Quốc lộ 21B (đoạn từ nút giao đường tỉnh 424 đến hết địa phận huyện Ứng Hòa) dài 10km, có mặt ngang nhỏ hẹp đang được nghiên cứu mở rộng lên 35m với 6 làn xe, tổng vốn dự kiến 2.300 tỉ đồng.
Quốc lộ 21B dài gần 60km nối quận Hà Đông, huyện Thanh Oai, Ứng Hòa (Hà Nội), huyện Kim Bảng, TP Phủ Lý (Hà Nam), trong đó đoạn qua huyện Ứng Hòa (Hà Nội) dài khoảng 22km.
Ghi nhận của Lao Động chiều 22.5 cho thấy, hiện khoảng 6km từ thị trấn Vân Đình đến nút giao đường tỉnh 424 (huyện Ứng Hòa) đang được triển khai mở rộng.
Trong khi đó, đoạn từ nút giao tỉnh lộ 424 đến giáp ranh với tỉnh Hà Nam dài 10km nhưng chỉ rộng khoảng 7m (cả hai hướng), không dải phân cách, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe trọng tải lớn chạy cùng xe máy.
Mặt đường nhiều đoạn lồi lõm, có đoạn chắp vá gồ ghề, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Đoạn đường treo dày đặc biển báo “chú ý quan sát”, “tuyến đường thường xảy ra tai nạn” để khuyến cáo người đi đường.
Ông Hoàng Văn Lợi (56 tuổi, xã Hòa Nam, Ứng Hòa) cho biết, Quốc lộ 21B chạy dọc theo các khu dân cư đông đúc và là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Nam Hà Nội nên lưu lượng xe tải, container rất đông.
Nhiều tài xế vô tư lấn làn, vượt ẩu bất chấp sự an toàn của phương tiện hướng đối diện. Nhất là về đêm khi đường vắng, các đoàn xe ben, container… chạy như đua, bóp còi hơi inh ỏi.
“Người dân sống hai bên đường ngày ngày chứng kiến cũng sợ mấy “hung thần” này, mệt mỏi và nơm nớp tai nạn thình lình bất cứ lúc nào” – ông Lợi nói và cho biết việc xe tải ép xe máy vào lề đã trở thành chuyện “như cơm bữa” ở đây.
Để sớm giải quyết tình trạng trên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang tiến hành lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn qua địa phận huyện Ứng Hòa với tổng mức đầu tư (dự kiến) là 2.300 tỉ đồng.
Công trình có chiều dài khoảng 10 km, điểm đầu tại Km31+550 (nút giao đường tỉnh 424), điểm cuối tại Km41+550 (hết địa phận huyện Ứng Hòa).
Hiện trạng đoạn tuyến cơ bản đạt cấp II đồng bằng, đoạn qua khu dân cư thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị; quy mô mặt cắt ngang 35 m với 6 làn xe.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, các đoạn tuyến có điều kiện mặt bằng thuận lợi, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Các đoạn tuyến do phải bám sát đường hiện trạng, tránh giải phóng mặt bằng với khối lượng lớn, tránh cắt công trình tôn giáo tín ngưỡng, đề xuất tốc độ thiết kế 50-60 km/h.
Hiện nay, đơn vị tư vấn đang phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa để chuẩn xác số liệu giải phóng mặt bằng làm cơ sở tính toán chi phí giải phóng mặt bằng dự án.