Vướng mắc khi áp dụng các quy định khi xác định nguồn gốc đất, chênh lệch giá đầu đi, đầu đến… đang cản tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4.
Còn 19 điểm ngắt quãng, xôi đỗ
Dự án thành phần 2.1 xây dựng đường song hành Vành đai 4 Hà Nội dài khoảng 57km, đi qua các địa phương gồm huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, quận Hà Đông, huyện Thanh Oai và Thường Tín.
Ghi nhận của Lao Động trên công trường dự án những ngày đầu tháng 11.2024 cho thấy, 4 gói thầu xây lắp đã được các nhà thầu đồng loạt triển khai trên phần diện tích mặt bằng đã bàn giao với 32 mũi thi công (23 mũi đường, 9 mũi cầu).
Nhà thầu đang triển khai xử lý nền đất yếu, thi công cầu và hạng mục thảm bêtông nhựa bán rỗng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, tính đến hết tháng 10.2024, dự án thành phần 2.1 đã đạt sản lượng khoảng 36,86%.
Tuy nhiên hiện nay, trên phạm vi tuyến còn nhiều điểm ngắt quãng, “xôi đỗ” (khoảng 19 đoạn chưa được bàn giao mặt bằng với chiều dài khoảng 4,38km).
Tại gói thầu số 9 – gói thầu lớn nhất của dự án Vành đai 4, phạm vi thi công của nhà thầu còn 12 điểm vướng mặt bằng, gồm 10 điểm trên địa bàn Hoài Đức và 2 điểm tại Đan Phượng. Các công trình án ngữ mặt bằng chủ yếu là khu dân cư, nhà xưởng, hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi.
“Tiến độ giải phóng mặt bằng của địa phương đang chững lại, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhà thầu, trong khi Hà Nội yêu cầu phải hoàn thành toàn tuyến song hành trong năm 2025” – ông Nguyễn Hoàng Hải, Chỉ huy trưởng gói thầu số 9 nói với PV Lao Động.
Tương tự, một số đoạn mặt bằng tại gói thầu số 8, xây dựng đường song hành qua địa bàn hai huyện Sóc Sơn, Mê Linh; gói thầu số 10 qua quận Hà Đông, huyện Thanh Oai và gói thầu số 11 đoạn qua Thường Tín cũng chưa được địa phương bàn giao cho nhà thầu thi công.
Nhiều vướng mắc chờ tháo gỡ
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng Vành đai 4 đoạn qua Hà Nội đã phê duyệt và thu hồi đất đạt 98,15%, còn lại 14,77ha chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Di chuyển mộ đạt 97,65%.
Về giải phóng mặt bằng đất ở, hiện nay, khối lượng mặt bằng còn lại chủ yếu là đất ở trên địa bàn 5 quận, huyện: Hà Đông, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai gặp khó khăn do vướng mắc khi áp dụng Luật Đất đai năm 2024 và các quy định hiện hành.
Bên cạnh đó là vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc đất, chênh lệch lớn giữa giá đầu đi, đầu đến. Như ở Thanh Oai, người dân không đồng thuận; Đan Phượng chưa phê duyệt giá.
Về giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp, đất cơ quan, đất khác, hiện nay khối lượng mặt bằng chưa phê duyệt phương án tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hà Đông và một phần thuộc huyện Hoài Đức.
Nguyên nhân do khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định thời gian khấu hao tài sản doanh nghiệp…
Ban Quản lý dự án cho rằng, để có thể hoàn thành dự án đường song hành trong năm 2025, công tác giải phóng mặt bằng phải được các địa phương hoàn thành toàn bộ trong năm 2024.
Cơ quan này khẳng định sẽ phối hợp với các sở, ngành và địa phương tập trung giải quyết các vướng mắc, phấn đấu hoàn thành di chuyển hạng mục hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi trong quý IV/2024, hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ mặt bằng đoạn qua Hà Nội trong năm 2024.
- Mua nhà định bán kiếm lời, ai ngờ lỗ đậm: Vì không biết nắm bắt kịp cơ hội
- Lương 15 triệu/tháng, chồng muốn xây nhà cho bố mẹ ở quê
- Khánh Hòa: Vị tỷ phú nông dân này nuôi cá kiểu gì mà thu 20-30 tỷ, sắm 2 ô tô, tậu nhiều bất động sản?
- Sớm đánh thuế cao hơn với người chậm sử dụng, bỏ đất hoang
- Đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ – Ninh Bình tại Hà Nam