Hơn 30 năm qua, hai ông bà tần tảo, làm lụng chỉ quẩn quanh nuôi hai đứa con “trời đày” nên cái nghèo cứ mãi đeo đuổi.

Cả đời khốn khổ vì bản thân bệnh tật, hai đứa con tâm thần, ngày chồng đột quỵ ra đi, bà Thau chỉ muốn quyên sinh. Nhưng, nhìn con, bà lại dằn lòng, chết rồi chỉ lo chúng không biết đi đâu, về đâu…

Đói khổ, bệnh tật bủa vây và những đứa con suốt ngày la hét… Đó là tất cả những gì gọi là cuộc sống hơn 30 năm qua của bà Lê Thị Thau, (thôn 1, xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa).

Bà Thau sinh được 3 đứa con thì 2 đứa bị tâm thần. Trước đây, nỗi vất vả cơ cực này còn có bàn tay đỡ đần của người đàn ông, thế nhưng trước Tết chồng bà ra đi sau cơn đột quỵ, bỏ lại vợ và những đứa con ngơ ngẩn.

Trong căn nhà cấp 4 tồi tàn, tối om, lạnh lẽo chẳng có vật dụng gì ngoài chiếc bàn thờ, hương khói vẫn còn nghi ngút. Nhìn chiếc di ảnh người cha một đời khốn khổ đặt lặng lẽ trên bàn thờ, thằng út cứ chỉ trỏ rồi lại cười phá lên. Mỗi tiếng cười, tiếng thét của con khiến bà Thau lại đau như đứt từng khúc ruột.

Thắp nén nhang thơm cho chồng, bà đứng không vững, 2 tay phải vịn vào bàn thờ rồi nức nở khóc. “Ông khổ quá nên bỏ đi trước đúng không. Ông đi rồi, tôi đau ốm thế này ai chăm cho thằng Tú, thằng Toàn đây?”, nói đến đó bà Thau đổ vật xuống nền nhà như bao nỗi tủi hờn, đớn đau đang giày xéo trái tim già nua, bất lực.

Hơn 30 năm con có mặt trên đời là chừng ấy năm bà Thau chưa có được một giấc ngủ trọn vẹn. Lúc nhỏ thì con ốm đau, lớn lên thì quậy phá, la hét, co giật. Mỗi ngày, mỗi đêm trôi qua với người mẹ đáng thương này như là một “cuộc chiến”, rất hiếm hoi có giây phút bình yên.

18 tuổi cả hai đứa con mới biết đi, chưa kịp mừng vì chúng có thể đi được thì bà Thau phải đối mặt với việc chúng liên tục bỏ nhà đi lang thang. Nhiều đêm, vợ chồng bà phải đi tìm con đến tứa máu chân, gọi con đến khản giọng. Bởi thế, nhiều năm nay, bà cắn răng xích con lại. Mỗi lần tự tay xích con, lòng người mẹ đau như thắt lại.

“Thằng anh tưởng nó không sống được vì lúc đẻ ra đến giờ thi thoảng lại lên cơn giật, giật đến mức lăn từ trên giường xuống đất. Ngày nó nhỏ còn bồng bế được, những năm sau này nó lớn, bố mẹ thì yếu, chỉ biết nhìn con thôi. Còn thằng em thì lúc nào cũng phải xích chân lại không thì nó bỏ đi, rồi phá phách, đánh người…”, nói rồi bà lại khóc, vật vã và oặt người như chính bà lúc nào cũng là người thất bại khi đối diện với nỗi đau hiện tại.

“Khi ông ấy còn sống, ngày nào cũng vệ sinh cá nhân cho từng đứa. Đói khổ quá, vất vả quá mà ông ấy ra đi… Từ ngày ông ấy mất, tôi thì ốm đau, bệnh tật, chân đi lại khó khăn, không làm được gì. Cả mấy miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy đồng trợ cấp.

Thằng con trai cả, trời cho bình thường nhưng nó cũng nghèo quá, cũng có đứa con bị khuyết tật cả đôi bàn tay… Không biết sao ông trời lại đày đọa gia đình tôi đến như vậy….”, dứt câu, bà Thau lại bật khóc, nước mắt giàn giụa kéo theo cả những cơn ho đau thắt lồng ng*c.

“Ngày xưa, ông nội chúng nó đi kháng chiến, tham gia ở mặt trận biên giới phía Bắc nhưng ông kể rất nhiều lần làm nhiệm vụ giao quân ở mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị… mỗi đợt đi như thế, ông ở khoảng 15 – 20 ngày. Không biết có phải các con, cháu tôi vì chất độc da cam mà ra nông nỗi này?”, bà Thau tâm sự thêm.

Hơn 30 năm qua, hai ông bà tần tảo, làm lụng chỉ quẩn quanh nuôi hai đứa con “trời đày” nên cái nghèo cứ mãi đeo đuổi. Bản thân bà Thau từ lâu mắc đủ thứ bệnh, từ viêm đa khớp, thoái hóa khớp gối, thoát vị đĩa đệm cho đến bệnh suy tim rồi mắt mờ nhưng cũng không có tiền đi viện điều trị.

Ngày chồng bà đột quỵ rồi ra đi, bà Thau cũng chỉ muốn quyên sinh đi theo chồng để chấm dứt mọi bất hạnh trên đời thế nhưng nhìn những đứa con ngây dại bà lại dằn lòng nuốt nước mắt vào trong.

Bà bảo, dù thương con đứt ruột gan nhưng giờ hoàn cảnh khó khăn quá, mắt cũng mờ rồi, chân đi lại khó khăn, việc chăm sóc phục vụ con không biết sẽ phải xoay xở ra sao. Mong muốn của bà Thau là được đưa các con vào Trung tâm bảo trợ xã hội.

Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ chia sẻ: “Gia đình bà Thau có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã. Hai con tâm thần, bản thân bà Thau thì bệnh tật quanh năm. Trước đây, ông chồng còn sống thì đỡ đần phần nào, giờ ông ấy chết rồi lại càng khó khăn hơn.

Địa phương cũng rất quan tâm, làm chế độ khuyết tật cho các cháu, mỗi cháu hưởng hơn 500.000đ/tháng. Những ngày lễ Tết thì động viên bằng những suất quà thôi chứ địa phương cũng khó khăn nên không hỗ trợ thêm được gì. Rất mong các nhà hảo tâm chia sẻ để bà mẹ phần nào bớt đi gánh nặng”.

Cuộc sống của ba mẹ con bà Thau cứ lặng lẽ trôi qua, ngày qua ngày… kéo theo bao nỗi nhọc nhằn, cơ cực, bữa đói, bữa no. Ông trời nhẫn tâm đày đọa cuộc đời bà, liệu bà còn lại gì khi sức tàn, lực kiệt khi ngày ngày vẫn phải chăm bẵm những đứa con điên…