Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
99 lượt xem

Đã bao lâu rồi bạn chưa "chạm" vào bàn tay mẹ cha?

Xa vòng tay yêu thương ấm áp che chở, xa tiếng la rầy mỗi ngày của mẹ, con mới nhận ra rằng mẹ chính là người phụ nữ tuyệt vời nhất trong cuộc đời của con.

Thử ngẫm xem, đã bao lâu rồi chưa cùng ăn với mẹ một bữa?

Đã bao lâu rồi, chúng ta không tỏ bày tình yêu với mẹ, không ăn chung một bữa sáng hay dành những lời nhẫn nại cho mẹ. Bạn chỉ sống một lần, mẹ cũng vậy, năm tháng trôi thật nhanh và chẳng có phép lạ nào kéo thời gian quay ngược trở lại. Thế nên hãy dành cho mẹ thật nhiều quan tâm trước khi mọi thứ chỉ còn trong hoài niệm.

“Ăn sáng ở ngoài tốn kém, ăn sáng ở ngoài không đủ chất, chịu khó dậy sớm mẹ nấu cho mà ăn”. Lời mẹ dặn rõ ràng như thế, nhưng bất chấp việc mẹ dậy sớm đi chợ, nấu đồ ăn, bạn lại cố ngủ nướng thêm một chút. Chỉ vì đêm qua, bạn trót thức muộn xem phim, hay tán gẫu với bạn bè, người yêu. Cuối cùng lại chỉ còn mẹ ở nhà với những món ăn sáng kì công.

Nhưng bạn biết không, đến một ngày dù dậy sớm thế nào, dẫu có đánh đổi thật nhiều, bạn cũng không thể ăn bữa sáng mẹ chuẩn bị nữa. Vậy bạn ơi, sao không cố nán lại vài phút ăn cùng mẹ bữa sáng, hỏi han mẹ vài câu. Đời người đâu có dài để trì hoãn đáp lại sự quan tâm của mẹ.

Người ta bảo bữa tối là bữa cơm đoàn viên, khi cả nhà ngồi lại với nhau cùng ăn bữa cơm, nói chuyện. Nhưng rất nhiều buổi tối, mải vui bạn bè, ta lại nhắn cho mẹ cái tin “Con đi ăn với bạn, mẹ đừng chờ cơm nhé”. Bất chấp khi ấy cơm tối đã nấu xong, và chỉ bố mẹ sẽ lặng lẽ ăn bữa tối cùng nhau.

Hãy thử rời vòng tay mẹ đi. Khi ở một mình, có những ngày lụi cụi về nhà lúc 9, 10 giờ vì bận dự án, thèm một khúc cá mẹ kho, cuối cùng cũng chỉ mì gói cầm hơi hoặc cơm hàng cháo chợ. Áo rách tự khâu. Khi ấy, bạn mới hiểu, mẹ ơi, con đã quá vô tâm rồi!

Và ta đã lớn đủ để mong mình bé lại

Lúc bé, cứ ước mình lớn thật nhanh, để được làm những gì mình thích, được đến những nơi mình muốn, để thoát khỏi sự kìm cặp của mẹ cha. Lớn lên rồi chỉ ước có thể bé lại như xưa, để được cha cõng trên lưng, được mẹ xoa lưng ru ngủ, để nũng nịu với chị với anh, sớm tối cùng nhau quây quần trong ngôi nhà nhỏ.

Lúc bé, cứ nghĩ sai thì xin lỗi là xong, là người kia hết giận. Lớn lên rồi mới biết, khi mình làm người khác tổn thương giống như đóng một cái đinh lên tường. Dù có nhổ cái đinh đi rồi thì lỗ hổng vẫn còn đó, ghi dấu một vết đau không dễ gì lành được.

Lúc còn bé cứ tưởng cười là vui, là hạnh phúc. Lớn lên rồi mới biết, có những giọt nước mắt còn vui hơn những trận cười. Là giọt nước mắt ngày người mình yêu thương trao vòng nhẫn cưới, là giọt nước mắt lần đầu nhìn con yêu trong ngày sinh nở, là giọt nước mắt bởi những may mắn và hạnh phúc bất ngờ. Là có những khi không dưng lại khóc bởi một vòng tay ôm ấm áp.

Lúc bé cứ tưởng khóc là buồn. Lớn lên rồi mới nhận ra, không phải lúc nào buồn cũng có thể khóc. Sợ nhất là những khi buồn nhưng không thể khóc. Đó là khi nỗi đau ập đến nhưng mắt vẫn ráo hoảnh, tỉnh táo đến vô hồn, chỉ có tâm can như bị ai dày vò, như bị con gì cắn rỉa từng chút một.

Lúc bé, cứ nghĩ ở chốn đông người sẽ không cô đơn. Lớn rồi mới nhận ra, cô đơn không phải là khi ta ở một mình. Cô đơn là khi ta ở giữa chốn đông người, giữa ồn áo náo nhiệt, giữa xôn xao nói cười nhưng vẫn thấy lẻ loi, vẫn thấy mình bơ vơ, cô độc.

Những lúc cô đơn nhất, ta chỉ muốn được nắm tay mẹ như hồi bé

Sáng nay, mẹ gọi điện. Hầu như không sinh nhật năm nào là mẹ không gọi điện. Mẹ hỏi “sinh nhật năm nay có gì vui không con?”. Nước mắt cứ thế lặng lẽ rơi, muốn nói với mẹ rằng “ngày con còn bé chỉ thích được đi xa. Giờ con ở xa, con chỉ muốn được về nhà”.