Về bản chất, cầu Thượng Cát (Hà Nội) không giống cầu Thạch Hãn 1 (Quảng Trị) nhưng TP.Hà Nội vẫn giao cơ quan chức năng nghiên cứu phương án hình thái ngôn ngữ kiến trúc mới để ‘tránh việc dư luận cho rằng có 2 cầu giống nhau’.

Ngày 28.3, tại cuộc họp báo của UBND TP.Hà Nội, báo chí đề cập đến thông tin phương án kiến trúc đoạt giải nhất công trình cầu Thượng Cát mang tên “Cánh chim hòa bình” có sự tương đồng với bản thiết kế cầu Thạch Hãn 1 nên đề nghị TP.Hà Nội nêu quan điểm về vấn đề này.

Tại cuộc họp báo, Phó giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên cho biết dự án cầu Thượng Cát đã được tổ chức thi tuyển kiến trúc vào năm 2023 và hội đồng thi tuyển chọn ra 3 phương án để trao giải nhất, nhì, ba.

Sau khi có phản ánh cho rằng kiến trúc cầu Thượng Cát có nhiều sự tương đồng với kiến trúc cầu Thạch Hãn 1, Sở QH-KT Hà Nội đã phối hợp với hội đồng thi tuyển để báo cáo vụ việc này đến UBND thành phố.

Kết quả kiểm tra thể hiện 2 cầu này có sự khác biệt về bản chất chứ không phải giống nhau. Theo đó, về quy mô, các nhịp cầu cũng như trong bối cảnh, vị trí cảnh quan có sự khác nhau.

Theo ông Nguyên, dù đảm bảo quy trình thi tuyển nhưng thành phố đã giao Sở QH-KT Hà Nội hướng dẫn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội nghiên cứu phương án để thiết kế cầu Thượng Cát có ngôn ngữ, hình thể kiến trúc và hình thể nhịp cầu có sự khác biệt. Và phương án thiết kế mới này phải được Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP.Hà Nội thông qua.

“Các thành viên đang gửi lại ý kiến và đang trong quá trình tổng hợp, từ đó Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch thành phố sẽ ra kết luận để hoàn thiện, đảm bảo triển khai theo đúng chỉ đạo của thành phố. Theo đó, sẽ nghiên cứu phương án hình thái ngôn ngữ kiến trúc cầu Thượng Cát để có khác biệt, tránh việc dư luận cho rằng có 2 cầu giống nhau”, ông Nguyên cho biết thêm.

Dự án cầu Thượng Cát được HĐND TP.Hà Nội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng vào tháng 12.2023. Cầu có tổng chiều dài 5,22 km; trong đó, chiều dài cầu là hơn 4 m. Cầu chính vượt sông Hồng dài 600 m còn 2 đầu dẫn bắc, nam dài tổng cộng hơn 3,4 km. Tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 8.000 tỉ đồng.

Ngày 25.1, UBND TP.Hà Nội trao giải nhất cuộc thi thiết kế phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát cho Liên danh Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải và Công ty CP kiến trúc Lập Phương (Liên danh TEDI – CUBIC). Phương án “Cánh chim hòa bình” có 3 trụ cầu được thiết kế chiều cao 60 – 80 m, tượng trưng cho hình tượng những cánh chim đang tung cánh trên bầu trời, thể hiện cho tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội của thành phố phát triển đi lên.

Ngay sau khi phương án kiến trúc đoạt giải nhất được công bố, nhiều ý kiến cho rằng, kiến trúc “Cánh chim hòa bình” là một ý tưởng lấy lại từ cầu Thạch Hãn 1 (được TEDI thiết kế và đoạt giải nhất vào năm 2022).

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thành viên ban giám khảo cuộc thi, cho biết trong quá trình thi tuyển, hội đồng chưa biết đến cầu Thạch Hãn 1.

“Lúc chấm điểm, hội đồng chỉ thấy thiết kế cây cầu này (cầu mang tên “Cánh chim hòa bình” – PV) được. Giờ phát hiện ra thì tôi thấy 2 cây cầu giống nhau về hình thức kiến trúc, quy mô thì khác nhau”, ông Chính nói và cho biết cảm thấy “tự ái” nếu Hà Nội lại xây dựng cầu Thượng Cát đạo thiết kế cầu Thạch Hãn 1.