Chẳng nhất thiết phải là cây đa cây đề, con voi con hổ to lớn mới có hạnh phúc, ngay cả những loài sinh vật tầm thường cũng vẫn có thể yên vui sống cuộc đời của chúng.

Mấy hôm nay, lúc tôi đang rửa bát, cứ thấy thằng lớn mon men đứng cạnh, nhìn mẹ, ra chiều bối rối. Có hôm nó hỏi: “Mẹ có việc gì cho con làm không?”. Tôi bảo nó đi lau nhà, thế là nó ngoan ngoãn chạy đi ngay. Mấy hôm liền như vậy. Tôi không hiểu vì lí do gì mà nó không chạy ra chỗ khác chơi như mọi ngày. Tôi bảo nó: “Con ra chỗ khác chơi cho mẹ rửa bát”. Nhưng nó cứ luẩn quẩn ở bên cạnh, rồi nó nói:

– Con không biết tại sao mà khi con thấy mẹ rửa bát con cứ thấy làm sao ấy.

Tôi hỏi:

– Con thấy làm sao?

Nó nói:

– Con không biết. Nhưng con thấy lúc bố với con với em bé không làm gì cả mà mẹ lại phải nấu cơm, rửa bát, con cứ thấy làm sao ấy.

Giả sử nó về nhà và khoe với tôi: “Con được giải nhất quốc gia rồi”, chắc tôi cũng không cảm thấy tự hào và vui mừng đến vậy. Sự áy náy không nỡ đó của nó cho thấy nó đã có khả năng để trở thành một con người bình thường, một con người nhìn thấy người khác lao động, phục vụ mình mà biết áy náy và mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ, dấu hiệu cho thấy nó đã biết nhìn rộng hơn bản thân mình.

Suốt mười năm cố gắng để không dạy con bất cứ điều gì to tát ngoài những thứ nhỏ bé bình thường, tôi đã nhìn thấy cái mầm sống thiện lương, hòa ái đó trong con đang lớn lên từng ngày.

Con trai chẳng có tài năng gì đặc biệt, ngoài chút đam mê về thể thao và khoa học. Người nó còi dí, tính lại hay xấu hổ, không bao giờ thích thể hiện bản thân trước đám đông, ăn nói thì lí nhí, học hành cũng rất đỗi bình thường, chưa từng được giải gì trên đời ngoài một lần ăn may được trao giải võ thuật của câu lạc bộ Taekwondo.

Nhưng tôi vô cùng tự hào vì con biết nhường nhịn, chan hòa với các bạn, biết cẩn thận gieo từng hạt đậu trên cái chậu nhỏ và vui mừng khi nhìn thấy chúng lớn lên, biết chăm sóc mấy em cây ngoài ban công, biết chơi với em cún Bông nhà hàng xóm, biết nhận ra khi nào mẹ ốm, mẹ mệt, mẹ buồn, biết nấu cơm và trông em lúc mẹ vắng nhà, biết gấp và phơi quần áo, biết tự giác làm bài tập không cần ai nhắc nhở, biết chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi.

Suốt mười năm cố gắng để không dạy con bất cứ điều gì to tát ngoài những thứ nhỏ bé bình thường, tôi đã nhìn thấy cái mầm sống thiện lương, hòa ái đó trong con đang lớn lên từng ngày. Và tôi rất tự hào về điều đó.

Tôi không kì vọng con có nhiều thành tích, thi đỗ trường nọ trường kia, cũng không đặt mục tiêu sau này con sẽ đi du học nước nào, được học bổng bao nhiêu. Chính bản thân tôi cũng chẳng dám chắc là liệu mình có làm được điều gì to tát hay không, nên chẳng dám chất lên lưng con những thứ to tát ấy. Cuộc sống rộng lớn, nhiều ngã rẽ, nhiều lựa chọn, tôi không đủ khả năng để biết trước đi đường nào thì sẽ tốt hơn cho con, tôi cũng không dám tự tin là mình đủ sáng suốt để định hướng.

Nhưng tôi hình dung cuộc sống giống như một khu rừng, nơi cây cao bóng cả lẫn những dây leo, cỏ dại, các loài ăn thịt khổng lồ dũng mãnh lẫn các loài côn trùng nhỏ bé đều có cơ hội được sống, đều có thể nương tựa vào nhau mà sống. Trong xã hội, chẳng có nghề nghiệp nào là đáng quý hơn nghề nghiệp nào, người mạnh kẻ yếu đều có thể vui sống, miễn là biết nương tựa vào nhau và sống trọn vẹn với phận sự của mình.

Sau này khi lớn lên, tôi cũng mong con tôi trở thành một con người bình thường như vậy. Dù con làm bất cứ công việc gì, chỉ cần con làm nó thật trọn vẹn, thật thành tâm.

Thời còn mới tốt nghiệp Đại học, gần nhà tôi có một bà bán dưa. Bà ấy muối dưa rất ngon, rất sạch. Cửa hàng của bà lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp. Tôi mua dưa nhiều đến nỗi thậm chí còn nhớ cả cái ánh sáng trong vắt thường hắt lên nền gạch luôn luôn được lau dọn rất tỉ mỉ. Khách đến mua dưa đông nghìn nghịt, tôi thường phải đợi rất lâu mới đến lượt mình. Hai mẹ con bà bán dưa tất bật nhưng mặt mũi lúc nào cũng rất tươi tỉnh, bình thản, tôi có thể cảm nhận được niềm vui và tự hào ánh lên trong ánh mắt của họ.

Khi có bầu bạn lớn, tôi nhờ một bác đến lau nhà. Bác lau sạch tới nỗi tôi rất thán phục. Tôi học được rất nhiều từ cách bác sắp xếp lần lượt từng công đoạn trước khi lau, cách bác vắt cái khăn, cách bác đưa những nhát chổi trên nền nhà. Có lần nhà tôi đóng cái tủ mới, 9 giờ tối mới xong, đồ đạc ngổn ngang bề bộn mà tôi lại có bầu bụng to đùng, nên khẩn khoản nhờ bác giúp. Tuy bác vừa mới đi làm về, còn đang ăn cơm, nhưng vẫn đạp xe tới dọn dẹp giúp tôi. Sự tận tụy đó khiến cho tôi thực sự quý trọng và biết ơn.

Từ khi làm luận án, tôi kết giao với một anh phô tô. Mỗi lần có tài liệu cần chỉnh sửa, in ấn, chỉ cần gửi email và gọi điện cho anh và hẹn giờ là bất kể lúc nào, dù đêm hôm khuya khoắt hay gấp gáp tới đâu, anh cũng hoàn thành một cách vô cùng cẩn thận. Sau này, bao nhiêu công việc cần phô tô in ấn, tôi đều tin cậy nhờ anh mà chưa một lần nào không hài lòng.

Những con người bình thường đó, tuy họ chẳng làm những công việc thật “sang chảnh”, chẳng có danh vọng hay quyền lực, nhưng họ đã làm cho cuộc sống vốn dĩ bề bộn, nhốn nháo của chúng ta trở nên lấp lánh.

Chẳng nhất thiết phải là cây đa cây đề, con voi con hổ to lớn mới có hạnh phúc, ngay cả những loài sinh vật tầm thường cũng vẫn có thể yên vui sống cuộc đời của chúng.

Sau này khi lớn lên, tôi cũng mong con tôi trở thành một con người bình thường như vậy. Dù con làm bất cứ công việc gì, chỉ cần con làm nó thật trọn vẹn, thật thành tâm, không chỉ vì mưu cầu lợi ích cá nhân mà còn vì mong muốn đem lại một giá trị tốt đẹp nào đó cho người khác. Chắc chắn con sẽ được mọi người quý mến, tin cậy và tôn trọng, con sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc của một đời sống có ý nghĩa.

Ngọn cỏ có niềm vui của ngọn cỏ, niềm vui mỗi sáng sớm được vươn mình lên đón ánh sáng mặt trời. Con chim sâu nhỏ bé cũng có niềm vui của nó, niềm vui mỗi ngày được hót vang lên giọng hót của chính mình. Giọt nước có niềm vui của giọt nước, niềm vui được hòa vào dòng chảy của suối, của sông. Chẳng nhất thiết phải là cây đa cây đề, con voi con hổ to lớn mới có hạnh phúc, ngay cả những loài sinh vật tầm thường cũng vẫn có thể yên vui sống cuộc đời của chúng. Không lẽ những con người bình thường như con trai lại không có đất tồn tại hay sao?

Nguyễn Ngọc Minh, Giảng viên Khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội.