Ở những vùng biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Đắk Nông giờ đây đã khởi sắc với mô hình nuôi gà lai chọi theo hướng an toàn sinh học. Thay vì chăn thả tự nhiên, người nuôi gà đã thay đổi tư duy mới, nuôi gà từ tự cấp, tự túc sang quy mô hàng hóa từ đó tạo ra nguồn thu nhập cao và làm giàu.
Năm 2021, gia đình chị H’hà, ở xã Đắk P’lao (Đắk Glong, Đắk Nông), được tham gia mô hình nuôi gà lai chọi ATSH do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Mô hình nuôi gà với thời gian ngắn, thu hồi vốn nhanh, giúp chị có nguồn thu nhập tốt.
Quan trọng hơn, tham gia mô hình đã giúp chị biết cách áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi gà. Chị cũng từ bỏ cách chăn nuôi gà truyền thống kém hiệu quả.
Chị H’hà cho biết: “Nuôi gà ATSH mang lại nhiều lợi ích. Tỷ lệ gà sống đạt 100%, gà ít mắc bệnh, nhanh lớn. Chuồng trại nuôi gà sạch sẽ, tận dụng được nguồn phân bón cho cây trồng”.
Năm 2022, gia đình anh Ma Seo Vàng, ở bản Sín Chải, xã Đắk Ngo (Tuy Đức, Đắk Nông ), cũng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100 con gà giống lai chọi để phát triển mô hình chăn nuôi ATSH.
Sau khoảng 3 tháng, trọng lượng trung bình mỗi con gà đạt 1,7 kg. Theo anh Vàng, với giá bán 70.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, mỗi con gà sẽ cho lãi khoảng 35.000 đồng. Với mức lãi này, nếu mở rộng quy mô chăn nuôi và gối vụ, anh sẽ có nguồn thu nhập lớn.
Anh Vàng cho hay: “Nuôi gà địa phương phải đến 6 tháng mới đạt được 2 kg. Nuôi gà lai chọi ATSH chỉ khoảng 3 tháng đã đạt trọng lượng tương đương. Gà lai chọi ATSH khỏe mạnh, ít dịch bệnh, đầu ra tốt”.
Những năm qua, việc chăn nuôi gia cầm của người dân tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do bà con chăn nuôi theo kiểu tự cung, tự cấp, chưa quan tâm đến sản xuất hàng hóa, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Việc triển khai mô hình nuôi gà lai chọi thương phẩm ATSH là một hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nông thôn. Tại một số địa bàn như: Đắk Song, Đắk R’lấp, Đắk Glong… đã có những trang trại nuôi gà ATSH lên đến hàng ngàn con.
Các mô hình chăn nuôi gà ATSH đều được người dân đánh giá cao, mang lại hiệu quả thiết thực. Với thời gian nuôi trung bình 3 tháng, trọng lượng mỗi con gà đạt 1,88 kg; tỷ lệ sống trên 90%, lợi nhuận bình quân 35.700 đồng/con.
Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông cho biết, mô hình nuôi gà lai chọi thương phẩm an toàn sinh học đảm bảo được vệ sinh môi trường nơi chăn nuôi, tạo môi trường nuôi sạch sẽ, quản lý tốt được đàn gà, ít hao hụt, hạn chế được dịch bệnh.
“Thông qua các mô hình trình diễn, đã giúp nông dân được tiếp cận với các giống gia cầm có hiệu quả kinh tế cao, biết cách lựa chọn con giống để nuôi phù hợp với thị trường, áp dụng được các kỹ thuật chăn nuôi mới vào sản xuất. Người dân biết cách sử dụng vacxin để phòng bệnh, sử dụng thuốc để chữa được các bệnh thường gặp, biết cách hạch toán kinh tế, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nuôi. Khi tham gia thực hiện mô hình, người chăn nuôi tận dụng được thời gian nông nhàn, tăng thu nhập cho gia đình”, ông Chương nói.
Những vùng biên giới người dân trước đây chỉ quen với nuôi gà thả lã, tự cung tự cấp thì nay được hỗ trợ về giống và kỹ thuật để chăn nuôi quy mô lớn. Mô hình nuôi gà lai chọi an toàn sinh học giúp đàn gà phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, gà đạt chất lượng cao nên được giá, giúp người dân nâng cao thu nhập và làm giàu.
Thương hiệu & Sản phẩm
- Kế nghiệp cha ông, Lương Công Luân thành nông dân tỉ phú nhờ nuôi bò
- Bán nhà 3 tỷ đồng, vay nóng tín dụng vì muốn “giàu nhanh từ chứng khoán”: Chưa đầy 2 năm tôi mất trắng, gia đình ly biệt, bố mẹ từ mặt
- Quảng Ngãi: Cuốc một nhát bật lên con đặc sản xấu xí nhưng quý như “hải sâm”, giá 300 nghìn/kg vẫn được săn lùng
- Vườn cỏ lau “độc nhất” tại Hà Nội: Những bông hoa màu hồng tím mang đến vẻ đẹp mới lạ
- Đàn bà có 3 ‘mảnh đất’ cần ‘canh tác’, nếu chồng không làm thì sẽ có người đàn ông khác làm thay