(VNF) – Dự án mở rộng cao tốc TP. HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận được đầu tư theo phương thức PPP, với tổng mức đầu tư khoảng 39.800 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mở rộng cao tốc TP. HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận theo phương thức đối tác công – tư (PPP).

Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, dự án có chiều dài hơn 96km (điểm đầu tại nút giao Chợ Đệm, huyện Bình Chánh, TP. HCM; điểm cuối tại đầu cầu phía Bắc cầu Mỹ Thuận 2, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Về quy mô đầu tư, đối với đoạn TP. HCM – Trung Lương được đầu tư xây dựng theo quy chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 120km/h, quy mô 8 làn xe giai đoạn phân kỳ, 10 làn xe (đoạn Vành đai 4-Trung Lương) giai đoạn hoàn chỉnh, 12 làn xe (đoạn Chợ Đệm-Vành đai 4) giai đoạn hoàn chỉnh.
Đối với đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h, quy mô 6 làn xe; xây dựng các công trình trên tuyến, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống trạm thu phí, trạm dừng nghỉ… bảo đảm đồng bộ, hiệu quả theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, tuân thủ Luật Đường bộ…
Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2024 đến năm 2028.
Dự án được thực hiện đầu tư theo hình thức PPP, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 39.800 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm 5.970 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (chiếm 15% tổng mức đầu tư) và 33.830 tỷ đồng vốn vay, các nguồn vốn huy động hợp pháp khác (chiếm 85% tổng mức đầu tư). Dự án được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng/giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82 Luật PPP và Nghị định 28/2021 của Chính phủ.
Dự kiến khung giá dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định theo nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP và người sử dụng, tạo điều kiện để nhà đầu tư thu hồi vốn và có lợi nhuận phù hợp theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về PPP.
Nhà đầu tư đề xuất dự án là liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM, Công ty Cổ phần Tasco, Tổng công ty đầu tư xây dựng Hoàng Long, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ và Đầu tư CII.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc đầu tư mở rộng hoàn chỉnh tuyến cao tốc TP. HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận nhằm giảm ùn tắc giao thông, cùng với các dự án giao thông đang khai thác trong khu vực sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long; góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải từ các tỉnh miền Tây đi TP. HCM, vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh thành cả nước; kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế, cảng biển…
Cách đây 2 ngày, Thủ tướng đã đồng ý Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án mở rộng tuyến cao tốc theo phương thức PPP. Cơ quan này cũng được giao khẩn trương phối hợp các bộ, ngành liên quan khởi công dự án trong quý II/2025.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/gan-40000-ty-nang-doi-cao-toc-tp-hcm–trung-luong–my-thuan-d122659.html