Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng trong chiến lược phát triển, Hà Nội cần phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh.
Chiều 9/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến thăm, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ TP Hà Nội; việc thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ 14.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá Hà Nội đã đổi mới toàn diện phương thức lãnh đạo, giải quyết những vấn đề bức xúc dân sinh đến triển khai các nhiệm vụ chiến lược, khẳng định vị thế đầu tàu phát triển của cả nước. Ông mong muốn thời gian tới thành phố thực hiện đồng bộ 6 nhiệm vụ.
Trước hết, Hà Nội phải nhận thức đầy đủ tiềm năng, lợi thế vượt trội; nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm; xác định phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ môi trường; an ninh an toàn và hạnh phúc của nhân dân.
Triết lý phát triển của Thủ đô cần dựa trên 5 trụ cột: Văn hóa và con người; ba chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Tô Lâm, một trong số các nhiệm vụ quan trọng mà thành phố phải thực hiện là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ “then chốt”, bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác. Thành phố phải ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và thực hiện tinh gọn bộ máy, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền.
Ông cho rằng Hà Nội là Thủ đô, đô thị đặc biệt nên cần có hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi), nâng cao năng lực tài chính – ngân sách, huy động nguồn lực cho phát triển; có định hướng rõ nét về phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô.
Mục tiêu là chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử theo hướng bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống; phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội tổng thể. Việc cấp bách cần ưu tiên thực hiện ngay là giảm ùn tắc giao thông; xử lý các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu; cấp, thoát nước, chống úng ngập; xử lý chất thải, hạ tầng năng lượng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Hà Nội sắp xếp, phân bố các không gian phát triển kinh tế – xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển; lấy kinh tế đô thị là động lực chủ yếu, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị của người dân; sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thành phố cũng cần tiếp tục đầu tư đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế từ thành phố đến cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động của các bệnh viện quận, huyện; giải quyết căn bản tình trạng quá tải bệnh viện, phục vụ ngày càng tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hà Nội phải gắn kết hài hòa phát triển giữa đô thị và nông thôn, thúc đẩy liên kết vùng. Trong chiến lược phát triển, Hà Nội phải chú trọng phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái. Không gian nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, văn minh; gìn giữ, phát huy các giá trị của một số khu vực “làng trong phố”, không gian làng truyền thống Bắc Bộ, không gian văn hóa làng nghề… theo từng địa bàn cụ thể.
Ông mong muốn thành phố tiếp tục rà soát chỉ tiêu, nhiệm vụ, có giải pháp cụ thể, ưu tiên nguồn lực để thực hiện thành công các đột phá chiến lược, tháo gỡ ách tắc, điểm nghẽn, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu Thành ủy tập trung lãnh đạo đại hội đảng bộ các cấp đảm bảo tiến độ, chất lượng; chỉ đạo chuẩn bị và nâng cao chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, văn kiện Đại hội 17 Đảng bộ thành phố.
Công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy các cấp, có kế thừa, đổi mới; đề cao, coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý. “Phải phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những cán bộ tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, đã kinh qua thực tiễn, có thành tích, kết quả, sản phẩm công tác và quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ”, ông nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và coi đây là những định hướng quan trọng để cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân Thủ đô tiếp tục vận dụng và cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch công tác, tổ chức triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị của thành phố.
- Hà Nội tìm chủ đầu tư cho hai dự án khu đô thị gần 7.800 tỷ đồng
- Bỏ chạy sau 1 năm về quê tiếp quản "đất thừa kế": Vất vả, buồn chán và khó thích nghi
- Chồng sẽ không bao giờ có bồ nếu vợ hiểu và làm tốt những điều này
- Khi về già chỉ muốn có một ngôi nhà nhỏ, một mảnh vườn xinh: Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo sống đến cuối đời thế là đủ.
- Vỡ mộng nhanh “đổi đời” khi lao vào sốt đất ảo: Cần tránh “ôm” rủi ro trước các thông tin chưa xác thực.