Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
145 lượt xem

"Giếng không áp lực không chảy nước, trẻ không áp lực khó thành tài"

 Cha mẹ đặt kỳ vọng nhất định vào con, tạo ra áp lực nhất định cho con, đó cũng là một cách quan tâm yêu thương đối với con. Và đây cũng là một hình thức khích lệ, tạo dựng cho con sự tự tin, phát huy tối đa năng lực của bản thân mình

Bình thường, trẻ em có năng lực lớn hơn so với những gì chúng ta biết. Thực tế đã chứng minh, chỉ có 5% tiềm năng não bộ được sử dụng trong đời, còn lại 95% tiềm năng vẫn chưa được khai phá. Áp lực thích hợp sẽ là động lực khiến trẻ nỗ lực phấn đấu, khai phá khả năng của mình.

Giáo dục gia đình phải tạo được áp lực nhất định cho trẻ. Vấn đề then chốt là áp lực ấy cần ở mức độ nào, mỗi cá nhân, mỗi giai đoạn phát triển khác nhau cần tạo ra áp lực khác nhau. Do đó, cha mẹ cần lưu tâm những vấn đề sau:

Cha mẹ đặt kỳ vọng hợp lý

Cha mẹ kỳ vọng vào con chính là tạo áp lực cho con, kỳ vọng quá cao hay quá thấp đều không tốt.

Kỳ vọng hợp lý nhất của cha mẹ phải là điều mà con đạt được sau một quá trình nỗ lực phấn đấu. Kỳ vọng quá cao, trẻ có cố gắng thế nào cũng không trở thành hiện thực, sẽ nảy sinh sự thất vọng, không muốn tiếp tục cố gắng. Kỳ vọng quá thấp lại gây ra thiếu tự tin vào bản thân, lòng tự tôn suy giảm, trẻ cho rằng “năng lực của tôi chỉ có thế”. Dẫn đến hoài nghi, buông lỏng bản thân, thậm chí coi thường bản thân, mất đi tinh thần cầu tiến.

Việc này giống như hái quả trên cây vậy, không cần nhảy lên cũng có thể hái được quả làm cho người ta chây lười. Nhảy mãi vẫn không hái được quả làm người ta thất vọng, dùng hết sức nhảy lên và hái được quả mới có ý nghĩa, buộc người ta lần sau phải biết nhảy cao hơn. Cha mẹ đặt kỳ vọng vào con cũng vậy: không thể với tới sẽ khiến trẻ nhụt ý chí, thấp quá sẽ khiến trẻ coi thường, còn mục tiêu có tính thử thách sẽ thúc đẩy trẻ phấn đấu.

Mức độ giúp đỡ khi con gặp áp lực

Một đứa trẻ hoàn toàn không có chút áp lực nào thì khó tiến lên được phía trước. Nếu áp lực quá cao lại thiếu sự cổ vũ, khích lệ của cha mẹ thì cũng đáng ngại bởi vì trẻ sẽ cảm thấy đơn độc. Nhưng nếu áp lực thấp lại nhận được quá nhiều giúp đỡ thì trẻ cũng không phát huy hết tiềm năng của mình. Áp lực và khích lệ thích hợp sẽ giúp trẻ có thêm động lực phấn đấu bước đến thành công.

Để tạo cho con một áp lực thích hợp, cha mẹ cần quan tâm, khích lệ những tiến bộ con đạt được cũng như kịp thời uốn nắn khuyết điểm của con. Điều này vừa có thể xoa dịu áp lực, đồng thời tạo cho con sự tự tin phát huy sức mạnh của bản thân.

Hơn nữa, việc cha mẹ cùng con đối mặt với áp lực sẽ giúp con có nhận thức đúng đắn thất bại là mẹ thành công, nhận thức được sự khác nhau giữa thất bại và tạm thời trì hoãn, giúp con nhận ra nguyên nhân và quá trình thất bại. Đặc biệt cha mẹ hãy phát hiện và khẳng định những ưu điểm của con, nếu có thất bại thì cũng động viên con làm lại từ đầu.

Áp lực không phải là sự ngược đãi tinh thần

Tạo áp lực cho con là cần thiết, nhưng tạo áp lực và ngược đãi tinh thần là hai việc hoàn toàn khác nhau. Một số cha mẹ muốn con nỗ lực hơn nên châm biếm, uy hiếp, đe dọa, bỏ mặc không quan tâm… Đây chính là hành vi ngược đãi tinh thần tạo cho con vết thương tâm lý khó lành. Dần dần trẻ sẽ sinh ra tự ti, nhút nhát, nặng hơn có thể phạm tội.

Nếu cha mẹ chủ động tạo cho con một chút áp lực dựa trên thái độ ôn hòa, ngôn ngữ hòa nhã, đối thoại và chia sẻ. Thì những gì con cái báo đáp cha mẹ có thể sẽ là “vụ mùa bội thu”.

 

Bài viết cùng chủ đề: