Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
91 lượt xem

Đổi iPhone 14 vì "tiết kiệm cũng chẳng mua được nhà"

Tiết kiệm để mua nhà là bất khả thi nên hai vợ chồng đồng nghiệp của tôi xem chuyện nâng cấp iPhone mới là bình thường.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, ít hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ có đủ tiền tiết kiệm để trang trải chi phí ba tháng liên tục nếu mất việc. Tuy nhiên, 1/5 người được khảo sát bởi trang web tài chính WalletHub cho rằng một chiếc điện thoại mới đáng để mắc nợ.

Ở Việt Nam, dù chưa có một thống kê hay khảo sát chính thức về vấn đề này nhưng tôi thấy rất nhiều người sẵn sàng nâng cấp iPhone mới mỗi năm, chỉ để mua ánh nhìn ngưỡng mộ của người khác.

Ở công ty, tôi quen một đồng nghiệp có đời sống chi tiêu khá lạ lùng. Mỗi tháng vào ngày trả tiền nhà hoặc đến hạn sao kê tín dụng là hỏi mượn tiền khắp nơi để xoay xở.

Như hôm vừa rồi, mới hỏi mượn tiền hôm trước thì hôm sau trong hội nhóm về iPhone trên Facebook đã thấy anh chàng đăng bài thanh lý “iPhone 13 Promax 256GB, giá 26,5 triệu đồng” và không quên kèm lý do: “Do nhu cầu nâng cấp iPhone 14”. Thời điểm đó trước khi Apple giới thiệu dòng iPhone mới cả tháng.

Tôi hỏi: “Mỗi năm mỗi đổi điện thoại thế không tốn tiền sao?” thì nhận được câu trả lời: “Thanh lý cái cũ, bù tiền vào cái mới nên cũng không tốn nhiều”. Giá iPhone khi về Việt Nam thường chênh cả chục triệu so với giá của Apple, nhiều mẫu lên tới 50 triệu đồng, nên năm nào cũng vậy, tiền bù vào có khi lại bằng một điện thoại tầm trung.

Đã vậy, chồng đổi thì vợ cũng đổi do cả hai đều mắc chứng FOMO công nghệ oái ăm này. Oái ăm là bởi vì tiền bù nâng cấp điện thoại năm trước của hai vợ chồng chưa trả góp xong thì lại mắc vào vòng góp mới. Tôi hỏi: “Không lẽ mỗi năm mỗi đổi, tốn tiền chịu sao thấu? Sao không để dành cho nhiều mục tiêu cao hơn như mua nhà?” thì nhận được câu trả lời là: “Tiết kiệm cũng chẳng mua được nhà”.

Thật sai lầm, tôi từng biết cũng một cặp vợ chồng khác đã tự tạo được nguồn thu nhập thứ hai với số tiền vốn 40 triệu đồng để bán quần áo trên một sàn thương mại điện tử.

Dẫu biết rằng tài chính là một vấn đề thuộc về cá nhân. Nhưng hành vi tiêu dùng dễ dãi, không kiểm soát sẽ gây nhiều vấn đề. Dễ thấy nhất là nếu rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, thì tiền đâu? Bao nhiêu người trong số những thanh niên thích đổi iPhone mới sẽ trả thẳng bằng tiền mặt, bao nhiêu người trả góp và bao nhiêu người duy trì được phí sinh hoạt nếu chẳng may thất nghiệp sáu tháng liền?

Nếu dễ dãi đặt mình vào suy nghĩ một chiếc điện thoại đáng để ta mắc nợ thì có nguy cơ luôn sống trong việc mắc nợ cả đời.

Bài viết cùng chủ đề: