Không chỉ mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến hạt điều, anh Nguyễn Văn Thiêm còn ươm mầm giống tre Bát Độ trên vùng đất cằn cỗi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chế biến hạt điều, thu lãi gấp đôi nhờ chế biến hạt điều
Ngược về xã biên giới Ia Chia (huyện Ia Grai, Gia Lai), gặp anh Nguyễn Văn Thiêm (45 tuổi), anh nông dân được mệnh danh là “Giám đốc làng” đang tất bật với công việc. Anh đã mạnh dạn xây dựng công ty tại ngôi làng nghèo để chế biến sâu nông sản của gia đình và bà con trong xã, nhằm nâng cao giá trị nông sản.
“Ở vùng này, nguyên liệu tốt nhưng lại bị thương lái ép giá. Chính vì vậy, tôi đã mạnh dạn làm dây chuyền, công nghệ chế biến sâu hạt điều và đăng ký thương hiệu nhằm đưa tới khách hàng loại sản phẩm ngon, hữu cơ. Từ đó, bà con nông dân trong làng có thu nhập cao hơn”, anh Thiêm chia sẻ.
Vì cuộc sống ở quê khó khăn nên anh cùng gia đình vào vùng biên giới Ia Chia để lập nghiệp. Ban đầu, anh và vợ làm công nhân cao su, chắt góp mua được mảnh vườn nhỏ. Thấy nghề công nhân cao su độ hại lại phải thức khuya, anh Thiêm quyết định xin nghỉ để về phát triển kinh tế trên mảnh đất sỏi đá vợ chồng đã tích cóp mua.
Sau nhiều năm cần mẫn trên mảnh đất sỏi đá, vợ chồng anh Thiêm đã sở hữu gần chục hecta đất. Vì đất cằn nên anh Thiêm chọn điều là loại cây chủ lực để trồng với khoảng 6ha canh tác. Mỗi năm, anh thu hoạch 10-12 tấn hạt điều.
Ban đầu, điều thu hoạch xong được vợ chồng anh Thiêm rang từng mẻ. Do rang thủ công nên khó kiểm soát được nhiệt độ, điều dễ bị cháy. Phần nữa, không có máy tách hạt nên sản phẩm cũng bị vỡ, vụn nhiều.
Sau nhiều lần thất bại, anh Thiêm đã sản xuất ra được những mẻ điều rang ưng ý. Anh còn mạnh dạn thành lập công ty để mang thương hiệu điều của làng mình đi khắp các tỉnh thành.
Sau gần 3 năm đầu tư, phát triển, hiện hạt điều từ xã biên giới Ia Chia đã vươn ra thị trường ở nhiều thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
Anh Thiêm chia sẻ: “Lợi thế của mình chính là sống trên vùng nguyên liệu, điều mà nhiều doanh nghiệp lớn đang rất cần. Để có sản phẩm điều tốt, tôi đã hợp tác cùng bà con, tổ chức chăm sóc theo phương thức hữu cơ. Tôi đã cam kết luôn mua giá cao hơn so với thị trường”.
Theo anh Thiêm, mỗi héc-ta điều, bán thô thì thu về khoảng 60 triệu đồng/năm. Nhưng khi rang, sấy lên thì lợi nhuận sẽ tăng gấp đôi. Trung bình, mỗi năm anh bán ra thị trường khoảng 3 tấn điều chế biến sâu và 7 tấn bán khô, thu lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng.
Trên đất cằn ươm trồng tre Bát Độ
Anh Thiêm còn mạnh dạn trồng tre Bát Độ để lấy măng. Năm 2018, anh về quê Phú Thọ và nhận thấy mô hình trồng tre Bát Độ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giống tre này cho năng suất măng cao và có thể bán thân cây để làm đồ mỹ nghệ, bán giống. Chính vì vậy, anh đã mua giống về trồng thử nghiệm trên mảnh đất sỏi đá xã Ia Chia.
Nhận thấy măng có vị giòn, ngọt tự nhiên, tiềm năng tiêu thụ tốt, anh Thiên tiếp tục mở rộng diện tích để xây dựng vùng nguyên liệu. Anh cũng đăng ký thương hiệu, bao bì để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng. Hiện anh trồng khoảng 1.000 gốc tre, trong đó có 700 cây đang cho thu hoạch.
Năm vừa qua, anh Thiêm đã thu hàng tấn măng phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Sau khi trừ các chi phí, anh Thiêm thu về khoản lãi hơn 250 triệu đồng/năm. Anh Thiêm bộc bạch: “Măng tre Bát Độ củ to, năng suất cao hơn rất nhiều lần so với loại măng tre bình thường. Mỗi cây măng cân nặng 3-8kg, vỏ mỏng, thịt trắng, dày, lõi nhỏ, tỷ lệ thịt đạt trên 85%”. Hiện nay, măng tươi đang có giá 10-15 nghìn đồng/kg, măng khô có giá 220-250 nghìn đồng/kg.
Dân trí