Chuyện về quê không hề đơn giản theo kiểu ‘thích là làm’, tôi phải mất rất nhiều năm mua đất, tích trữ tiền mới có thể an tâm bỏ phố.
Tôi đã ấp ủ ước mơ “bỏ phố về vườn” từ rất lâu. Lên kế hoạch từ mấy năm trước nên tôi đã mua hơn 10 mẫu (100.000 m2) đất nông nghiệp, và mua mảnh đất kế bên nhà bố mẹ đẻ. Khoảng 6-7 năm trước giá đất không đắt đỏ như bây giờ nên tôi cũng không quá khó khăn để mua được số đất trên. Tôi cũng không mua qua “cò đất”, chỉ hỏi xóm làng, người quen xem ở đâu bán thì tôi tới mua nên cũng không bị đội giá.
Nghĩ cảnh đến mỗi sáng thức dậy, mở mắt nhìn ra cánh đồng lúa còn mờ sương, nghe tiếng chim hót líu lo, tiếng gà gáy và bình minh đang ló rạng từ sau ngọn đồi… mà tôi thấy trong lòng hân hoan, càng thêm khao khát thực hiện giấc mơ về vườn. Giờ tôi chỉ còn chờ đến lúc con gái học xong đại học là vợ chồng dắt nhau về quê, xây căn nhà nhỏ mà mình yêu thích, rồi sống cùng nhau ở đó cho đến già.
Tất nhiên, kế hoạch là vậy, chứ chuyện bỏ phố về vườn không hề đơn giản như vậy. Tôi còn cần phải kiếm thêm tiền, bỏ vào ngân hàng rồi mới có thể an tâm an hưởng những ngày tháng bình yên của tuổi già được. Chứ kiểu suy nghĩ cứ thế về vườn mà trong tay không có gì thì thật sự tôi cũng không dám tưởng tượng ra mình sẽ sống như thế nào?
Đất tôi mua chủ yếu cho có tài sản ở quê thôi. Từ hồi mua tới giờ, tôi cho người ta thuê theo năm chứ không tự làm. Vùng của tôi bây giờ kiếm người làm vườn thuê rất khó, chủ yếu làm bằng máy móc là nhiều. Trong khi đó, tôi lại không có kinh nghiệm làm vườn hay làm ruộng. Nên để tự tay xoay sở với vườn tược là chuyện không hề đơn giản. Nhưng vì thích cuộc sống thanh tịnh và khí hậu trong lành ở quê, nên tôi vẫn muốn về đó sống.
Trong kế hoạch của tôi, sau này về quê chủ yếu là để hai vợ chồng nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, trồng ít hoa quả để ngắm, nuôi ít gia súc cho vui thôi. Chứ nếu bày vẽ nuôi trồng đủ thứ để sinh lợi nhuận thì đâu thể đủ sức làm hết được.
- Sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc tranh mua phá giá, doanh nghiệp bị đẩy vào thế bí
- Cận cảnh ngôi nhà 4 mặt tiền độc nhất Hà Nội trên phố Đại La
- Cháy lớn tại xưởng nhựa ở Vĩnh Phúc
- Tiền Giang: Chủ trang trại thỏ “khủng” ở miền Tây bày cách kiếm 200 triệu/năm từ loài mắn đẻ dễ như ăn cơm
- Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: “Đừng để khi ngoảnh lại con không còn bên mình nữa”