Từ năm 2015 đến nay chưa có dự án nhà ở xã hội nào được xây dựng bằng vốn ngân sách, các dự án xây dựng nhà ở xã hội đều chậm so với tiến độ… Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng Luật Thủ đô 2024 sẽ giải quyết được vấn đề này.

Gửi tham luận đến Hội thảo khoa học: “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/Qh15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” sáng 14/11, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Đến nay trên địa bàn thành phố đã có 30 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, với khoảng 1,66 triệu m2 sàn. 58 dự án đang triển khai với khoảng 4 triệu m2 sàn, 60.480 căn hộ.

Ngoài ra, có 83 ô đất với tổng quy mô sử dụng đất khoảng 43,58ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20% – 25% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định…

Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội nhìn nhận, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn hạn chế. Đơn cử như, từ năm 2015 đến nay chưa có dự án nhà ở xã hội nào được đầu tư bằng vốn ngân sách, số lượng các dự án nhà ở xã hội phát triển mới còn hạn chế, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai đều chậm so với tiến độ được duyệt…

Sở Xây dựng Hà Nội chỉ ra nguyên nhân chủ yếu do khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian; việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án tại các quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội còn vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý về tài sản công… Đồng thời, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là các dự án nhà ở xã hội khu vực ngoại thành và nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng là công nhân, sinh viên…

Theo quy định pháp luật (kể cả Luật Nhà ở năm 2023) chỉ quy định UBND cấp tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, chưa quy định hỗ trợ đầu tư các công trình bên trong dự án, do vậy chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư hoặc không đáp ứng hiệu quả tài chính nhà đầu tư triển khai dự án.

Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ được quy định những nội dung thuộc thẩm quyền trong khi các văn bản luật hiện nay chưa giao cho địa phương chủ động xây dựng những cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù riêng để thu hút đầu tư.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô năm 2024, tại khoản 2 Điều 29 đã bổ sung thêm cho phép HĐND thành phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập. Việc sử dụng ngân sách thành phố đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập sẽ tạo điều kiện rất nhiều cho các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà đầu tư được giảm chi phí đầu tư xây dựng, tăng lợi nhuận để giảm giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.

Luật Thủ đô năm 2024 có những đổi mới cơ chế nhằm tháo gỡ, kịp thời bổ sung những quy định về cơ chế chính sách trong công tác phát triển nhà ở xã hội, thu hút nguồn lực xã hội trong đầu tư, phát triển nhà ở xã hội; hỗ trợ nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong dự án, tạo điều kiện cho nhà đầu tư giảm chi phí đầu tư xây dựng, tăng hiệu quả đầu tư, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.

Để hiện thực hóa Điều 29 Luật Thủ đô, HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành các quyết định, kế hoạch giao các sở, ngành triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định một số chính sách về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập. Sở Xây dựng cũng đã lập kế hoạch xây dựng các Nghị quyết quy định một số chính sách về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, hiện Sở Xây dựng đang phối hợp cùng các sở ngành tổ chức triển khai thực hiện. “Dự kiến trình HĐND thành phố vào kỳ họp tháng 12/2025”, Sở Xây dựng Hà Nội thông tin.