Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
112 lượt xem

Đem cây mọc hoang đầy rừng về trồng, anh nông dân nhặt thứ quả ăn bùi bùi đem bán bỏ túi 300 triệu mỗi năm

Sau gần 20 năm làm bạn với cây dẻ, giờ Hiếu có thể nói là chuyên gia, chăm sóc chữa bệnh và kiêm luôn quảng cáo thương hiệu hạt dẻ của HTX Nông nghiệp An Sơn rồi.

Đang có việc làm ổn định, anh Nguyễn Trung Hiếu (SN 1983, thôn Quảng Lạc 2, xã Quảng Lạc, TP.Lạng Sơn) đã nghỉ ngang, trở về làm nông dân trồng cây dẻ.

Anh Hiếu tâm sự: “Trước kia mình làm nghề bảo dưỡng chăm sóc máy thiết bị văn phòng, cứ đi suốt từ sáng đến tối mới về. Nhưng đến khi mẹ mất, không thể để đồi rừng cho một mình vợ mình được. Sau nhiều ngày suy nghĩ, mình bàn giao lại toàn bộ cơ sở kinh doanh cho một người em, rồi quyết định về làm rừng đồi cùng vợ vào năm 2004.”

Sau nhiều lần loay hoay, cân nhắc lựa chọn trồng cây cam, cây quýt, cây keo hay cây bạch đàn, Hiếu quyết định trồng thử nghiệm 300 cây dẻ.

“Mang tiếng là người đồng rừng, nhưng nhìn lứa hoa đầu tiên, vợ chồng mình vui lắm. Rồi khi quả rụng càng bất ngờ hơn, mang về ăn thử thấy ruột rất bùi, thơm ngon. Lúc đó mình biết sự lựa chọn của mình là đúng đắn và biết chắc mình đã có một sản phẩm nông nghiệp hot trên thị trường” – Hiếu kể.

Sau gần 20 năm làm bạn với cây dẻ, giờ Hiếu có thể nói là chuyên gia, chăm sóc chữa bệnh và kiêm luôn quảng cáo thương hiệu hạt dẻ của HTX Nông nghiệp An Sơn rồi.

Hiếu cho biết thêm, thổ nhưỡng vùng đất khu vực nhà mình rất phù hợp với cây dẻ. Loài cây này chịu hạn rất tốt, ít sâu bệnh, thời gian mới trồng còn phải bón phân tổng hợp. Nhưng khi cây phát triển từ năm thứ 5 trở đi, người trồng chỉ cần bón phân chuồng trộn với vôi bột ủ kỹ.

Đến thời điểm này, vườn cây dẻ của HTX chỉ có một số cây bị hiện tượng sần vỏ, chưa phát hiện thêm bệnh gì khác. Những cây bị bệnh đang được Sở NNPTNT, Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn dùng chế phẩm sinh học xử lý.

Hiếu cho hay, để trồng cây dẻ, người trồng phải chú ý chọn nơi đồi rừng ít gió, vì khi ra hoa đậu quả dễ bị rụng. Còn lại, muốn cây cho năng suất cao, người trồng phải tỉa cành tạo tán hằng năm và bón phân như những cây trồng khác.

Trong quá trình chăm sóc cây dẻ, Hiếu đã theo dõi và lựa chọn được những cây ưu tú để làm giống. Từ đó, Hiếu chủ động ghép mắt để tạo giống, trồng mới bổ sung cho rừng dẻ nhà mình và cung cấp giống cho bà con xung quanh có nhu cầu chuyển đổi rừng tạp sang trồng cây dẻ.

Hiếu chia sẻ, hạt dẻ làm được nhiều món lắm, rang ăn chơi, dùng để nấu canh, làm bánh hay chiên đều cho hương vị rất thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng. Chính vì thế, hạt dẻ An Sơn cứ hết mùa là không còn hạt nào tồn kho, dù giá bán khá cao từ 80-150.000 đồng/kg.

Sau mỗi mùa thu hoạch, trừ hết mọi chi phí, gia đình Hiếu đều có thu nhập ổn định từ 260-280 triệu đồng/năm từ hạt dẻ.

Đến năm 2022, hạt dẻ An Sơn chính thức được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, Hiếu đang làm hồ sơ chứng nhận hạt dẻ của HTX Nông nghiệp An Sơn đạt tiêu chuẩn hữu cơ để người tiêu dùng sản phẩm vững tin hơn nữa.

Anh Hiếu cho biết, hiện nay mỗi mùa thu hoạch hạt dẻ, gia đình đón khoảng 2000 khách đến vườn. Khi họ đến đây, Hiếu phát cho khách một đôi găng tay, một cái kéo, một chiếc giỏ để họ trải nghiệm nhặt hạt dẻ.

“Vào mùa thu hoạch, mình thu của khách vào vườn 20.000 đồng/người, trẻ em miễn phí. Những dịp cuối tuần khá đông các gia đình đến chơi, nghỉ ngơi, ăn uống, rồi mua hạt dẻ mang về. Những cây dẻ còn một mùa ra hoa nữa. Đến mùa đó, những quả đồi quanh nhà đều nhuộm trắng đẹp như trong tranh, rất nhiều đoàn khách tìm đến chụp ảnh, nhiều hôm không có thời gian để tiếp chu đáo,” – Hiếu thật thà kể.

Bài viết cùng chủ đề: