Hà Nội đang thừa thiếu trường lớp cục bộ, thừa ở ngoại thành nhưng thiếu ở nội thành. Theo lộ trình, Hà Nội sẽ có thêm 30-35 trường THPT công lập trong thời gian tới.

Chỉ một ngày nữa, khoảng 2,3 triệu học sinh Hà Nội khai giảng năm học mới. Chia sẻ với phóng viên Dân trí trước thềm năm học mới, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở quán triệt, các cơ sở giáo dục tổ chức khai giảng trang trọng, tiết kiệm, đặc biệt quan tâm đến học sinh yếu thế, học sinh khó khăn, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau vì hoàn cảnh khó khăn không được tới lớp.

Chuyển cơ quan điều tra nếu xảy ra lạm thu

Lạm thu đầu năm học mới luôn khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Sở GD&ĐT quán triệt và có chế tài xử lý ra sao về vấn đề này, thưa ông?

– Vấn đề lạm thu trong trường học luôn gây bức xúc cho cha mẹ phụ huynh. Vì thế, Sở luôn có chỉ đạo rõ ràng, đồng thời quán triệt rõ trách nhiệm trước tiên thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Hà Nội: Sẽ chuyển cơ quan điều tra nếu xảy ra lạm thu trường học - 1
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội (Ảnh: Thanh Hải).
Quảng cáo của DTads

Ngay đầu năm học, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài chính có các văn bản hướng dẫn thu, chi trong trường học các cấp, sao cho công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ, những khoản nào không được phép sẽ không được thu.

Việc thu chi liên quan đến các hoạt động trải nghiệm hoặc các khoản thu mang tính xã hội hóa, nhà trường phải có đề án, được thông qua tập thể sư phạm nhà trường và cấp có thẩm quyền quyết định mới thực hiện.

Theo đó, hiệu trưởng hoặc lãnh đạo cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước đơn vị quản lý, thậm chí sẽ bị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nếu phát hiện sai phạm hoặc để xảy ra lạm thu trong trường học.

“Cuộc chiến” vào trường công ở Hà Nội chưa bao giờ hết căng thẳng. Ông có thể cho biết, năm học mới này, ngành giáo dục Thủ đô có phương án gì để giảm tải áp lực trường lớp?

– Năm học 2024-2025, quy mô giáo dục của thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh, dẫn đầu cả nước với 2.913 trường, gần 2,3 triệu học sinh, hơn 130.000 cán bộ, giáo viên.

Chuẩn bị đón năm học mới, thành phố tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng từng bước kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.

Hà Nội: Sẽ chuyển cơ quan điều tra nếu xảy ra lạm thu trường học - 2
Cảnh phụ huynh xếp hàng xuyên đêm để xin suất vào lớp 1 ở Hà Nội như năm trước đã không còn (Ảnh: Mạnh Quân).

Sẽ có thêm khoảng 30-35 trường THPT công lập

Nhiều năm nay, tỷ lệ trường THPT công lập ở Hà Nội chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của học sinh. Khoảng 3 học sinh thi lớp 10, có một em đỗ công lập vì thiếu trường lớp. Theo ông, làm sao để Hà Nội tăng thêm trường công, giúp giảm áp lực thi cử trong khi quỹ đất nội thành không tăng?

– Đây là vấn đề mà thành phố và dư luận, người dân rất quan tâm. Hiện số trường công cấp THPT trên địa bàn Hà Nội đang trong tình trạng thừa thiếu cục bộ, thừa ở ngoại thành nhưng thiếu ở nội thành, nhất là khu vực đô thị hóa nhanh.

Trước nhu cầu cấp thiết như vậy, thành phố đã dành nguồn lực phù hợp để xây dựng thêm các trường THPT.

Năm học này, Hà Nội có thêm 2 trường THPT đi vào hoạt động. Đến giai đoạn 2025- 2030, toàn thành phố sẽ có thêm khoảng 30-35 trường THPT công lập.

Hiện thành phố đã rà soát quỹ đất để khẩn trương xây thêm trường. Chẳng hạn quận Cầu Giấy, hiện đã dành quỹ đất và đang xây dựng thêm 3 trường THPT công lập. Tương tự, các quận Hoàng Mai, huyện Đông Anh…, đều đang tiếp tục xây dựng thêm trường THPT.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ có thêm 7 trường tiên tiến hiện đại, liên cấp từ tiểu học đến THPT được xây dựng trong thời gian tới. Hiện có 4/7 đơn vị đã được chấp nhận chủ trương đầu tư, điều này sẽ giúp các quận huyện đông dân cư, tốc độ đô thị hóa nhanh, có đủ chỗ học cho con em.

Theo tính toán, mỗi năm trung bình Hà Nội tăng thêm 40.000-50.000 học sinh các cấp. Trước mắt ngành giáo dục Thủ đô làm gì để giải quyết tình trạng quá tải lớp học, đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới, thưa ông?

– Trong 10 nhiệm vụ chủ yếu năm học 2024-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp.

Trong bối cảnh tốc độ gia tăng dân số nhanh, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường tham mưu với thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả việc rà soát bổ sung, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Sở cũng sẽ tăng cường tham mưu thành phố bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục; kiên trì và quyết liệt trong việc giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp học tại một số địa phương, nhất là tại các quận trung tâm; quan tâm sửa chữa, nâng cấp trường học, hệ thống nhà vệ sinh, cây xanh, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện.

Đồng thời, Sở tham mưu với thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, tiến tới có từ 80% đến 85% số trường học đạt chuẩn vào năm 2025 như chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đề ra.

Trân trọng cảm ơn ông!