Gia Lai và những lần sáp nhập, tách tỉnh trong lịch sử
Theo báo Gia Lai, sự hình thành của tỉnh Gia Lai gắn liền với tiến trình xâm lược của thực dân Pháp và quá trình đấu tranh chống xâm lược của đồng bào các dân tộc Bắc Tây Nguyên. Việc chinh phục Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung của Pháp được xem như hoàn tất với sự kiện 16/10/1898, Khâm sứ Trung Kỳ là Boulloche đưa yêu sách buộc triều đình Huế phải để cho người Pháp phụ trách vấn đề kinh tế và an ninh toàn vùng Tây Nguyên. Triều đình nhà Nguyễn phải nhượng bộ. Từ đó, Tây Nguyên là vùng đất thuộc quyền bảo hộ trực tiếp của thực dân Pháp.
Ngày 4/7/1905, theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương, vùng núi phía Tây tỉnh Bình Định, Phú Yên bao gồm toàn bộ khu vực cư trú của đồng bào Xơ Đăng, Bahnar, Jrai được lập thành một tỉnh tự trị, lấy tên là Plei Kou Der (còn được viết là Plei-Kou-Derr hay Pleiku Derr, là một tỉnh cũ trong lịch sử Việt Nam, chỉ tồn tại trong 3 năm: 1904-1907). Tỉnh lỵ của Plei-Kou-Der được đặt tại một làng Jrai có tên là Pleiku.

Ngày 25/4/1907, Nghị định Toàn quyền lại xóa tỉnh Plei-Kou-Der. Đất đai của tỉnh này được chia làm 2 phần, một phần lập thành đại lý hành chính Kon Tum, nhập vào tỉnh Bình Định; phần còn lại lập thành đại lý hành chính Cheo Reo nhập vào tỉnh Phú Yên.
Ngày 9/2/1913, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định số 214 và 215, lập tỉnh Kon Tum trên cơ sở đất đai của tỉnh Plei Kou Der cũ gồm toàn bộ đại lý Kon Tum (tách ra từ tỉnh Bình Định), đại lý Cheo Reo (tách ra từ tỉnh Phú Yên) cộng thêm đại lý Đak Lak (nguyên là một tỉnh hạ xuống thành đại lý).
Ngày 24/5/1925, theo Nghị định Toàn quyền, đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập.
Ngày 24/5/1932, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách một phần đất phía Nam tỉnh Kon Tum (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) để thành lập tỉnh Pleiku.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền cách mạng gọi là Gia Lai.
Tháng 6/1946, Pháp tái chiếm vùng đất Gia Lai và đặt tên tỉnh là Pleiku. Đối với chính quyền Sài Gòn, từ năm 1954 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), tên tỉnh vẫn là Pleiku, nhưng diện mạo của tỉnh đã nhiều lần thay đổi.
Về phía ta, trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, tên tỉnh vẫn giữ là Gia Lai. Ngày 15/4/1950, theo Nghị định số 7/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ta, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum hợp nhất thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Gia-Kon.
Sau Hiệp định Genève, tỉnh Gia-Kon lại được chia tách thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 245-NQ/TƯ về việc bỏ cấp khu, hợp tỉnh. Theo Nghị quyết này, tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành một tỉnh là Gia Lai-Kon Tum.
Ngày 12/8/1991, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII, Gia Lai-Kon Tum tách thành hai tỉnh: Gia Lai và Kon Tum.
Bình Định – trung tâm miền Trung
Cho đến nay, thông qua các đợt khai quật khảo cổ học người ta đã xác định được cách đây trên 2000 năm trên vùng đất Bình Định ngày nay đã có cư dân văn hóa Sa Huỳnh sinh sống.
Bình Định là vùng đất trung tâm của miền Trung Việt Nam với gần 5 thế kỷ giữ vai trò trung tâm của nhà nước Chăm-pa, dấu tích văn hóa của thời kỳ nhà nước Chăm-pa tồn tại trên đất Bình Định còn để lại vô cùng phong phú, đa dạng về loại hình.

Tháng 7/1471, vua Lê cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện là: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Từ đó người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống trên vùng đất Bình Định ngày nay.
Năm 1651, dưới thời Nguyễn Phúc Tần, chúa cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Ninh. Năm 1702, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy lại tên cũ là Quy Nhơn và vẫn được gọi suốt thời kỳ Tây Sơn.
Năm 1773, cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em nhà Tây Sơn do Nguyễn Nhạc đứng đầu đã phát triển xuống Tây Sơn hạ đạo, chiếm lĩnh đất Kiên Thành (nay là Kiên Mỹ) nơi đã từng sinh ra các thủ lĩnh Tây Sơn, Nguyễn Nhạc tự xưng là đệ nhất trại chủ cai quản hai huyện là Phù Ly và Bồng Sơn. Cùng trong năm đó (1773), nghĩa quân Tây Sơn tiếp tục đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn.
Tháng 3 năm 1776, Nguyễn Nhạc cho sửa chữa và xây thêm thành Đồ Bàn, rồi đổi tên là thành Hoàng Đế, tự xưng Tây Sơn vương, cho đúc ấn vàng, phong cho Nguyễn Lữ làm Thiếu phó, Nguyễn Huệ làm Phụ chính, các tướng lĩnh khác đều được phong chức cho tương xứng với một chính quyền Trung ương mới được thành lập.
Từ năm 1799 – 1802, thành Quy Nhơn bị quân Nguyễn Ánh chiếm đóng và đổi làm thành Bình Định và suốt chiều dài lịch sử, đây là trung tâm cai trị của triều Nguyễn tại Bình Định trong những năm đầu thế kỷ XIX.
Đến năm 1885, Bình Định là một tỉnh lớn ở Trung Kỳ, nhiều vùng đất của Gia Lai, Kon Tum còn thuộc về Bình Định.
Năm 1890, thực dân Pháp sát nhập thêm Phú Yên vào Bình Định thành tỉnh Bình Phú, tỉnh lỵ là Quy Nhơn. Nhưng đến năm 1899, Phú Yên tách khỏi Bình Phú, Bình Định lại trở thành tỉnh độc lập.
Trong kháng chiến chống Mỹ, trong suốt 20 năm (1954 – 1975), thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng về đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, quân và dân tỉnh Bình Định đã vượt qua vô vàn hy sinh, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường, bám đất, giải phóng quê hương vào ngày 31/3/1975.
Từ cuối năm 1975 đến năm 1989, tỉnh Bình Định hợp nhất với tỉnh Quảng Ngãi lấy tên là tỉnh Nghĩa Bình. Từ năm 1989, tỉnh Bình Định được tái lập trở lại từ tỉnh Nghĩa Bình.
Khoảng cách từ trung tâm tỉnh Bình Định đến Gia Lai là bao xa?
Quãng đường từ Quy Nhơn (Bình Định) đi Gia Lai theo Google Map dài khoảng 150km về phía tây thành phố Quy Nhơn. Hiện nay, việc kết nối Gia Lai với Bình Định chỉ thông qua tuyến Quốc lộ 19.
Để tăng cường khả năng kết nối vùng, tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku đang được đề xuết khởi công trong năm 2025.
Theo đó, dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku là dự án quan trọng quốc gia được thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Qua nghiên cứu của đơn vị tư vấn, đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku dài 123km; điểm đầu tại km39+2008 quốc lộ 19B (xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) thuộc TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Tuyến cao tốc này có khoảng 37,4km đi qua địa phận thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định; có 85,6km đi qua địa phận thị xã An Khê, huyện Đắk Pơ, huyện Mang Yang, huyện Đắk Đoa và TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Nguồn: https://danviet.vn/gia-lai–binh-dinh-tung-sap-nhap-thanh-mot-tinh-co-cai-ten-la-hien-nay-khoang-cach-tu-binh-dinh-den-gia-lai-la-bao-xa-d1324601.html