Hà Nội – Quốc lộ 3, đoạn qua huyện Sóc Sơn có mặt cắt ngang nhỏ hẹp sắp được chi gần 1.500 tỉ đồng mở rộng, giúp giảm tải ùn tắc, tai nạn giao thông.
15h ngày 10.7, Quốc lộ 3, đoạn qua xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) huyên náo bởi tiếng động cơ, còi hơi của nhiều xe ben, container… chạy theo hướng Thái Nguyên đi Hà Nội và ngược lại.
Vì là trục giao thông chính phía Bắc Hà Nội, Quốc lộ 3 luôn tiếp nhận hàng nghìn lượt xe tải, container… chạy qua mỗi ngày.
Mặt đường rộng khoảng 7-8 m, không dải phân cách, chỉ cần hai container đi ngược chiều, mặt đường gần như bị chiếm trọn, xe máy phải luồn lách trong những khoảng hở.
Việc chạy xe sát bên những “gã khổng lồ” hàng chục tấn, phát ra tiếng kêu ầm ĩ, trên con đường hẹp này như một cuộc đấu trí căng não.
Không những vậy, mặt đường nhiều đoạn xuống cấp, lồi lõm, có đoạn chắp vá gồ ghề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân.
Đoạn đường treo dày đặc biển báo “chú ý quan sát”, “tuyến đường thường xảy ra tai nạn” để khuyến cáo người đi đường.
Hàng chục năm sinh sống cạnh Quốc lộ 3, bà Nguyễn Thị Điềm (94 tuổi, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) đã chứng kiến rất nhiều vụ va chạm giữa ôtô và xe máy trên trục đường huyết mạch phía Bắc thành phố.
Bà Điềm cho biết, dù đường hẹp song nhiều ôtô tải, xe container… vẫn chạy rất nhanh. Nhất là vào ban đêm, khi đường vắng, nhiều xe còn đua nhau chạy, bóp còi hơi inh ỏi.
“Cũng không ít người đi xe máy vượt ẩu hoặc chạy ngược chiều, băng ngang đường thiếu quan sát nên tai nạn càng dễ xảy ra” – bà Điềm nói và cho biết, ngoài những vụ tai nạn nghiêm trọng, va quẹt nhẹ giữa các xe xảy ra “như cơm bữa” ở đoạn đường trên.
Để giải quyết tình trạng trên, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Dự án mở rộng Quốc lộ 3 theo quy hoạch, đoạn từ nút giao Quốc lộ 18 đến ngã ba vào đền Sóc (huyện Sóc Sơn).
Công trình có chiều dài 6,7km, mặt cắt ngang nền đường thông thường là 52m; vỉa hè mỗi bên rộng 8m.
Đoạn qua khu đấu giá xã Tiên Dược, từ km23+067,5 đến km23+390, nền đường có mặt cắt ngang 60,8 – 62m. Đây là tuyến đường đô thị có tốc độ thiết kế 80km/h.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.480 tỉ đồng, do UBND huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư gần 700 tỉ đồng; chi phí xây dựng hơn 560 tỉ đồng; chi phí dự phòng 172 tỉ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2024 đến 2027.