Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
103 lượt xem

Cưới xin thời bao cấp: Tiệc cưới chủ yếu là nước chè, ít bánh kẹo sơ sài.

Tiệc cưới chủ yếu là nước chè, ít bánh kẹo sơ sài. Quà cưới hồi đó đâu có phong bì mà mừng. Toàn chậu nhôm, bát đĩa, phích nước, nồi niêu xoong chảo. Tàn tiệc cưới, cô dâu chú rể phải kiếm bao bì gom quà mừng lại vác về.

LTS: Thời bao cấp mới chấm dứt hơn 20 năm nhưng với thế hệ trẻ ngày nay, nó như một câu chuyện đã xảy ra từ rất lâu bởi họ chỉ biết đến cái thời tem phiếu qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Còn với những người từng sống dưới thời bao cấp, nó lại là những ký ức không thể nào quên.

Tình yêu, đám cưới thời bao cấp

Nhà văn Lê Lựu kể: Hồi lấy nhà tôi, sau ngày cưới 2 tháng mới mua được một chiếc chiếu mới và một chiếc màn. Mượn được chiếc giường một của cơ quan. Nhưng khổ nỗi lại là màn đôi và chiếu đôi giăng ra rộng quá. Vậy nên đành buộc túm màn vào, còn chiếu thì gấp đôi lại trải ngang ra. Thành thử chiếu thừa chiều rộng nhưng trải lên giường lại thiếu chiều dài.

“Nhà thơ Phạm Tiến Duật, một nhà thơ nổi tiếng như thế nhưng ông ấy khổ lắm!” – tác giả “Thời xa vắng” lim dim đôi mắt.

Nhà thơ lấy vợ nhưng không có nhà để ở. Ông ấy ở nhờ gian bếp đằng sau nhà vợ trong ngõ Yên Thế (đường Nguyễn Thái Học). Căn phòng bẩn thỉu hôi hám. Hai vợ chồng và hai đứa con ngủ trên cùng một chiếc phản.

Nhà văn Lê Lựu không nhịn được cười khi kể về một đồng nghiệp. Gia đình đó cũng có 4 người ngủ trên một giường. Nửa đêm, hai vợ chồng âu yếm nhau. Bỗng một đứa con ngóc đầu dậy. Ông chồng ngượng quá ấn đầu nó xuống thì thằng kia kêu lên: “Nó không xem, bố tống cổ nó ra ngoài đi!”

Có lẽ món “ngon nhất” cho đám cưới là tiếng hát ca của bạn bè đến góp vui

Nhiều người vẫn nhớ, hồi đó, cuộc sống vốn đói nghèo, đến chuyện tình yêu, lấy vợ lấy chồng cũng cơ cực không kém.

Ông Nguyễn Văn Hảo (ở Nghệ An) quả quyết: “Ngày đó cô nào bán ở cửa hàng mậu dịch là có giá nhất!”

Đưa bạn gái về nhà ra mắt, nếu giới thiệu là nhân viên mậu dịch, gia đình sẽ rất quý. Hoặc chí ít dù trai hay gái, có người nhà liên quan đến quầy mậu dịch, sẽ rất có giá.

Nếu con mình lấy được những người này, mỗi lần đi mua lương thực, thực phẩm đỡ phải xếp hàng, lại được ưu tiên loại hàng tươi ngon nhất. Có câu “nhất thân, nhì quen” là vì thế.

Ông Hảo còn nhớ như in hồi ông cưới vợ. Vốn là bộ đội ở xa nên ông tranh thủ về phép để cưới vợ. Muốn tổ chức đám cưới cho vui vẻ mà trong nhà khi đó không còn gì ăn. Ông và vợ chạy vạy mãi mới ra cửa hàng mậu dịch mua được mấy lạng thịt.

Ngày cưới, bạn bè đến chúc mừng, cỗ bàn chủ yếu là nước chè, ít bánh kẹo sơ sài. Quà cưới hồi đó đâu có phong bì mà mừng. Toàn chậu nhôm, bát đĩa, phích nước, nồi niêu xoong chảo. Tàn tiệc cưới, cô dâu chú rể có khi phải kiếm bao bì gom quà mừng lại vác về.

Sống trong thời kỳ khổ cực như vậy, món ngon nhất cho đám cưới có lẽ là tiếng hát ca của bạn bè đến góp vui.

Cuộc sống gia đình, nhà nào cũng khó khăn thiếu thốn. Nhà giáo sư Văn Như Cương cũng vậy. Vì thế, vợ chồng ông phải nuôi thêm con lợn để tăng chút thu nhập. Tính ra tiền bán lợn ngang tiền lương của ông hồi đó (lương của phó tiến sĩ). Bởi vậy mà giáo sư thường nói đùa với bạn bè rằng, nhà ông có 2 phó tiến sĩ.

Hồi đó, giáo sư Cương chỉ thèm được ăn rau muống cho thỏa thích mà cũng không được. Một lần, có người phụ nữ đi ngang qua nhà ông, hỏi mua chó. Chả là gia đình giáo sư có nuôi một con chó cái vừa đẻ lứa đầu tiên được 6 con. Vốn không thích chó, chỉ muốn có ai xin mà cho bớt đi nên ông đồng ý cho bà ta mấy con mà không cần lấy tiền. Người phụ nữ mừng lắm, cảm ơn rối rít: “Tôi bán rau muống ở cửa hàng mậu dịch Cầu Giấy. Thầy và cô cứ qua mà mua, tôi để phần cho, không phải xếp hàng đâu”.

Từ đó, hầu như ngày nào, nhà ông Cương cũng có rau muống để ăn.

Một hôm có ông bạn đến chơi, cảnh báo giáo sư Cương: “Công an đang để ý cậu đấy! Họ đang nghi vấn tại sao ngày nào cậu cũng mua rau muống về ăn? Lương cậu bao nhiêu mà mua được rau muống ăn thường xuyên thế?”

“Nhưng tớ mua rau muống ở cửa hàng mậu dịch chứ có mua chợ đen đâu. Bó rau muống giá chỉ một hào mà!”, GS giải thích với ông bạn.

Nói vậy nhưng giáo sư cũng mất mấy ngày bồn chồn, thấp thỏm. May mà không có chuyện gì xảy ra. Khi đó, ông tự nhủ “chắc ông bạn đùa mình?!”