Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
182 lượt xem

Hà Tĩnh: Làm vườn đa canh, lão nông “đút túi” hơn 250 triệu đồng mỗi năm

Nhờ “mát tay”, cây ông Phúc trồng vụ nào cũng sai trĩu quả, đàn gia cầm khỏe mạnh, sản phẩm có chất lượng cao, an toàn nên được bà con trong vùng tiêu thụ hết.

Nhờ xen canh nhiều loại cây ăn quả, cây ngắn ngày kết hợp với chăn nuôi gia cầm và quyết tâm giữ nghề rèn truyền thống, lão nông Nguyễn Hữu Phúc (64 tuổi), ở tổ dân phố Phúc Sơn, phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vụ xuân mới đây, ông cùng vợ sản xuất 3 mẫu ruộng, thu về hơn 7 tấn lúa. Ruộng nhiều là vậy, song thu nhập chính của gia đình lại đến từ mảnh vườn rộng 4.000 m2.

Dù tuổi đã cao nhưng ông Phúc vẫn rất khỏe mạnh, vẫn chăm chỉ tham gia vào lao động sản xuất, ông chia sẻ:

“Khu vườn ban đầu giống như một quả đồi trọc, đất đai cằn cỗi do xói mòn lâu năm. Nhiều năm trước, tôi đã có quyết tâm cải tạo toàn bộ để trồng cây ăn quả nhưng do thiếu vốn, lại thiếu phương pháp nên không có nhiều hiệu quả. Dù vậy, vợ chồng tôi quyết tâm cải tạo từ từ, lấy ngắn nuôi dài. Ban đầu, chúng tôi trồng một số loại cây có thể thu hoạch nhanh như chè, táo, dứa để có thu nhập trang trải cuộc sống. Lâu dần, tôi góp vốn và tiếp tục đầu tư. Do vườn có độ dốc cao nên chúng tôi cải tạo theo mô hình bậc thang để tránh xói mòn. Về sau tôi trồng thêm cây dài ngày như bưởi, hoa đào cảnh, chanh… kết hợp với chăn nuôi gia cầm như gà, vịt, ngan, bồ câu và nuôi cá…”.

Lợi thế của việc sản xuất đa canh là cho thu nhập quanh năm, mùa nào quả nấy. Hơn nữa, trường hợp giống cây này mất mùa hoặc mất giá thì có cây, con khác bù vào, gia đình ông Phúc không năm nào phải lo thất thu.

Ông Phúc chia sẻ tiếp: Trong sản xuất nông nghiệp, khoa học công nghệ là rất quan trọng, nếu vẫn coi “con trâu là đầu cơ nghiệp” thì người nông dân chỉ làm đủ ăn, khó vươn lên làm giàu. Bởi vậy, tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy móc sản xuất. Nhờ vậy, dù làm đến 3 mẫu ruộng lúa, vợ chồng tôi vẫn khỏe re. Không chỉ máy cày, tôi còn đầu tư 100 triệu đồng để mua máy móc giữ nghề rèn.”

Gia đình ông Phúc có thu nhập trung bình mỗi năm khoảng 250 triệu đồng bằng tinh thần sáng tạo và lao động cần cù. Nói về doanh thu, ông phấn khởi: “Lúa sản xuất được tôi vừa để làm thực phẩm vừa làm thức ăn chăn nuôi. Hơn 100 gốc bưởi mỗi năm cho thu hoạch gần 50 triệu đồng, nhiều giống cây khác cùng với đàn gia cầm, ao cá cũng cho thu nhập ổn định hơn 150 triệu đồng/năm. Vài năm nữa khi vườn cây trưởng thành năng suất sẽ cao hơn và lợi nhuận theo đó dự kiến cũng sẽ tăng lên nhiều lần.

Cùng với làm vườn, lò rèn của tôi mỗi năm sản xuất hàng nghìn sản phẩm phục vụ nhu cầu cho bà con địa phương với thu nhập đạt hơn 50 triệu đồng”.

Bài viết cùng chủ đề: