Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
20 lượt xem

Gia đình 50 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ: Con trai đi ở rể, con gái xấu hổ không dám lấy chồng

Căn phòng ọp ẹp 7m2 được cất trên nóc nhà vệ sinh chung ở phố Hàng Bạc một thời là phòng tân hôn nồng ấm của vợ chồng ông Hải. Nhưng khi các con trưởng thành, nó lại trở thành nỗi chua xót.

“Trời mưa thì dột, trời nóng thì như lửa đốt ấy. Vì hoàn cảnh gia đình mà con gái chưa thể lấy chồng được. Nhỡ đưa người yêu về, nhà cửa như này cũng khó, mà có lấy được chồng thì chật chội thế, ở vào đâu…”. Trầm ngâm, ông Nguyễn Phùng Hải (92 tuổi, sống tại ngõ 107 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể về ngôi nhà của mình đầy chua xót.

Nhà của gia đình ông Hải được cất trên nóc một nhà vệ sinh chung trong phố cổ náo nhiệt, “khu đất kim cương” của Hà Nội. Căn phòng rộng khoảng 7m2 từng là nơi sống và sinh hoạt của cả hộ gia đình 4 người: Vợ chồng ông Hải và hai người con.

Nơi gia đình ông Hải sống gần nửa thế kỷ là căn phòng xây trên nóc nhà vệ sinh

Trái ngược với vẻ hào nhoáng ở ngoài phố Hàng Bạc, con ngõ 107 nhỏ đến nỗi chỉ một người đi lọt, xe cộ không thể dắt vào, lối đi tăm tối, ẩm thấp. Nơi đây có vài hộ gia đình sinh sống, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là nhà ông Hải.

“Căn nhà” giống như một túp lều xập xệ. Bên ngoài lợp bằng nhiều lớp tôn rỉ hoen, thủng lỗ chỗ đặt chồng lên nhau, đôi chỗ “gia cố” bằng vỏ bao gạo. Cầu thang dẫn lên nhà được xây bằng xi măng, đổ dốc thẳng đứng 90 độ, chắc để tiết kiệm diện tích, rêu xanh rêu nâu bám quanh. Ở bên dưới vẫn là nhà vệ sinh và khu phơi phóng quần áo chung của cả khu.

Ông Hải không thể nhớ lần tu sửa mới nhất của nhà mình là cách đây bao nhiêu năm

Người đàn ông 92 tuổi nhớ lại, quê gốc ông ở Sơn Tây (Hà Nội), thời trẻ chỉ có mỗi ông sống trong ngõ này, thuê được một căn nhà của Nhà nước. Kiếm tiền không đủ trả tiền thuê, ông dọn ra để người khác thuê lại; bản thân vẫn sống loanh quanh con ngõ này, làm lặt vặt mưu sinh.

Đến năm 1975, ông tận dụng nóc nhà vệ sinh chung của cả khu để tạo căn phòng ở riêng một mình. Ông nhớ lại: “Hồi đó tôi ở một mình, chỉ quây cót ép, giấy dầu để ở. Nguyên tắc của thành phố thờin đó là không cho làm nhà tranh vách nứa để tránh hỏa hoạn, nên tôi được Nhà nước lợp cho cái mái, xây cầu thang, tu sửa để kiên cố hơn”.

Cầu thang dốc khiến ông và vợ khá vất vả khi di chuyển

Sau khi an cư trên nóc nhà vệ sinh, ông Hải lấy vợ, sinh con, hai thế hệ chung sống trong căn phòng 7m2. Bà Sâm quê gốc ở làng La Phù (huyện Hoài Đức), đến với ông qua mai mối. Mãi đến năm 37 tuổi bà mới lấy chồng nên không kén chọn, và cũng chẳng để tâm đến gia đình, nhà cửa của chồng ra sao.

Cả nhà hãnh diện vì bà lấy được chồng sống ở phố cổ. Đến khi tổ chức xong đám cưới ở nhà gái, về nhà tân hôn, bà mới biết đó là cái chòi tồi tàn, thường xộc lên mùi xú uế. Nhưng khóc một trận rồi thôi, bà vẫn quyết ăn đời ở kiếp với ông Hải, sinh hai người con đủ nếp đủ tẻ vào năm 1989 và 1993.

Bà Sâm xưa còn túc tắc đi bán bún kiếm sống, vài năm nay yếu hẳn, gần như chỉ ở nhà

Dù căn phòng đã tàn tạ qua thời gian, trần nhà là những miếng xốp đan lại với nhau, vữa tường bong tróc vì ẩm, hai ông và vẫn vun vén cho nó ra hình ra vẻ của một tổ ấm. Họ cũng có quạt máy, giường tủ, nồi cơm điện… Trong nhà, chiếc tủ lạnh con trai mua cho là giá trị nhất.

Chiếc ti vi đã hỏng màu là thứ để ông bà giải trí những lúc không đi làm, nghe ngóng tin tức thời sự. Chiếc bàn đặt tivi coi như là vách tường, chia không gian phòng khách và phòng ngủ. Nóc tủ quần áo tận dụng làm bàn thờ tổ tiên.

Phần sân và một bên nhà vệ sinh chung ở “tầng 1” là nơi ông bà tận dụng làm kho chứa đồ, bát đũa nồi niêu. Hiện tại các hộ dân xung quanh đã có vệ sinh khép kín trong nhà, không ai dùng chung nhà vệ sinh cũ nữa, nên cuộc sống của gia đình ông Hải cũng thoải mái hơn.

Ông kể, dù đã ngoài 90 tuổi, ông vẫn ngày ngày ra đầu ngõ bơm xe đạp cho có đồng ra đồng vào. Các con cũng đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Con trai ông bà đã có vợ, có con, xin phép được ở rể nhà vợ cho thuận tiện.

Còn người con gái chưa chồng, ông bà rất trăn trở. Nhiều lần cô con gái ngỏ ý muốn chuyển sang thuê nhà chỗ khác thuận tiện hơn, cũng có chỗ tươm tất hơn để tiếp khách, để khi có bạn trai thì đưa về giới thiệu. Nhưng vì điều kiện gia đình, giờ cô vẫn phải ở chung với bố mẹ.

Ông Hải rất chăm dọn nhà vệ sinh để tránh mùi ảnh hưởng đến khu vực nấu nướng, phơi đồ

Gắn bó với ngôi nhà 7m2 hơn nửa thế kỷ, ông Hải cũng thấy quen thuộc, không muốn chuyển đi đâu. Con trai đã yên bề gia thất, ông càng nghĩ càng xót con gái, và bảo, mong mỏi lớn nhất của mình hiện tại là con gái lấy được chồng.

Ông tâm sự thêm, từ hồi sống ở trong ngôi nhà này, từ khi còn độc thân đến lúc con cái đề huề, tới giờ đã ở tuổi gần đất xa trời, gia đình gần như không có mấy khách khứa đến chơi. Ông bà mặc cảm, ngại ngùng với cả anh em nhà mình lẫn gia đình bên ngoại, nên không có chuyện giao lưu gặp gỡ.

Họ chỉ gặp nhau ngoài phố, hoặc ông đưa vợ con về quê gốc. Họ hàng, bạn bè có thương có quý cũng chỉ gửi quà biếu kiểu bao gạo, rau củ quê chứ cũng không vào nhà ngồi uống nước chè, ăn bữa cơm như các nhà khác bao giờ.

 

Bài viết cùng chủ đề: