Những năm trở lại đây nhiều nông dân chuyển sang nuôi và khai thác loại động vật này khi nhận thấy được giá trị của loài ruồi lính đen đem lại.

Ruồi lính đen có vòng đời khoảng 40 ngày, bắt đầu từ trứng, ấu trùng, nhộng và cuối cùng lột xác thành ruồi trưởng thành. Ruồi cái trưởng thành đẻ từ 500 – 800 trứng, đây là thành phần quan trọng trong chuỗi thức ăn dành cho động vật khác.

Cụ thể, ấu trùng ruồi lính đen được làm thức ăn cho chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản. Ấu trùng khô có thể xay ra trộn với các chất dinh dưỡng làm thức ăn thay thế bột cá trong thức ăn chăn nuôi và có hàm lượng dinh dưỡng rất cao: Hơn 28-48%, hàm lượng chất béo từ 12-42% và các thành phần khác như canxi, phốt pho… đây là nguồn dinh dưỡng giàu đạm cho vật nuôi nhất là động vật thủy sản.

Ngoài ra, ấu trùng tiết ra enzym giúp tiêu hủy chất hữu cơ động vật, hữu cơ thực vật và phân hữu cơ vì loại enzim này có khả năng phân hủy được cả xenlulo và protein nên còn được dùng làm xử lý chất thải. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều đã áp dụng công nghệ này để xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải của các làng nghề thủ công một cách triệt để đồng thời thải ra lượng hữu cơ và phân bón giàu dinh dưỡng.

Anh Nguyễn Thái Phong (29 tuổi, ở Ấp Sơn Hà, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) là một trong số những người tiên phong nuôi ruồi lính đen lấy trứng và ấu trùng cung cấp cho thị trường làm thức ăn chăn nuôi có thu nhập 50 triệu đồng mỗi tháng.

Cách đây 5 năm, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, Phong nghĩ cần phải tìm cách để tự tạo thu nhập để ổn định cho bản thân cũng như phụ giúp gia đình.

Trong thời gian loay hoay với câu hỏi “Làm gì bây giờ?”, Phong vô tình lướt internet và thấy mô hình nuôi ruồi lính đen nên tò mò mua giống về nuôi thử. “Thật ra ban đầu chủ yếu dùng để xử lý rác hữu cơ trong gia đình nuôi ấu trùng bổ sung dinh dưỡng cho gà chứ không nghĩ đến việc kinh doanh”, Phong nói.

Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, càng nuôi ruồi lính đen, Phong nhận ra mô hình này có thể… làm giàu được nên phát triển mô hình nuôi ruồi lính đen lấy sản lượng.

Thế nhưng “đời không như là mơ”. Phong nhớ lại: “Vốn liếng lúc đó chỉ có vỏn vẹn 5 triệu đồng. Thời điểm ấy, do chưa có tài liệu kỹ thuật nhiều nên chủ yếu nuôi theo kiểu tận dụng các khay chậu có sẵn, nuôi theo hướng tận dụng phế phẩm hữu cơ rau củ quả có sẵn nên ấu trùng chưa đồng nhất về chất lượng và bị cɦết hàng loạt…”.

Những tưởng với bao khó khăn như thế sẽ khiến Phong ngừng lại mọi kế hoạch “kết duyên” với mô hình nuôi ruồi lính đen. Nhưng chàng trai này quyết không từ bỏ, phải đi lên từ khó khăn.

Vì không có vốn, số tiền 5 triệu ban đầu đã thất bại, Phong nghĩ đến cách tạo lại vốn bằng việc nuôi sâu gia công cho bà con địa phương. “Nhờ vậy mình mới có chi phí để đầu tư củng cố trang trại, phục vụ cho mô hình kinh doanh”, Phong nói.

Ngoài ra, Phong cũng đi khắp các vùng miền trên cả nước để thu thập nguồn giống. Phong cũng liên hệ với các giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nhờ chia sẻ về môi trường sống của loài ruồi lính đen. Đồng thời, Phong cũng tự học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu thêm lĩnh vực này.

Sau quá trình tự học hỏi và trau dồi kinh nghiệm, đến giữa năm 2018, Phong bắt đầu làm lại, bằng cách đầu tư xây dựng trang trại và phát triển mô hình nuôi ruồi lính đen một cách bài bản và chuyên nghiệp.

“Ruồi lính đen là một loại ấu trùng có chứa lượng protein khá cao, là nguồn thức ăn dinh dưỡng cho nhiều loại vật nuôi như: gà, cá, chim yến… Qua một thời gian phát triển mô hình, bản thân còn nhận thấy việc nuôi ruồi lính đen có thể ức chế được ruồi nhà hạn chế sinh nở để đảm bảo một môi trường sống khỏe mạnh, mang lại lợi ích cho cộng đồng”, Phong nói.

Hiện trang trại sâu mà Phong đang nuôi ở mức 15 tấn – 30 tấn ấu trùng mỗi tháng (mức giá bán từ 13.000 đồng/kg). Nhờ vậy, Phong chia sẻ, việc nuôi ruồi lính đen mang lại hiệu quả kinh tế ổn định khi thu nhập mỗi tháng lên đến 50 triệu đồng và đã tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong ấp cũng như hỗ trợ các thanh niên trong việc chăn nuôi xử lý nguồn phân và môi trường.

Từ năm 2019 đến nay, Phong còn kết hợp với các thanh niên từ các vùng miền khác nhau có chung sở thích phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ruồi. Đầu tư các trang thiết bị hiện đại hơn và nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới như: sâu canxi sấy khô, trứng ấu trùng và các loại ấu trùng…

Cũng là một trong số những người khởi nghiệp bằng việc nuôi ruồi lính đen, anh Nguyễn Thành Vinh (Cần Thơ), từng trải qua những thất bại trong các lĩnh vực kinh doanh trên Sài Gòn.

Năm 2018, anh Vinh trở về với gia đình vào tháng 6/2019 với chỉ 50.000 đồng trong túi, anh dồn tâm sức cùng cha mẹ mình tập trung vào phát triển trang trại nuôi ruồi đen và thành công vang dội. Sau thời gian đầu áp dụng thử nghiệm với quy mô nhỏ trong trang trại của mình, hiện tại anh Vinh đang có 3 trang trại nuôi ruồi lính đen tại quê nhà.

Anh Vinh cho biết, chi phí dành cho nuôi ruồi rất thấp, trại nuôi không cần tốn nhiều diện tích và cũng không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trứng ruồi được ấp bằng cách cho khoảng 100g trứng lên tấm lưới inox rồi bỏ vào chiếc khay đựng bã đậu nành, cám công nghiệp, cám gạo có độ ẩm khoảng 80%, mục đích là không để trứng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn gây hỏng trứng.

Sau 2 – 3 ngày trứng sẽ nở hết, ấu trùng tự chui xuống ăn bã đậu hoặc cám có sẵn trong khay, nở xong 3-4 ngày có thể đưa ra chuồng nuôi. Chuồng nuôi ấu trùng rất đơn giản, có thể dùng nền gạch, nền xi măng, hoặc lót bạt, không phải xây dựng cầu kỳ hay đầu tư tốn kém. Thức ăn cho ấu trùng là các phụ phẩm, phế thải từ sản phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả hỏng, bã đậu nành, bã bia, bã sắn, các loại xác cɦết động vật, các loại phân gia súc, gia cầm…. vừa giúp tận dụng nguồn thức ăn dư thừa vừa bảo vệ môi trường.

Không giấu giếm công nghệ, kỹ thuật nuôi ruồi lính đen, anh Vinh còn không ngừng chia sẻ kinh nghiệm với các nông dân khác ở vùng để cùng nhau làm giàu. Anh bày tỏ: “Mong muốn của tôi là chia sẻ cách làm cho mọi người để hướng đến một môi trường chăn nuôi theo hướng an toàn không có chất cấm. Thời gian qua đã có nhiều người liên hệ với tôi để xin trao đổi kinh nghiệm nuôi và chăm sóc ruồi lính đen để tự tạo nguồn thức ăn cho trang trại của mình”.

TH&SP