Để đảm bảo lượng nước ổn định, phục vụ các hoạt động kinh tế – xã hội của thủ đô, Hà Nội lên kế hoạch xây dựng đập tràn trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống.
Thông tin được UBND TP Hà Nội cho biết tại báo cáo giải trình các nội dung được thẩm tra tại Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết về quy hoạch này vừa được thông qua tại kỳ họp chuyên đề HĐND TP Hà Nội sáng 29/3.
Trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đoàn Việt Cường đề nghị quy hoạch cần nhấn mạnh hơn các đột phá về hạ tầng giao thông, công trình ngầm, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Cùng với đó, thành phố cần kết hợp triển khai có hiệu quả việc di chuyển trụ sở làm việc của bộ, ngành, bệnh viện, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô.
Các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông. Đồng thời, quy hoạch cần có giải pháp đột phá để thu hút nguồn lực có phát triển hệ thống đường sắt đô thị.
Về giao thông, Ban Đô thị cho rằng quy hoạch cần có lộ trình, cơ chế đối với chuyển đổi giao thông xanh. Ngoài ra, thành phố chú ý mục tiêu về vận tải, hệ thống cao tốc cấp quốc gia, đường thành phố, xử lý các điểm đen, chỉ tiêu về an toàn giao thông và định hướng đến năm 2050.
Trong đó, báo cáo thẩm tra đề nghị UBND TP nghiên cứu, xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị quy hoạch cần nhấn mạnh giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường không khí, rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng, ô nhiễm tại sông, hồ và làm sống lại các hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa – lịch sử của thủ đô như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy.
Báo cáo giải trình thêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết quy hoạch đặt ra 4 khâu đột phá, trong đó có đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.
Cụ thể, thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy cải tạo, chỉnh trang, khai thác các khu phố cổ, phố cũ; cải tạo tổng thể khu chung cư cũ và nhà ở thấp tầng phát triển không theo quy hoạch trong khu vực theo mô hình TOD. Từ đó tạo lập các khu đô thị mới văn minh, hiện đại.
Hà Nội cũng đặt mục tiêu trước năm 2035, thành phố hoàn thành việc di dời trụ sở các cơ quan, trường học, viện nghiên cứu, cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch ra khỏi các quận nội đô lịch sử. Từ đó tạo quỹ đất cho phát triển không gian công cộng, văn hóa, đổi mới sáng tạo, bổ sung hệ thống trường học.
Cùng với kế hoạch “làm sống lại các dòng sông”, Hà Nội cho biết sẽ bảo vệ nghiêm ngặt không gian mặt nước để cải tạo cảnh quan, điều hòa tiêu thoát nước; kết hợp giải pháp bổ cập nước và giải quyết căn bản tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường nước.
Đáng lưu ý, UBND TP Hà Nội cho biết quy hoạch đề ra nhiệm vụ thực hiện giải pháp đột phá trong khai thác quỹ đất để sông Hồng thành trục cảnh quan, không gian văn hóa, du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí.
Theo đó, thành phố nghiên cứu, xác định hành lang thoát lũ, vị trí tuyến đê trong bối cảnh mới hiện nay, xây dựng đê mới “siêu hiện đại, siêu bền vững” để giảm diện tích chiếm đất và nâng cao chất lượng đê. Quỹ đất giữa đê mới và đê cũ được sử dụng để phát triển kinh tế – xã hội.
Cùng với đó, Hà Nội lên kế hoạch xây dựng đập tràn trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống để đảm bảo lượng nước ổn định, phục vụ các hoạt động kinh tế – xã hội của thủ đô.
- 2 vấn đề trẻ dễ gặp phải sau này nếu sống quá hiền lành, thật thà
- "Đổi đời" nhờ quyết định bán nhà đất gần 3 tỷ để chuyển lên chung cư
- Nếu là thiên tài nhí, trẻ sẽ có 4 dấu hiệu "rõ mồn một" này trước 3 tuổi, cha mẹ hãy thử kiểm tra con mình ngay
- BỐ UNG THƯ, MẸ SUY THẬN, NAM SINH ĐẠT 28,75 ĐIỂM ĐẠI HỌC KHÓ CÓ CƠ HỘI ĐI HỌC TIẾP
- 3 hành vi của cha mẹ khiến trẻ NỔI LOẠN: "Mỗi khoảnh khắc bạn nhìn thấy con, bạn cũng nhìn thấy chính mình".