ và tự tin xưởng mình an toàn nhất phố vì cách taluy hơn chục mét. Nhưng trận lở đất đêm 9/9 đẩy xưởng cơ khí kiêm tiệm sửa xe máy của ông sang phần đường đối diện. Hiện gia đình 7 người thuê nhà ở đường Lý Đạo Thành ở tạm với giá 2 triệu mỗi tháng.

Hơn 20 chiếc xe máy và nhiều phụ tùng, thiết bị, máy móc được ông Bắc nhặt nhạnh để ven đường, chờ bán sắt vụn. Ông chưa biết gây dựng lại cơ ngơi từ đâu, gia đình không có tên trong danh sách hỗ trợ nhà sập. “Họ thẩm định, nói là xưởng sản xuất, không phải nhà ở kiên cố, nhưng thực tế xưởng vẫn có gác xép cho thợ ở, bị nứt hỏng hoàn toàn”, ông nói.

Anh Vũ Duy Đức, 41 tuổi, ngồi trên chiếc ghế dài ở mảnh đất từng là ngôi nhà hai tầng. Sau khi mất nhà, anh cùng mẹ và ba con nhỏ thuê tạm nhà cách chỗ cũ 2 km để ở.

Phía đối diện mảnh đất nhà anh Đức là ngôi nhà hai tầng một tum của chị Vũ Thị Phụng, 43 tuổi, bị đất sạt tràn vào bếp, nhà vệ sinh và phòng ngủ. “Phường thông báo nhà tôi không được đền bù do không bị thiệt hại, nhưng thực tế phần tường phía sau đã bị sập, đất tràn vào không thể ở”, chị Phụng cho hay.

Hiện, 9 gia đình đã nhận được quyết định hỗ trợ cho nhà bị sập hoàn toàn 60 triệu mỗi hộ trong đợt 1. Gia đình bà Hòa đứng đầu danh sách.

Toàn TP Yên Bái có hơn 1.400 hộ phải di dời, sơ tán do nguy cơ sạt lở, trong đó có 232 hộ ở khu vực nguy cơ cao. Chính quyền đã chi gần 4,9 tỷ đồng cho 51 hộ nhà bị sập và 61 hộ nhà bị hư hỏng nặng.

Có hộ dân căng bạt ngay trên vị trí từng là móng nhà, ngóng đợi thông tin từ chính quyền. Nói về những ngày sắp tới, nhiều hộ dân có nguyện vọng được hỗ trợ chi phí để san gạt hạ thấp độ cao của đồi, giảm thiểu nguy cơ sạt lở để kinh doanh trở lại chứ không muốn chuyển đi nơi khác.

Ông Phùng Tiến Thanh, Phó chủ tịch UBND TP Yên Bái, cho biết người dân trong diện hỗ trợ như nhà sập hoàn toàn, hư hại trên 70% sẽ nhận tiền hỗ trợ trong những ngày tới.

Về việc san gạt đồi, ông Thanh cho hay do diện nguy cơ quá nhiều nên ngân sách không thể chi trả hết. Các hộ dân cần chủ động bàn thảo, thống nhất với chủ có diện tích trồng cây trên đồi để cùng góp kinh phí, chính quyền sẽ hỗ trợ thủ tục, luồng tuyến, địa điểm đổ thải.

“Chính quyền chỉ có thể giải quyết các hạng mục công cộng như đường sá, trường học, nhà văn hóa chứ không thể lo hết cho từng hộ dân”, ông Thanh nói.

Bài viết cùng chủ đề: