Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vừa được phê duyệt, Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam trong danh sách công trình văn hoá xây dựng mới.
Phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hoá
Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội phát huy mọi nguồn lực để phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa lớn và tiêu biểu của cả nước, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, các thành tựu văn hóa thời đại, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển bền vững Thủ đô.
Đặc biệt, theo quy hoạch, các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao. Hình thành thương hiệu một số sản phẩm văn hóa đặc trưng của Thủ đô. Phát triển các thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại, phù hợp với quá trình đô thị hóa và đáp ứng nhu cầu của mọi người dân.
Bên cạnh đó là nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, ưu tiên các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia.
Thành phố đồng thời nghiên cứu, đề xuất một số không gian văn hóa, di sản văn hóa có giá trị đặc biệt tiêu biểu đề nghị UNESCO ghi danh di sản thế giới, như: Khu di tích Cổ Loa, quần thể di tích và danh thắng Hương Sơn, di tích cầu Long Biên và phố cổ, thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, hệ thống di tích Hai Bà Trưng dọc theo tuyến sông Hồng… Giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm, xâm hại di tích lịch sử văn hóa.
Theo quy hoạch, thành phố nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị của các nhà hát nghệ thuật truyền thống; xây mới một số công trình là trung tâm biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Phát triển, khai thác có hiệu quả hệ thống bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, trường quay… thành không gian văn hóa – sáng tạo. Phát triển mạng lưới quảng trường, công viên, không gian công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân và khách du lịch.
Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 24-5-2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố chủ trương di dời, chuyển đổi công năng trụ sở một số bộ, ngành, cơ sở sản xuất để mở rộng không gian văn hóa sáng tạo, không gian công cộng, xây dựng Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam tại quận Bắc Từ Liêm.
Mạng lưới thư viện công cộng được phát triển rộng khắp, linh hoạt, phù hợp các địa bàn dân cư; đẩy mạnh thư viện số có khả năng kết nối, liên thông với mọi loại hình thư viện. Khuyến khích thành lập các bảo tàng, thư viện tư nhân. Thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu.
Hình thành không gian văn hóa sông Hồng
Theo quy hoạch, Không gian văn hóa sông Hồng được hình thành trên cơ sở xây dựng con đường di sản dọc hai bên sông để tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, giới thiệu cảnh quan thiên nhiên từ mọi miền của Tổ quốc.
Quy hoạch nêu cụ thể về việc nghiên cứu phát triển các công viên chuyên đề, không gian văn hóa, sáng tạo, nghệ thuật, giải trí và du lịch tại các bãi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế; hình thành các không gian tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật, triển lãm quốc gia và quốc tế theo định hướng mô hình đại lộ – quảng trường trên trục Hồ Tây – Cổ Loa; xây dựng công viên di sản tại không gian văn hóa Cổ Loa.
Danh sách các không gian văn hóa được phát triển, gồm khu vực phố cổ, phố nghề kết nối khu vực cầu Long Biên lịch sử; khu vực Hoàng thành Thăng Long kết nối khu trung tâm hành chính, chính trị đặc biệt Ba Đình và khu vực hồ Tây; không gian lịch sử – văn hóa Cổ Loa; không gian văn hóa đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ) kết nối đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh); không gian văn hóa xứ Đoài (thị xã Sơn Tây và vùng phụ cận); không gian văn hóa và danh thắng Hương Sơn (huyện Mỹ Đức); Thăng Long tứ trấn; không gian văn hóa tại các làng cổ và làng nghề truyền thống.
Thành phố xây dựng công viên di sản văn hóa danh nhân Tô Hiến Thành; nghiên cứu phục hồi các di sản văn hóa về vùng đất Ô Diên cổ, huyện Đan Phượng; nghiên cứu bảo tồn tuyến đường sắt kết nối khu vực phố cổ với ga Long Biên. Phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số tại các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức.
Một trong những định hướng phát triển khác là ứng dụng công nghệ số phục dựng các di tích lịch sử, di sản văn hóa trong môi trường số và không gian thực tế ảo; số hóa và lập bản đồ số các di tích được xếp hạng, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về văn hóa, nghệ thuật, bảo đảm kết nối, tích hợp đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.
Trong quy hoạch lĩnh vực văn hoá, Hà Nội định hướng đăng cai tổ chức thường niên các sự kiện nghệ thuật biểu diễn quốc tế, đưa một số sự kiện văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô trở thành các thương hiệu mang tầm khu vực và quốc tế; đồng thời huy động nguồn lực xã hội, có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các thành phần kinh tế và thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, vận hành, khai thác các công trình văn hóa, thể thao của thành phố.