Dự kiến Hưng Yên sáp nhập với Thái Bình

Mới đây, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, ngày 12/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Theo đó, danh sách dự kiến tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị – hành chính (tỉnh lỵ) của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (Kèm theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII) sau sáp nhập, sắp xếp cho biết, hợp nhất Hưng Yên và Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.

Một số tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Theo danh sách dự kiến này, tỉnh Hưng Yên khi nhập với tỉnh Thái Bình sẽ có diện tích khoảng 2.514 km2, với gần 3,2 triệu người. Nằm ở vị trí trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng. Địa hình tương đối bằng phẳng, không có đồi núi, với hệ thống sông ngòi thuận lợi cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế cũng sẽ có nhiều sự chuyển dịch đáng chú ý như có đường sắt, đường biển….

Một số chuyên gia quy hoạch cho rằng, Hưng Yên và Thái Bình là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, với vị trí địa lý nằm sát nhau nên việc thúc đẩy liên kết tỉnh, tạo ra liên kết vùng là rất quan trọng. Trong đó, yếu tố để nghiên cứu việc hợp nhất, sáp nhập tỉnh cần ưu tiên tăng tính liên kết vùng, tạo ra điểm gắn kết quan trọng giữa các tỉnh lân cận.

Hưng Yên là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có lợi thế về giao thông, kết nối thuận lợi với Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Tỉnh này đang nổi lên như một trung tâm công nghiệp, với nhiều khu công nghiệp lớn thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Còn tỉnh Thái Bình, với bờ biển dài và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có tiềm năng phát triển kinh tế biển, nông nghiệp và du lịch.

Ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc hợp nhất, sáp nhập tỉnh sẽ tạo ra một đơn vị hành chính lớn mạnh hơn, giúp tập trung nguồn lực tài chính, nhân lực và cơ sở vật chất để đầu tư vào các dự án trọng điểm. Việc loại bỏ sự trùng lặp trong bộ máy hành chính sẽ giảm thiểu chi phí hoạt động, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Cồn Vành (Tiền Hải, Thái Bình là địa điểm lý tưởng giải nhiệt mùa hè của nhiều người dân. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Tiền Hải.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập 2 địa phương nằm cạnh nhau, cùng thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và tương đồng về diện tích sẽ tạo ra một hành lang kinh tế mạnh mẽ, kết nối các tỉnh ven biển với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Việc phát triển hệ thống giao thông đồng bộ sẽ giúp tăng cường sự liên kết giữa các địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng.

Trong những năm qua tỉnh Hưng Yên và Thái Bình đã chủ động tham gia vào các chương trình, dự án hợp tác, trong đó, các lĩnh vực hợp tác tập trung vào phát triển giao thông, kết nối hạ tầng, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao,…

Thủ phủ chính trị – hành chính tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên hiện nay nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía đông giáp tỉnh Hải Dương (dự kiến nhập với Hải Phòng), phía nam giáp tỉnh Thái Bình, phía tây và tây bắc giáp Thủ đô Hà Nội, phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam (dự kiến cùng tỉnh Nam Định nhập với Ninh Bình). Đây là mảnh đất phù sa màu mỡ, đậm nét truyền thống văn hiến của nước ta.

Theo các nhà nghiên cứu, Phố Hiến đã có từ giữa thế kỷ XV (năm 1471), khi vua Lê Thánh Tông đặt ra 12 thừa tuyên. Đến thế kỷ XVI, Phố Hiến dần trở thành một đô thị, một thương cảng mới, trung tâm thương mại, giao lưu, thu hút thương nhân quốc tế đến buôn bán, giao thương. Phố Hiến đạt tới sự thịnh vượng nhất vào thế kỷ XVII, không chỉ là đầu mối giao lưu quốc tế, là điểm trung chuyển hàng hóa vào kinh thành Thăng Long, mà còn là một đại đô thị nên thơ soi bóng nước sông Hồng.

Một góc thành phố Hưng Yên ngày nay…

Văn bia chùa Thiên Ứng dựng năm 1625 có nêu: “Phố Hiến nổi tiếng là nơi đô hội tiểu Tràng An của bốn phương”. Tên Phố Hiến xuất phát từ chữ “Hiến” với các tên gọi là Hiến Doanh hay Hiến Nam, vốn là cơ quan hành chính của trấn Sơn Nam.

Năm 1831, Vua Minh Mạng triều Nguyễn quyết định thành lập tỉnh Hưng Yên, lấy Phố Hiến làm tỉnh lỵ. Thế kỷ XVI, XVII, Phố Hiến là chốn phồn hoa đô hội, nức tiếng với câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Trải qua những biến cố lịch sử và sự thay đổi của tự nhiên, Phố Hiến vẫn bảo tồn được hơn 100 di tích lịch sử văn hóa có giá trị, trong đó có 18 di tích được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Phố Hiến được công nhận là Quần thể di tích quốc gia đặc biệt.

Nhìn lại lịch sử thành phố Hưng Yên, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới thời thực dân phong kiến, thị xã Hưng Yên có 6 phố lớn và xã Hiến Nam. Tháng 5/1954, sau hòa bình lập lại, Hưng Yên trở lại với vị trí thủ phủ tỉnh cho tới ngày sáp nhập tỉnh với Hải Dương (26/1/1968); 29 năm sau, cùng với việc tái lập tỉnh Hưng Yên (1/1/1997), thị xã Hưng Yên trở lại ngôi vị thủ phủ. Ngày 19/1/2009, thị xã được nâng cấp thành thành phố trực thuộc tỉnh cho tới ngày nay.

Phố Hiến thời xưa. Ảnh tư liệu

Trong 60 năm qua, thành phố Hưng Yên có một số lần thay đổi, chia cắt địa giới hành chính, đổi tên các phố (vào các năm 1955, 1982, 1997, 2003), đồng thời mở rộng thành phố những đợt gần đây, nhưng về cơ bản vẫn trên cơ sở phạm vi “lõi” của thị xã Hưng Yên dưới thời Pháp thuộc tồn tại trong ký ức không phai của những người bản địa lớn tuổi.

Thành phố Hưng Yên – thủ phủ của tỉnh, trước đây là thị xã được xây dựng và phát triển trên nền tảng Phố Hiến. Gắn với câu ca “thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, Phố Hiến xưa – thành phố Hưng Yên hôm nay là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống. Kinh tế – xã hội của thành phố ngày càng phát triển, hình thành dáng vóc của một đô thị hiện đại, thông minh, sinh thái.

Theo đà phát triển chung của đất nước sau 39 năm đổi mới, thành phố Hưng Yên đã không ngừng lớn mạnh và đang thay da đổi thịt từng ngày. Ngày nay, thành phố Hưng Yên nằm về phía Nam của tỉnh Hưng Yên, trung tâm thành phố cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60km về phía Tây Bắc; cách thành phố Hải Dương 50km về phía Đông Bắc; cách thành phố Thái Bình 50km về phía Đông Nam; cách thành phố Phủ Lý 25km về phía Tây Nam; phía Bắc giáp huyện Kim Động, phía Đông giáp huyện Tiên Lữ và huyện Hưng Hà (Thái Bình), phía Tây giáp huyện Duy Tiên (Hà Nam), phía Nam giáp huyện Lý Nhân (Hà Nam).

Ngày 17/7/2007, thị xã Hưng Yên (nay là thành phố Hưng Yên) được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Hiện thành phố đang nỗ lực làm nốt những gì còn lại để đạt được mục tiêu năm 2025 trở thành đô thị loại II.

Ngày 6/8/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Kim Động, Tiên Lữ để mở rộng địa giới hành chính thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Ngày 24/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1248/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 – 2025 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/12 năm 2024). Theo đó: Sáp nhập phường Quang Trung vào phường Lê Lợi; Điều chỉnh một phần xã Phương Chiểu vào xã Liên Phương; Thành lập xã Phương Nam trên cơ sở phần còn lại của xã Phương Chiểu và xã Hồng Nam. Do đó, Thành phố Hưng Yên có 15 đơn vị hành chính, gồm 6 phường và 9 xã như hiện nay.

Dự án đường kết nối Thái Bình-Hưng Yên có tổng chiều dài khoảng 24,8km, đi qua thành phố Thái Bình, huyện Vũ Thư, huyện Đông Hưng và huyện Hưng Hà, có tổng mức đầu tư 4.928 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 21-NQ/TU, mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng GRDP của thành phố khoảng 10,5/năm; thu ngân sách nhà nước tăng trung bình trên 8%/năm; tỉ lệ đô thị hóa toàn thành phố đạt 59%; tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%; thêm 5 xã lên phường. Đến năm 2030, đạt trên 50% các tiêu chí của đô thị loại I; hoàn thành dự án Khu đại học Phố Hiến. Đến trước năm 2035, thành phố Hưng Yên trở thành đô thị loại I, là thành phố du lịch văn hóa, có hệ sinh thái đô thị thông minh hoàn chỉnh. Đến năm 2045, thành phố Hưng Yên trở thành thành phố sinh thái, thông minh, văn hiến và giàu đẹp.

Trên địa bàn thành phố Hưng Yên, nội thành đã và đang trở thành đô thị văn minh, các xã ngoại vi đạt tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Hưng Yên đạt trên 10% mỗi năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỉ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm tỉ trọng khu vực nông nghiệp. Tổng thu ngân sách của thành phố năm 2023 đạt hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, đạt gần 140% kế hoạch tỉnh giao; tỉ lệ đô thị hóa đạt gần 53%…

Trụ sở UBND tỉnh Hưng Yên hiện nay tại địa chỉ số 10 đường Chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Nhiều tuyến phố của thành phố đã “thay da, đổi thịt”, hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường. Các xã vùng ven của thành phố như: Bảo Khê, Liên Phương, Quảng Châu, Tân Hưng… cũng phát triển sầm uất, những “phố trong làng” sôi động, nhộn nhịp. Hạ tầng giao thông được xây dựng và phát triển đồng bộ, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế – xã hội. Các cây cầu bắc ngang sông Hồng, sông Luộc (cầu Yên Lệnh, cầu Hưng Hà, cầu Triều Dương…) nối liền những con đường thênh thang, khiến thành phố phá bỏ được thế “đường cụt”, vươn ra mọi hướng.

Với hàng trăm km đường mới mở hoặc được nâng cấp, cùng với hàng loạt công trình xây dựng mới, diện tích thành phố được mở rộng, mang dáng vẻ hiện đại, trong khi tích cực tu bổ, bảo tồn những công trình, di tích xưa. Đó là một thành phố xanh, sạch, đẹp, hài hòa, thân thiện, Nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Trên địa bàn thành phố Hưng Yên hiện có Đại học Chu Văn An, Cao Đẳng sư phạm Hưng Yên, Trung cấp Nghệ thuật Hưng Yên, Trung cấp nghề Hưng Yên, Trung cấp GTVT Hưng Yên… Hiện thành phố đang xúc tiến đầu tư xây dựng khu đô thị Đại học Phố Hiến với quy mô 1.000 ha.

Nhà hát Chèo Hưng Yên là đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, nơi lưu giữ bảo tồn những giá trị văn hóa tiêu biểu của phố Hiến. Một số đặc sản của thành phố Hưng Yên là nhãn lồng, mật ong, long nhãn, hạt sen, bún thang…

Tỉnh Thái Bình vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ thành phố Thái Bình đi huyện Hưng Hà, nối liền với tỉnh Hưng Yên, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.928 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư của dự án từ ngân sách của tỉnh và ngân sách Trung ương hỗ trợ. Dự án có chiều dài khoảng 24,8km, đi qua TP. Thái Bình và 3 huyện là Vũ Thư, Đông Hưng, Hưng Hà, sử dụng 182,23ha đất. Thời gian thực hiện dự án từ 2025 – 2028.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải liên vùng, liên tỉnh, liên khu vực, tăng cường kết nối giữa các khu đô thị, cụm công nghiệp, khu công nghiệp trong tỉnh. Đồng thời, công trình này sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông giữa Thái Bình và Thủ đô Hà Nội, cũng như các tỉnh lân cận thông qua tuyến đường Vành đai 5.


Nguồn: https://danviet.vn/sap-nhap-tinh-trung-tam-chinh-tri-hanh-chinh-du-kien-cua-tinh-hung-yen-co-gi-noi-bat-d1324352.html