Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
264 lượt xem

Đoạn trên cao metro Nhổn – ga Hà Nội dự kiến vận hành cuối tháng 7

Tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội đã hoàn thành thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, đào tạo nhân sự và dự kiến đưa vào sử dụng đoạn trên cao vào cuối tháng 7.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết như trên tại phiên họp thứ hai của Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo triển khai các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP HCM, sáng 17/7.

Hiện Hà Nội đã vận hành thử đoạn trên cao. Các Bộ Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài chính cũng chỉ đạo đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; tổ chức kiểm tra hiện trường, rà soát điều kiện nghiệm thu; hoàn thiện thủ tục và ký kết phân bổ vốn vay cho đoạn đi ngầm; thành lập Hội đồng thẩm định cấp giấy phép môi trường.

Metro Nhổn – ga Hà Nội dài là 12,5 km, trong đó đoạn trên cao (Nhổn – Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy – Ga Hà Nội) dài 4 km. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới đoạn trên cao là tháng 7/2024, toàn tuyến là năm 2027.

8 nhà ga trên cao và depot Nhổn đã được công nhận kết quả nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. 10 đoàn tàu được đăng kiểm và dán tem. Các thiết bị tại nhà ga và depot cũng đã dán tem kiểm định. Tư vấn Systra cũng cấp Chứng chỉ nghiệm thu bàn giao hoàn thành (TOC) cho từng gói thầu.

Tàu Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử. Ảnh: Phạm Chiểu

Tàu Nhổn – Ga Hà Nội chạy thử. Ảnh: Phạm Chiểu

Theo báo cáo tại cuộc họp, tuyến đường sắt Bến Thành – Suối Tiên (TP HCM) đã hoàn thành thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, bố trí vốn đầu tư. TP HCM đang nỗ lực hoàn thành thi công các hạng mục còn lại để chạy thử, vận hành hệ thống, nghiệm thu phòng cháy và chấp thuận môi trường. Dự kiến tuyến đường được đưa vào sử dụng trong tháng 12 năm nay.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Hà Nội và TP HCM phấn đấu đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội và Bến Thành – Suối Tiên sớm hơn tiến độ đề ra. Đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM cần tính đến tính đặc thù của địa phương như quy hoạch xây dựng, không gian phát triển, quy mô dân số, kết nối đồng bộ với đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Ông Hà giao hai thành phố lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu để hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị với “tầm nhìn trăm năm”.

Theo kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Hà Nội và TP HCM phải đạt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị trong 12 năm. Đến năm 2035, mỗi thành phố cần hoàn thành 200 km đường sắt đô thị.

Quy hoạch đến 2030, TP HCM có 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray), tổng chiều dài khoảng 220 km, vốn đầu tư ước tính 25 tỷ USD; Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417 km, trong đó đi trên cao 342 km, ngầm 75 km. Hiện Thủ đô chỉ có tuyến Cát Linh – Hà Đông vận hành thương mại sau hơn 10 năm xây dựng.

Bài viết cùng chủ đề: