Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
128 lượt xem

Hái lá tre thu tiền triệu mỗi ngày: Nghề này không mất vốn, cho thu nhập gấp cả chục lần trồng lúa

Nghề hái lá tre của người dân thôn Đồng Chiêm (An Phú, Mỹ Đức) có từ hơn 30 năm nay, giúp họ xóa đói, giảm nghèo và nuôi con cái ăn học nên người.

Chị Bạch Thị Phi (50 tuổi) cột cao mái tóc rồi nổ máy, cùng chồng là anh Đặng Văn Dương chạy gần chục km đến rừng bương, bắt đầu một ngày hái lá như họ đã làm hơn 30 năm nay. Lá ở thấp họ với tay hái. Lá trên cao họ dùng sào dài, buộc liềm cắt xuống. Càng vào sâu trong rừng, lá càng dày nên vợ chồng chị Phi đeo găng tay, mặc áo trùm kín mít tránh lá cứa vào mặt.

“Không phải loại lá tre nào cũng bán được. Lá dùng để gói bánh nên cần không quá già, không quá non, không bị cháy xém, bản lá càng to, màu đẹp thì càng bán được giá cao”, chị nói.

Hai vợ chồng xếp rồi buộc lá thành từng bó, nhét vào bao tải. Trong rừng, hơn chục người làng Đồng Chiêm khác cũng bắt đầu ngày mới giống họ. Ở rừng xuyên ngày, mọi người nắm cơm, xôi và nước uống đủ cho bữa sáng, trưa.

“Hai héc ta đất ở rừng bương (tre) của gia đình tôi có từ thời ông bà khai hoang. Trước đây chúng tôi trồng sắn, khoai, nhưng từ khi lá tre bán được tiền, chúng tôi dành đất cho cây này phát triển”, chị Phi vừa hái lá nói.

Mỗi đầu năm, thu hoạch hết lá, chị phát hết một lượt để cây đâm nhánh mới, lá sang năm to và nhiều hơn. Những gia đình không có đất ở rừng phải tản khắp nơi tìm lá.

Chiều xuống, khi hai bao tải đầy lá bương, vợ chồng chị Phi cõng lên lưng, đi bộ xuống núi. Đường dốc, nhiều đá, chân họ bước chậm, những ngón chân co lại, bám mặt đường. Trời mùa đông nhưng quần áo hai người ướt như vừa nhúng nước.

Lá bương hái về được nhúng nước cho tươi, sau đó nhập cho đại lý, giá 12.000-14.000 đồng một kg, tùy chất lượng. Hôm 15/12, vợ chồng chị Phi hái được 60 kg lá tươi, tổng thu hơn 800 nghìn đồng.

“Nghề này chỉ tốn sức, không mất vốn, cho thu nhập gấp cả chục lần trồng lúa. Vào chính vụ từ tháng 6 đến tháng 8, vợ chồng tôi kiếm trung bình hơn một triệu mỗi ngày”, chị Phi nói.

Nghề hái lá bương ở An Phú có từ đầu những năm 1990. Hồi đó, bà Đặng Thị Triệu, một người làng Đồng Chiêm thấy dân làng Phú Hiền, xã Hợp Thanh đi hái lá trong rừng bán cho thương lái, cải thiện thu nhập lúc nông nhàn nên học cách xử lý lá tươi, móc mối với các chủ buôn, mong thoát cảnh đói nghèo.

Vài năm sau, khi chắc kỹ thuật phơi sấy, tìm được mối thu mua lớn, bà Triệu bàn với chồng vay 500.000 đồng (giá khi đó hơn một chỉ vàng) từ Hội Phụ nữ xã làm vốn. Từ đó, bà đi khắp trong làng, ngoài xã cho đến địa phận huyện Lương Sơn, Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình), lên Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang để thu mua lá tre và sắm lò sấy chuyên dụng.

Buôn bán dần có tiếng, nhiều người trong làng tự mang lá tới bán. Nhiều lần lá chất thành đống, chật kín nhà, bà Triệu phải thuê hàng chục nhân công đến sấy, phân loại thành phẩm. Lá sau sấy được xuất khẩu đi Nhật Bản, Trung Quốc… Trung bình mỗi vụ, cơ sở của bà xuất được 100-200 tấn lá, doanh thu mỗi năm ước tính vài tỷ đồng. Ở Đồng Chiêm, ngoài gia đình bà Triệu, nay có thêm 2 hộ mở đại lý thu gom lá.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 8 tháng năm 2022, Việt Nam thu lượng ngoại tệ lớn từ việc bán đủ các loại lá, trước chỉ để làm thức ăn cho gia súc hoặc bỏ đi. Chỉ tính riêng tháng 8, xuất khẩu các loại lá của Việt Nam đạt 1,1 triệu USD, tăng 35,8% cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng, Việt Nam thu hơn 6 triệu USD nhờ xuất khẩu lá chuối, lá tre, lá diễn… Giá trị xuất khẩu của riêng lá tre trong 8 là 1,092 triệu USD.

Trên các trang thương mại điện tử nước ngoài như Alibaba, lá tre của Việt Nam thường được bán sỉ, giá 3-5 USD một kg. Giá bán lẻ từ 7-10 USD kg. Hiện giá của lá tre Việt Nam cạnh tranh nhất so với các quốc gia xuất khẩu khác như Ấn Độ, Nhật Bản.

Trung bình mỗi tháng, vợ chồng chị Phi thu khoảng 20 triệu từ nghề hái lá tre này. Nghề hái lá giúp vợ chồng chị nuôi ba con ăn học, xây được hai ngôi nhà hai tầng kiên cố. “Đến bây giờ, đây vẫn là thu nhập chính của gia đình tôi, bên cạnh hơn một mẫu lúa”, chị nói.

Lá tre cũng giúp gia đình bà Triệu đổi đời, có của để dành và nuôi bốn con ăn học nên người. Ngoài làm kinh tế, bà cũng tạo công ăn việc làm cho hàng chục người trong làng xã và các tỉnh lân cận nhờ thu mua lá tươi, thuê nhân lực sản xuất.

Mang lại thu nhập, nhưng người lái lá tre cũng phải đánh đổi nhiều. Không ít lần vợ chồng chị Phi đụng phải rắn, rết trên rừng. Nhưng sợ nhất với họ là đưa được những bao tải lá nặng hơn trọng lượng cơ thể, từ trên cao xuống. “Mùa đông đi hái còn đỡ mệt, mùa hè vác nặng khiến tôi kiệt sức. Cứ hái lá khoảng ba ngày hai vợ chồng lại nghỉ một ngày cho lại sức”, chị nói.

Chị Đặng Thị Châu, 52 tuổi, đến với nghề hái lá tre từ năm 20 tuổi. Sáng nào hai vợ chồng cũng đèo nhau lên rừng. Nhưng tuổi cao, mỗi ngày phải đi bộ gần chục cây số, vác nặng, leo qua nhiều đoạn đường lởm chởm đá nên 10 năm nay, chị Châu bỏ nghề, chuyển sang bán tạp hóa. “Bọn trẻ bây giờ tỏa đi thành phố làm nghề hết, chỉ người già, trung tuổi mới lên rừng hái lá”, chị kể.

Ông Bùi Văn Chuyện, chủ tịch UBND xã An Phú cho biết, nghề hái lá bương là một trong những nghề phụ ở xã, giúp người dân có thêm thu nhập lúc nông nhàn. Tuy nhiên, công việc nguy hiểm do leo rừng cao, hiểm trở nên chính quyền không khuyến khích người dân làm nghề.

“Mấy năm trước, có người địa phương vì trèo hái lá bương mà qua đời, nên người làng e ngại hơn, nhiều người cũng đã bỏ nghề”, ông Chuyện nói.

Bài viết cùng chủ đề: