Hai dự án giao thông tổng vốn gần 2.000 tỉ đồng ở Hà Nội đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thiện, thông xe kỹ thuật vào 10.10.2024. Năm 2018, Hà Nội khởi công dự án xây dựng tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư phường Ngọc Thụy (quận Long Biên). Công trình có chiều dài 1,5 km, tổng mức đầu tư 1.200 tỉ đồng, do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư. Trong đó, hơn một nửa dành cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Theo thiết kế, tuyến đường có mặt ngang 40 m, 6 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2020 song do gặp một số vướng mắc, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng nên chậm tiến độ. Sau 6 năm triển khai thi công, đoạn tuyến đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục chính, người dân đã có thể di chuyển từ nút giao Nguyễn Văn Cừ – Hồng Tiến đến nút giao Ngọc Thụy và ngược lại. Các hạng mục như vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, cây xanh… trên tuyến đã hoàn thiện. Điểm nhấn của tuyến đường là cầu vượt thép tại nút giao Hồng Tiến – Nguyễn Văn Cừ có chiều dài và đường dẫn khoảng 400 m, được thiết kế 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, đã hoàn thành và chờ kết nối. Hiện, đoạn cuối dự án (giao với đường Ngọc Thụy) vẫn chưa hoàn thiện vì còn vướng một hộ gia đình với diện tích hơn 300 m2. Chủ đầu tư cho biết, đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng trường hợp còn lại để thi công hoàn thiện toàn dự án, dự kiến thông tuyến dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2024). Công trình hoàn thành tạo ra tuyến đường thông suốt từ cầu Đông Trù đi qua các phường Thượng Thanh, Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn nối với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Một công trình giao thông quan trọng khác ở Hà Nội dự kiến cũng sẽ hoàn thành dịp 10.10 tới đây là dự án xây dựng đường Lê Quang Đạo kéo dài. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 700 tỉ đồng, trong đó phần giải phóng mặt bằng hơn 163 tỉ đồng, xây lắp hơn 542 tỉ đồng và một số chi phí khác, do UBND quận Nam Từ Liêm làm chủ đầu tư. Điểm đầu tại nút giao Lê Quang Đạo – Đại lộ Thăng Long, điểm cuối tại Khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông). Theo thiết kế, tuyến đường sẽ có tiêu chuẩn đường liên khu vực, với vận tốc thiết kế 60 km/h. Quy mô mặt cắt ngang đường điển hình 40 m, đoạn khớp nối với Đại lộ Thăng Long (dài khoảng 110 m) có bề rộng mặt cắt ngang 100 m. Ghi nhận của Lao Động, sau gần 2 năm thi công, đoạn giao cắt với Đại lộ Thăng Long đến phố Đại Linh dài gần 900 m đã cơ bản hoàn thành thảm nhựa mặt đường, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, cống ngầm. Người dân đã có thể di chuyển đi lại, tập thể dục, thể thao. Với đoạn tuyến còn lại từ nút giao Đại Linh đến Khu đô thị Dương Nội dài hơn 1,5 km, hàng chục máy móc, công nhân được chủ đầu tư, nhà thầu huy động thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án. Trên tuyến có cây cầu bắc qua sông Nhuệ cũng đã cơ bản hoàn thiện hạng mục chính. Dự án khi hoàn thành với 6 làn xe giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai quận Nam Từ Liêm và Hà Đông, giảm tải áp lực giao thông cho nhiều tuyến đường như Tố Hữu, Sa Đôi, đồng thời kết nối nhiều khu đô thị phía Tây thành phố.