Với mong muốn tạo công ăn việc làm cho nhiều người, ông trở về quê hương Nha Trang và đầu tư vào sản xuất công nghiệp những mặt hàng phù hợp để xuất khẩu, thay vì sản xuất thời trang hay tiêu dùng trong nước.

Trước khi trở về Việt Nam và trở thành “vua hàng hiệu”, nổi tiếng với những dự án đầu tư lớn, đóng góp ý nghĩa cho đất nước, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng có quãng thời gian khởi nghiệp tay trắng, thậm chí làm thêm bằng việc lao động chân tay ở nước ngoài để có tiền ăn học…

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn – người được mệnh danh là “vua hàng hiệu” với việc nắm quyền phân phối hơn 100 thương hiệu xa xỉ quốc tế, là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước đầu tư và thành lập Công ty Liên Thái Bình Dương (IPPG), hiện có mạng lưới hoạt động tại 6 quốc gia bao gồm Việt Nam, Mỹ, Úc, Hongkong, Singapore và Philippines.

Đến nay, dưới sự dẫn dắt của ông, IPPG đã hợp tác đầu tư nhiều dự án trên toàn quốc với tổng số vốn lên đến hàng trăm USD và mang lại hơn 25.000 việc làm cho lao động Việt Nam; điển hình là cải tạo Tràng Tiền Plaza (IPPG đầu tư 400 tỷ đồng, mời đầu tư quốc tế 3.000 tỷ đồng), Khu phi thuế quan Phú Quốc 101 ha (tổng chi phí dự kiến 6.830 tỷ đồng).

“HÃY BẮT ĐẦU BẰNG NHỮNG VIỆC THẤP, ĐI TỪNG BƯỚC, VỪA HỌC VỪA LÀM ĐỂ TÍCH LŨY KINH NGHIỆM”

Trong một cuộc phỏng vấn với FBNC, ông Johnathan từng chia sẻ, ước mơ du học đã nhen nhúm kể từ khi ông còn là cậu trò nhỏ: “Khi còn đi học trung học ở Nha Trang, mỗi buổi trưa hè tan trường tôi thường ngồi trên bãi biển. Theo bản đồ thế giới, từ vùng biển Nha Trang nhìn thẳng qua là Manila, từ đó lại nhìn thẳng ra San Francisco miền Tây nước Mỹ. Khi đó, tôi đã bắt đầu ước mơ được xuất ngoại…”.

Cũng vào những năm tháng học trò tại quê nhà, ông Hạnh đã khởi nghiệp lần đầu tiên với việc bán xe máy một cách rất tình cờ. Trong sự kiện giao lưu với sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM, ông Hạnh kể: “Trong một lần chơi đá bóng với bạn, tôi vô tình làm quả bóng bay vào một trại đóng quân của binh sĩ nước ngoài. Tôi liền chạy xe máy tới đó để vào xin lại quả bóng. Nhưng đến cổng gác thì bị lính chặn lại. Sau khi trình bày lý do, người sĩ quan lại ngỏ ý muốn mua chiếc xe máy của tôi, nhưng tôi không đồng ý bán vì đây là chiếc xe do bố tôi tặng.

Tuy nhiên, ngay lúc đó trong đầu tôi đã lóe lên một ý tưởng là tại sao mình lại không đi mua xe tại cửa hàng rồi về bán lại cho ông sĩ quan này để kiếm lời vì khi đó binh lính ở đó không được phép ra phố để mua sắm. Khi biết được người sĩ quan này rất muốn mua xe, tôi liền chạy thẳng ra cửa hàng bán xe hỏi giá. Ngày đó, giá một chiếc xe HONDA DD 70 là 34 nghìn đồng, tôi về báo cho ông sĩ quan là 36 nghìn đồng và ông ta đồng ý mua, thế là tôi lãi 2 nghìn đồng ngay từ lần kinh doanh đầu tiên”.

Ông cho biết, khi đó, trong người mình không có tiền, vị sĩ quan chưa tin tưởng nên chỉ cọc trước 10 nghìn. Ông Hạnh đem 10 nghìn này tới cửa hàng xe máy cọc lại cho chủ cửa hàng, yêu cầu ông ấy đem xe giao cho khách và nhận nốt số tiền còn lại.

“Cũng rất may cho tôi là lần đó cả ông sĩ quan và ông chủ cửa hàng xe máy đều tin tưởng tôi, nhờ vậy mà lần kinh doanh đầu tiên của tôi đã thành công và tôi đã kiếm được khoản tiền lời nhiều hơn một tháng lương của một cán bộ nhà nước lúc bấy giờ. Sau lần đó cả doanh trại binh sĩ trên 200 người liên tục đặt hàng vậy là tôi trở thành anh buôn xe máy từ đó.”, vị doanh nhân hồi tưởng.

Ông cho rằng đó là bài học đầu tiên của mình về khởi nghiệp: “Không bột vẫn gột nên hồ” và “mượn đầu heo nấu cháo”. Theo chia sẻ của “vua hàng hiệu”, ông được thừa hưởng đam mê kinh doanh của cha.

“Cha tôi từng là một thợ may, đưa vợ con từ quê ra thành phố cũng chỉ với một chiếc máy may đó. Ba tôi may để nuôi gia đình và làm vốn để kinh doanh thêm nhiều ngành hàng khác. Ba dạy tôi kinh doanh từ thời còn học trung học. Nghỉ hè, tôi đi theo ba làm ăn, từ vào rừng bào gỗ cho đến đàm phán với các đối tác nước ngoài…”, ông Hạnh kể.

Khi việc kinh doanh xe máy đang thuận lợi, ông vẫn quyết định dừng lại và tiếp tục con đường phấn đấu sang Mỹ du học của mình với quan niệm sự học vẫn là trên hết. Sau khi đặt chân tới Đại học Seatle, Mỹ, để có tiền sinh hoạt và đi học, ông đã phải đi làm 3, 4 nghề, kể cả rửa xe…

Lần khởi nghiệp thứ hai là khi ông đã tốt nghiệp Đại học ở Mỹ và được nhận vào làm Thanh tra tài chính của hãng Boeing, khi đó lương của ông đã được trên 100 nghìn USD/năm, đây là mức lương mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, ông lại có suy nghĩ: “Nếu cứ bằng lòng với công việc làm thuê cho một hãng như vậy thì mãi mãi cũng chỉ là một người làm thuê…”

Ông bèn bàn với vợ, đem hết số tiền dành dụm được thuê một căn nhà, mua một chiếc xe tải cũ để kinh doanh cửa hàng bách hóa. Thời gian đầu công việc kinh doanh rất khó khăn, để có hàng bán, ông phải chạy xe suốt 8 giờ đồng hồ để chở hàng về bán. Sau một thời gian, nhờ nắm bắt được nhu cầu của cộng đồng người Việt, công việc kinh doanh của ông mới dần dần thuận lợi. Khi đã có tài sản là nhà cửa, máy móc, ông đem thế chấp vào ngân hàng để vay vốn tiếp tục kinh doanh.

Nói về quãng thời gian khởi nghiệp khó khăn như bao người khác, ông Hạnh chia sẻ: “Chúng ta hãy bắt đầu bằng những việc thấp, đi từng bước, vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm. Không có nghề nào là xấu, chỉ có người xấu. Chúng ta đừng sợ người khác đánh giá mình nghèo hay làm những việc nhỏ, những việc có vẻ nhếch nhác… Hãy dứt bỏ mặc cảm của mình! Tích tiểu thành đại, các bạn sẽ thành công!”.

“TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ HỐI HẬN VÌ QUYẾT ĐỊNH QUAY VỀ”

Trước khi về Việt Nam, ông vẫn vừa kinh doanh và vừa làm việc cho hãng Boeing. Công việc đang thuận lợi thì vào giữa thập niên 80, ông quyết định từ bỏ cuộc sống êm đềm ở nước ngoài để về Việt Nam lập nghiệp. Đây là quyết định khiến nhiều người quen biết ông khi đó ngỡ ngàng. Ông Hạnh kể, bước ngoặt cuộc đời đến với ông từ sau một lần đưa vợ con về thăm quê Nha Trang.

“Năm đó, tôi đưa vợ và các con về Việt Nam thăm quê. Vừa tới nhà được 2 ngày thì các con tôi bị ốm. Đưa đi khám thì người ta nói đã ở vào giai đoạn 3, điều kiện lúc đó của chúng ta còn chưa được tốt. Tôi đã rất xót xa với ý nghĩ rằng con mình hoàn cảnh gia đình không đến nỗi nào còn như vậy, còn hàng triệu đứa trẻ khác trên đất nước này thì sao… “, ông Hạnh hồi tưởng.

Theo ông Hạnh, đó chính là một trong những động lực lớn nhất khiến ông trở về Việt Nam với quyết tâm có thể làm được điều gì đó cho đất nước của mình.

Ông quả quyết: “Tôi sẽ không bao giờ hối hận về quyết định này!”. Ông Hạnh chia sẻ, nỗ lực tột cùng của ông trong việc giúp Việt Nam mở đường bay thẳng với Manila sau đó cũng xuất phát từ mong muốn những đứa trẻ khác có được điều kiện chăm sóc tốt hơn.

Mới đây, tại sự kiện Café Doanh nhân HUBA, “vua hàng hiệu” chia sẻ: “Cách đây 35 năm, tôi về nước với ba chục triệu USD, số tiền đó phải tương đương với 3 tỷ USD bây giờ. Một căn nhà trên phố Nguyễn Huệ khi ấy chỉ chừng 5.000 – 10.000 USD.”

Với mong muốn tạo công ăn việc làm cho nhiều người, ông trở về quê hương Nha Trang và đầu tư vào sản xuất công nghiệp những mặt hàng phù hợp để xuất khẩu, thay vì sản xuất thời trang hay tiêu dùng trong nước.

“Nhà máy sản xuất khoá kéo với hơn 1000 lao động ở Nha Trang đầu tiên là của tôi, sau đó là nhà máy thủ công mỹ nghệ với 6000 lao động; đều để xuất khẩu sang nước ngoài. Tôi muốn tạo thật nhiều công ăn việc làm cho bà con”, ông Hạnh chia sẻ với FBNC.

Sau đó, với tầm nhìn nhạy bén của một doanh nhân và mong ước phát triển quê hương, ông Hạnh đầu tư vào dịch vụ du lịch với dự án khách sạn Nha Trang Lodge, quy mô 14 tầng, tiêu chuẩn 3 sao, vốn đầu tư gần 10 triệu USD. Vào thời điểm đó, đây là dự án khách sạn cao nhất miền Trung và là điểm nhấn cho cả thành phố Nha Trang. Đến năm 2016, ông tiếp tục đầu tư xây dựng nhà ga quốc tế Cam Ranh, góp phần phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, tạo tiền để để thu hút các nhà đầu tư khác.

Theo “vua hàng hiệu”, có nhiều dự án mình đầu tư không hoàn toàn vì lợi nhuận mà là do cảm thấy cần thiết cho quê hương.

Ông Hạnh từng chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp: “Tôi không ‘chơi ngông’, liều lĩnh hay thiếu suy nghĩ để chi 400 tỷ đồng cải tạo, mời nhà đầu tư quốc tế góp 3.000 tỷ đồng vào Tràng Tiền Plaza. Bởi với tôi, Tràng Tiền Plaza không đơn giản là một trung tâm thương mại mà còn là khát vọng một đời của một người con xa xứ”.

“TÔI CẦN CHỨNG MINH CHO THẾ GIỚI RẰNG VIỆT NAM KHÔNG NGHÈO, CŨNG BIẾT XÀI ĐỒ HIỆU”

Ông Hạnh cho biết, con đường trở thành “vua hàng hiệu” là một duyên nợ, bắt nguồn từ việc làm trong ngành hàng không, kinh doanh cửa hàng miễn thuế và chuỗi bán lẻ tại sân bay, cho đến sau này đầu tư vào trung tâm thương mại Rex Arcade (TP.HCM) và Tràng Tiền Plaza (Hà Nội).

Tuy nhiên, quá trình đó không hào nhoáng như mỹ danh mà mọi người dùng để đặt cho ông Hạnh. Ông chia sẻ, đầu tư vào hàng hiệu ban đầu rất tốn kém. Mỗi cửa hàng đều phải cam kết với thương hiệu về mức đầu tư – có khi lên tới 4 triệu USD để đảm bảo diện tích mặt bằng đạt tiêu chuẩn, đổi thiết kế mỗi năm…; hơn nữa phải mua hàng và trả trước, không bao giờ giảm giá và tiêu huỷ hàng tồn để giữ uy tín.

Nhưng cũng nhờ sự khắt khe này mà các thương hiệu xa xỉ luôn có nhiều “tín đồ” săn đón trên toàn thế giới, Việt Nam trong giai đoạn mở cửa và hội nhập cũng không ngoại lệ.

“Các thương hiệu lớn thường không ra nhiều sản phẩm, hạn chế số lượng ở mỗi quốc gia. Giả sử mỗi khi có bộ sưu tập mới, chúng tôi sẽ gửi thông tin đến 3000 khách hàng, có khi chỉ cần 10% đến mua, chỉ trong 3 ngày là bay hết không còn một món hàng.”, ông Hạnh lý giải với FBNC.

Theo ông Hạnh, để nhận được sự tin tưởng từ các đối tác lớn trên thế giới, đã có lịch sử hoạt động hàng trăm năm, cần phải tuyệt đối giữ chứ tín và hình ảnh đẹp.

Ông Hạnh nói: “Phải làm sao để họ nhìn vào những hành động của mình mà tin tưởng. Đầu tiên là phải luôn tuân thủ luật pháp, quy định của Việt Nam; luôn quan tâm tới nhãn hiệu, không hạ giá đi trái với nguyên tắc của họ. Trong văn phòng của tôi, bên tay trái tôi là chữ ‘Nhẫn’, bên tay phải là chữ ‘Tín’. Tôi có làm việc thêm 30 năm nữa cũng sẽ vẫn như vậy!”

“Nhu cầu của tôi chỉ cần một chiếc Rolls Royce, một căn nhà có 2 phòng ngủ là đủ; nhưng cần phải tiêu xài vì mục đích đối ngoại. Với đặc thù ngành kinh doanh của tôi, tôi cần chứng minh cho thế giới rằng Việt Nam không nghèo mà cũng biết ‘chơi’, biết xài đồ hiệu.”

Vị doanh nhân chia sẻ, ông từng có ý định sau khi đạt 1 tỉ USD doanh số thì sẽ về hưu ở tuổi 60 theo đúng quy định của nhà nước; nhưng các cơ hội kinh doanh không ngừng ập đến và đến nay ông đã tròn 70 tuổi. Với sự sát cánh của bà xã Thuỷ Tiên và các con, IPPG vẫn tiếp tục duy trì những mảng kinh doanh thế mạnh, đồng thời nhắm đến nhiều dự án mới với tham vọng phát triển du lịch.

Mới đây, trong buổi Lễ công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển TP Đà Nẵng, trong đó có Quyết định chủ trương cho phép nghiên cứu và lập Đề án Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực, ông Hạnh khẳng định: “Tập đoàn đã ấp ủ bao năm nay về một trung tâm tài chính ở Việt Nam nhưng do nhiều vướng mắc chưa làm được. Đến thời điểm này, công ty đã có cơ hội để thực hiện ý tưởng. Hơn 5 năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tài chính và bộ máy nhân lực.

“Chúng tôi đã đi học hỏi khắp thế giới để thực hiện được ý tưởng trên với việc trong 10 năm qua cá nhân tôi đã kết giao với rất nhiều người bạn trên thể giới, trong đó 3 người bạn Mỹ là 3 con ‘đại bàng chúa’ về lĩnh vực tài chính, casino, luật tài chính. Các bạn đã đặt hết niềm tin vào tôi và Việt Nam.”